Multimedia Đọc Báo in

Krông Năng chú trọng công tác dạy nghề cho lao động nông thôn

09:08, 03/12/2014
Anh Nông Đình Hiếu, dân tộc Tày ở thôn Tâm Đa, xã Ea Tam sau khi tham gia lớp học kỹ thuật trồng và chăm sóc cây tiêu tại Trung tâm dạy nghề huyện đã mua giống tiêu về trồng trong vườn của gia đình.
 
Anh Hiếu cho biết, trước đây anh trồng tiêu theo kinh nghiệm của gia đình, không xử lý đất nên tỷ lệ tiêu sống rất thấp, khoảng cách giữa các trụ dày, chiều dài mỗi trụ chỉ đạt 1,8 - 2 m, trồng cạn nên khi gặp mưa lớn trụ tiêu thường bị lung lay, đổ ngã, ảnh hưởng đến sự phát triển của cây, đặc biệt bộ rễ bị xây xước, đứt gãy nên nguy cơ dịch bệnh tăng cao. Sau khi tham gia lớp học kỹ thuật trồng và chăm sóc cây tiêu, anh đã kịp thời chỉnh sửa vườn cây mới trồng đầu năm 2014, trồng thêm hệ thống cây muồng chắn gió, nhổ những trụ ngắn, thiếu chắc chắn để trồng lại, xử lý kỹ đất nên tỷ lệ cây sống đạt 90% mặc dù thời tiết nắng nóng liên tục. Tương tự, anh Y Kuên, xã Ea Hồ cũng tham gia lớp học xây dựng dân dụng, sau khi ra trường đã có công ăn việc làm ổn định. Anh cho biết, trước đây khi chưa đi học, anh chủ yếu làm thuê cho các chủ xây dựng, với mức lương 3-4 triệu đồng/tháng, nhưng không phải tháng nào cũng có công trình để làm nên cuộc sống rất bấp bênh. Nay, khi được học về các kiến thức cơ bản của nghề xây dựng (lắp ráp điện trong nhà, xây tường, vách, sơn…) anh đã trực tiếp đứng ra nhận các công trình dân dụng (nhà ở, nhà nghỉ, tường rào…) khắp trong và ngoài huyện, hiện anh đang làm nhà ở cho một hộ gia đình ở huyện Ea H’leo. Không chỉ tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho bản thân, anh còn giải quyết công ăn việc làm cho 3 - 4 người trong xã, với mức lương 4,5 - 5 triệu đồng/tháng. Còn chị Hoàng Thị Súng, xã Ea Tam sau khi học lớp may tại Trung tâm dạy nghề huyện cũng đã mở cho mình một cơ sở may tại địa phương. Chị Súng cho biết, nghề may cũng theo mùa, mùa tựu trường, sau thu hoạch cà phê, tết… cơ sở của chị rất đông khách, hàng làm không kịp phải nhờ đồng nghiệp ở các cơ sở khác, còn những thời điểm khác trong năm thường vắng khách nên chị làm hàng may sẵn để bán cho người qua đường. Hiện tại, mức thu nhập bình quân của gia đình chị là 4 – 6 triệu đồng/tháng.
Một nhóm học viên Trung tâm  dạy nghề huyện Krông Năng  đang thực hành  xây dựng dân dụng.
Một nhóm học viên Trung tâm Dạy nghề huyện Krông Năng đang thực hành xây dựng dân dụng.

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn là chiến lược dài hơi nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội ở các vùng nông thôn, để đạt được mục tiêu đó, các ngành nghề đào tạo phải xuất phát từ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, vì vậy, công tác điều tra, khảo sát và dự báo nhu cầu luôn được UBND huyện Krông Năng quan tâm. Theo đó, trước mỗi đợt đào tạo, Trung tâm dạy nghề huyện thường phối hợp với địa phương phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về dạy nghề cho lao động nông thôn, kịp thời thông tin nhu cầu lao động của một số nghề xã hội đang cần, tình hình sản xuất, năng suất, chất lượng một số cây trồng, vật nuôi để học viên xác định rõ nhu cầu, lựa chọn ngành nghề theo học. Từ đầu năm đến nay, trung tâm đã đào tạo được 8 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn, gồm 2 lớp sửa chữa máy nông nghiệp, 2 lớp kỹ thuật trồng và chăm sóc cây tiêu, may công nghiệp, chăn nuôi heo, xây dựng dân dụng, kỹ thuật trồng và chăm sóc cà phê với 275 học viên, bình quân mỗi lớp có 35 học viên. Dự kiến, năm 2015 địa phương sẽ tuyển mới 351 học viên  cho các ngành nghề xây dựng dân dụng, may công nghiệp, may dân dụng, sửa chữa máy nông nghiệp, xe máy, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây tiêu, cà phê, nuôi heo...

Ông Huỳnh Văn Vinh, Giám đốc Trung tâm dạy nghề huyện cho biết, nghề trồng, chăm sóc cây tiêu được đông đảo học viên quan tâm khi dịch bệnh trên cây tiêu ngày càng nhiều, việc trồng và chăm sóc đúng khoa học kỹ thuật sẽ góp phần đưa cây tiêu phát triển bền vững, hạn chế nguy cơ phá vỡ quy hoạch phát triển các loại cây trồng của địa phương. Bên cạnh đó, số học viên đăng ký các lớp học sửa chữa máy nông nghiệp (các loại máy nổ, máy cày…) luôn vượt quá chỉ tiêu đưa ra 35 người/lớp nên trung tâm phải mở thêm hoặc chuyển sang khóa sau. Đó là dấu hiệu tích cực chứng tỏ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa trong sản xuất nông nghiệp ngày càng được quan tâm, đẩy mạnh. Tuy nhiên, để đào tạo nghề cho lao động nông thôn thực sự gắn liền với công cuộc xây dựng nông thôn mới thì cần hơn nữa sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương các cấp (xã, huyện), các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp.

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc