Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả những mô hình khuyến nông ở Krông Năng

10:43, 02/12/2014

Biết nắm bắt khoa học kỹ thuật, mạnh dạn trong đầu tư, sản xuất nên chỉ trên một diện tích nhỏ, nhiều nông dân ở huyện Krông Năng đã thu về hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Mô hình nhỏ, hiệu quả lớn.

Năm 2004, ông Phạm Anh Túc, thôn 13 xã Phú Xuân bắt đầu trồng cà phê vối (giống TR 4 mua từ Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên) trên diện tích 8 sào. Năm 2010, ông trồng 145 trụ tiêu xen canh làm cây chắn gió cà phê theo hình thức cách một hàng cà phê trồng một hàng tiêu, cách 3 cây cà phê là một trụ tiêu. Đến nay trên diện tích đó, bình quân mỗi năm ông thu về 1 tấn tiêu và gần 5 tấn cà phê, lãi hơn 300 triệu đồng. Ông Túc cho biết, tiêu là cây trồng khó tính hơn các loại cây trồng khác, đặc biệt là dễ nhiễm bệnh, do vậy khi trồng phải chú ý đến chất lượng cây giống, và hạn chế bón phân cho cây tiêu, chỉ cần bón thêm phân cho những cây cà phê cạnh trụ tiêu cũng đủ hấp thụ cho cây tiêu... Tương tự, gia đình ông Hồ Văn Bình, thôn 4 cũng khá giả nhờ đa canh, ông cho hay, trước đây gia đình chỉ trồng khoảng 1 ha cà phê, thấy nguồn thức ăn tự nhiên cỏ, lá cây… chung quanh nhiều nhưng bị bỏ phí, hằng năm phải mất công sức, tiền của xịt thuốc diệt cỏ gây ô nhiễm môi trường nên năm 2009, trong một chuyến về thăm quê Nghệ An ông đã mua cặp hươu sao với giá 25 triệu đồng về nuôi. Nhờ chăm sóc tốt nên từ một cặp giống đến nay gia đình đã có 8 con, trong đó có 1 hươu cái, mỗi năm sinh 1 lần, còn 7 con hươu đực mỗi năm, mỗi con cho ra 1,5 cặp nhung, thu về gần 300 triệu đồng. Thức ăn của hươu chủ yếu là lá cây các loại, rau, cỏ có sẵn trong vườn nên chi phí rất ít, riêng những ngày hươu cho lộc, hươu mẹ mang thai, cho con bú cho ăn thêm cám bắp, gạo… Còn phân chuồng ủ hoai bón cho cà phê, chuối, bơ xen canh…, đã đưa mức tổng thu nhập bình quân mỗi năm của gia đình ông là 400 triệu đồng. Ông Đoàn Đức Hồng, thôn Giang Điền, xã Ea Puk cũng giàu lên từ mô hình đa cây, với 4 ha cà phê xen canh sầu riêng, cam, quýt, bình quân mỗi năm ông thu lãi hơn 700 triệu đồng.

Ông Phạm Anh Túc (phải) đang kiểm tra vườn cây.
Ông Phạm Anh Túc (phải) đang kiểm tra vườn cây.

Hướng đến phát triển bền vững

Nông nghiệp là ngành sản xuất chịu nhiều rủi ro nhất do thời tiết, quy luật cung cầu, thương lái ép giá… Đa số bà con nông dân có điểm xuất phát thấp, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, vốn đầu tư không có, phải vay mượn, đẩy nguy cơ rủi ro tăng cao. Ông Đoàn Đức Hồng tâm sự, nông dân họ ý thức rất cao về những rủi ro trong sản xuất, do vậy khi nuôi trồng bất cứ cây, con gì, họ chỉ mong lấy công làm lời, tự tạo công ăn việc làm, thu nhập cho gia đình. Dù có tính toán giỏi bao nhiêu thì tỷ lệ may rủi cũng chiếm phần lớn, bởi khi cây trồng được mùa thường gắn với mất giá và ngược lại. Năm 1998 được sự hỗ trợ cây giống sầu riêng kịp thời của Trung tâm Khuyến nông tỉnh (qua nguồn cung cấp cây giống của Công ty DONA, Đồng Nai) để trồng xen canh trong vườn cà phê nên ông mới có thêm động lực để sản xuất. Ngoài ra, ông còn trồng thêm cam, quýt để nuôi cây sầu riêng, cà phê, nhờ đó vườn cây của gia đình phát triển ổn định, thu lãi hơn 700 triệu đồng/năm. Còn với ông Phạm Anh Túc, ban đầu vườn cà phê chỉ có một hàng cây muồng chắn gió bao quanh, nhưng tình hình hạn hán ngày càng diễn biến phức tạp nên ông đã trồng thêm cây muồng chắn gió giữa lô cà phê, nhờ đó giảm một nửa lượng nước cần tưới vào mùa khô… Đồng thời, tận dụng lá muồng để làm phân xanh bổ sung nguồn hữu cơ tự nhiên cho vườn cây nên chi phí phân bón giảm khoảng 30% so với các vườn khác.

Ông Đoàn Mễ, Trưởng trạm Khuyến nông huyện Krông Năng cho biết, các mô hình trồng trọt, chăn nuôi đa canh trên địa bàn huyện đã có từ lâu, nhưng ba năm trở lại đây bắt đầu được bà con nhân rộng. Không chỉ nuôi trồng các loại cây, con truyền thống mà nông dân còn mạnh dạn đưa các loại cây, con mới vào sản xuất, nhờ đó hiệu quả kinh tế tăng lên gấp bội. Hằng năm, địa phương thường tổ chức các lớp tập huấn, tham quan, học hỏi kinh nghiệm sản xuất thực tế ở các mô hình kinh tế hiệu quả trong và ngoài huyện, khuyến khích bà con nuôi trồng đa cây, đa con để tận dụng các chất thải nông nghiệp, tăng hiệu quả sản xuất, bảo đảm thu nhập.

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.