Multimedia Đọc Báo in

Chuyện nhân công mùa thu hái cà phê

10:44, 02/12/2014

Vào cao điểm thu hoạch cà phê, các tỉnh miền Trung đang lúc nông nhàn nên nhiều lao động kéo lên các tỉnh Tây Nguyên nói chung và Dak Lak nói riêng để đi hái cà phê thuê kiếm thêm thu nhập.

Cứ vào tầm chạng vạng tối, dọc Quốc lộ 14, đoạn từ TP. Buôn Ma Thuột hướng sang Gia Lai, không khó để người ta bắt gặp hình ảnh từng nhóm thanh niên hết đứng rồi lại ngồi ven đường. Họ là những lao động ở các tỉnh miền Trung như: Phú Yên, Quảng Ngãi… lên đây tìm việc làm mùa vụ cà phê. Đặt chiếc ba lô bên vệ đường, hai anh em Đinh Văn Na và Đinh Văn Tút, dân tộc Hrê, ở xã Sơn Kỳ, huyện Sơn Hà (tỉnh Quảng Ngãi) lo lắng ngồi nhìn dòng người ngược xuôi mà không biết bao giờ mới có người đến đón. Hai anh em đã lên Dak Lak từ sáng và đang chờ người bạn ra đón về nơi làm. Anh Na tâm sự: “Trong xã em ở bây giờ có bao nhiêu thanh niên thì đều đã lên các tỉnh Tây Nguyên để tìm việc. Năm ngoái, ở thôn em chỉ có hai anh lên đây, thấy làm được nên năm nay mọi người rủ nhau lên hái cà phê, tìm việc trong lúc nông nhàn”. Còn anh Đinh Văn Thanh, trú xã Sơn Hạ, huyện Sơn Hà (tỉnh Quảng Ngãi) cũng đã tới xã Hòa Thuận (TP. Buôn Ma Thuột) gần 3 ngày nay nhưng vẫn chưa có ai thuê. Nhà anh Thanh ở ngoài quê chỉ có 3 sào đất, trồng lúa và sắn. Thanh mới học xong trung cấp, vẫn chưa có việc làm nên tranh thủ thời gian này lên Dak Lak xin đi hái thuê cà phê. Anh Thanh lo lắng: “Không có việc làm nên tôi tranh thủ lên đây tìm việc. Cả ngày loanh quanh, trời đã tối rồi mà cũng chưa thấy ai thuê…”.
Những lao động ở các tỉnh Quảng Ngãi, Phú Yên... tập trung bên đường  (Quốc lộ 14) để chờ người đến thuê hái cà phê.
Những lao động ở các tỉnh Quảng Ngãi, Phú Yên... tập trung bên đường (Quốc lộ 14) để chờ người đến thuê hái cà phê.

Thông thường, vụ thu hoạch cà phê bắt đầu hái bói từ đầu tháng 10, khi đó lượng trái ít, quả còn xanh nên việc thuê nhân công thu hái còn ít. Nhưng bắt đầu sang tháng 11, bước vào vụ hái chính nên nhu cầu về nhân công bao giờ cũng tăng cao. Có một nghịch lý rằng, những người dân ở các vùng quê lam lũ lên đây vừa thấp thỏm, lại lo âu không biết có tìm được việc hay không thì các chủ vườn lại “đỏ mắt” tìm không ra những nhân công biết việc, có thể tin tưởng. Với giá thuê thu hoạch cà phê từ 120.000 – 150.000 đồng/ngày nhưng nhiều chủ vườn vẫn rất khó khăn trong việc tìm người. Lý giải nguyên nhân này, anh Lê Đình Vinh, thôn 4, xã Hòa Thuận (TP. Buôn Ma Thuột) cho biết, cách đây hơn chục năm lượng nhân công lên Dak Lak làm cà phê thời vụ chủ yếu là ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh… nhưng giờ thì họ chủ yếu đều đi làm công nhân ở Bình Dương, Đồng Nai… Trong vòng 7, 8 năm trở lại đây thì người lên Tây Nguyên để hái thuê cà phê chủ yếu là ở Quảng Ngãi, Phú Yên… Riêng gia đình anh Vinh cũng đã có 6 người ở Quảng Ngãi được anh tin tưởng, thuê thu hái và bảo vệ cà phê trong mấy năm qua với giá từ 3,6 đến 4 triệu đồng/tháng. Anh đều lưu số điện thoại để đến những mùa vụ sau nếu cần lại gọi họ lên làm tiếp. Hiện giá cà phê vẫn đang ở mức 40.000 – 41.000 đồng/kg nên các hộ trồng cà phê ai cũng phấn khởi và tranh thủ thu hái để bán được giá, do đó nhu cầu về nhân công những ngày này càng tăng cao. Anh Nguyễn Tất Đại, trú xã Ea Tiêu (huyện Cư Kuin) cho biết, gia đình rất cần nhân công vào mùa vụ cà phê. Nhưng đến cuối mùa khi kiểm tra lại thì thấy sản lượng cà phê của gia đình sụt giảm hẳn so với bình quân chung. Từ đó anh rất cẩn thận trong việc thuê nhân công, hiện anh chỉ gọi những người đã làm lâu năm cho gia đình, hoặc được chính những người ấy giới thiệu bạn bè, người thân lên làm cùng.

Do chủ vườn rất cần tìm người làm thuê nhưng lại không biết mối thì nảy sinh tình trạng “cò” nhân công hái cà phê. Vì vậy, nhiều lao động khi tìm việc cũng rất cảnh giác. Chị Nguyễn Thị Lài quê ở Phú Yên, đang hái thuê cà phê cho một chủ vườn ở xã Hòa Thắng (TP. Buôn Ma Thuột) tâm sự, do được người quen giới thiệu nên chị tranh thủ lên đây hái cà phê trong vòng một tháng để kiếm thêm thu nhập, chứ nếu không cũng không dám đi một mình lên đây. Còn em Hoàng Thị Ngân, quê ở Nghệ An bộc bạch: “Em cũng nghe đài, báo nói những trường hợp lừa người lao động vào làm thuê rồi bóc lột nên đến mùa cà phê em chỉ vào nhà bác ruột ở xã Ea Kpam (huyện Cư M’gar) để làm thêm chứ không dám đi nơi khác”.

Đứng trước việc người làm thuê từ các tỉnh đổ về Dak Lak, các cấp chính quyền trong tỉnh cũng đã tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn. Ông Nguyễn Đình Sóc, Phó Trưởng Công an xã Ea Kpam (huyện Cư M’gar) cho biết: Hiện công an xã thường xuyên tăng cường tuyên truyền trên loa truyền thanh để người dân chủ động trong việc kiểm tra nhân khẩu, giám sát những người từ nơi khác về làm công, đồng thời rà soát những gia đình có thuê nhân công cà phê để tránh tình trạng khai thác quá mức sức làm việc cũng như lừa tiền người lao động…

Hoàng Gia


Ý kiến bạn đọc