Multimedia Đọc Báo in

Ngân hàng điện tử: Xu hướng tất yếu của dịch vụ ngân hàng

09:06, 30/12/2015
Trong guồng quay hối hả của xã hội hiện đại, việc phải sắp xếp thời gian và công việc để ra tận ngân hàng làm các thủ tục giao dịch từ nhỏ đến lớn thực sự là một điều khó khăn. Trong bối cảnh đó, sự ra đời của dịch vụ ngân hàng điện tử (E-Banking) với nhiều tiện ích vượt trội thực sự đã trở thành “cứu cánh” cho rất nhiều khách hàng bận rộn và đã trở thành xu hướng tất yếu trong phát triển dịch vụ của các ngân hàng.

E-Banking là chữ viết tắt của Electronic-banking (dịch vụ ngân hàng điện tử), một công cụ tiện ích cung cấp các sản phẩm và dịch vụ của ngân hàng thông qua các phương tiện điện tử và các kênh truyền thông tương tác khác. E-Banking tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau nhằm phục vụ cho các nhu cầu phong phú, đa dạng. Nghe có vẻ xa lạ, nhưng các sản phẩm này hầu như nghe khá quen thuộc với chúng ta khi được nhắc đến, đó là: các loại thẻ nhựa (Plastic money) gồm thẻ tín dụng, thẻ thanh toán..., hệ thống thanh toán tại các điểm bán hàng (POS – Point of Sale), máy rút tiền tự động (ATM – Automated Teller Machine), dịch vụ ngân hàng qua điện thoại (Telephone - Banking), dịch vụ ngân hàng qua mạng Internet (Internet - Banking), dịch vụ ngân hàng qua mạng viễn thông không dây (Mobile - Banking), dịch vụ ngân hàng qua vô tuyến truyền hình tương tác (Interactive TV). Các hình thức dịch vụ trên có thể thực hiện các công việc liên quan đến tiền tệ như giao dịch ngân hàng, kiểm tra tài khoản, thanh toán các hóa đơn điện tử...

Khách hàng giao dịch qua máy ATM tại Chi nhánh Agribank Cư Kuin.
Khách hàng giao dịch qua máy ATM tại Chi nhánh Agribank Cư Kuin.

Tại Việt Nam, ngay từ tháng 3-1995, E-Banking bắt đầu có sự tham gia của hệ thống SWIFT – Society for Worldwidde Interbank Financial Telecommunications. Tiếp đến, vào tháng 5-2002 xuất hiện hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, sau đó, các ngân hàng bắt đầu áp dụng các dịch vụ cơ bản của E-Banking. Trong những năm gần đây, các ngân hàng trong nước cũng đã tăng cường áp dụng nhiều hình thức khác nhau của E-Banking để phục vụ khách hàng tốt hơn, giúp giảm nhiều chi phí, làm cho lượng tiền tệ của quốc gia lưu thông dễ dàng hơn và đã đạt được những thành công nhất định. Riêng trên địa bàn tỉnh, gần như tất cả câc ngân hàng đều triển khai E-Banking dưới nhiều hình thức khác nhau, phù hợp với chiến lược cũng như nhu cầu của đối tượng khách hàng mà mình nhắm đến. Chẳng hạn tại Chi nhánh Ngân hàng NN-PTNT Dak Lak, sau những thành công trong việc triển khai những dịch vụ như trả lương, trả tiền điện, nước… qua thẻ ATM, mới đây nhất đã triển khai thành công dịch vụ thu học phí Internet - Banking phục vụ sinh viên tại Trường Đại học Tây Nguyên. Có thể thấy E-Banking là một bước tiến thực sự của các ngân hàng thương mại Việt Nam trước sức ép rất lớn của tiến trình hội nhập toàn cầu về dịch vụ ngân hàng. Đứng về phía khách hàng, E-Banking đã mang lại những lợi ích thiết thực: nhanh chóng - an toàn - thuận tiện chính là những ưu thế lớn mà mô hình ngân hàng “hành chính” truyền thống không thể nào sánh được. Mặt khác, ngân hàng cũng giải quyết được vấn đề chi phí cho nguồn nhân lực cao mà công việc giao dịch lại quá tải, vì giờ đây khách hàng đến chi nhánh ít đi nhờ vào sự tự động hóa của E-Banking đem lại khi họ chỉ việc ngồi ở nhà, đang cầm chiếc điện thoại di động, hay đang làm việc trên chiếc máy tính cá nhân có kết nối Internet là có thể thực hiện mọi giao dịch như đang ở trong ngân hàng thực.

Rõ ràng E-Banking đã cho thấy rất nhiều tính ưu việt, nhưng đến nay hình thức này vẫn chưa được tận dụng triệt để. Nguyên nhân chính là do chất lượng dịch vụ của E-Banking còn chưa thỏa mãn khách hàng ở những cấp độ cao hơn như việc gửi tiền mặt vào tài khoản, việc đăng ký sử dụng dịch vụ… còn phải tới trực tiếp giao dịch tại chi nhánh ngân hàng, hoặc các dịch vụ E-Banking chất lượng cao hơn còn chưa được phát triển như dịch vụ quản lý quỹ đầu tư, dịch vụ địa ốc, cho thuê tài chính; cơ sở hạ tầng còn yếu kém như chất lượng mạng, tốc độ đường truyền, lỗi kỹ thuật hoặc thiết bị đầu cuối không bảo đảm chất lượng dẫn tới chất lượng dịch vụ chưa cao; các hệ thống E-Banking của các ngân hàng còn phát triển tương đối độc lập, chưa có sự phối hợp, liên thông cần thiết nhằm phát huy cao nhất hiệu quả của dịch vụ mới này; giao dịch E-Banking còn phụ thuộc nhiều vào chứng từ lưu trữ truyền thống, chưa thể điện tử hóa mọi chứng từ giao dịch; việc sử dụng chữ ký điện tử, chứng nhận điện tử chưa được phổ biến rộng rãi và chưa thể hiện được ưu thế so với chữ ký thông thường. Bên cạnh đó, những rủi ro mới như hacker (tin tặc), virus máy tính có thể có những tác hại rất lớn không chỉ đối với ngân hàng mà còn đối với khách hàng, gây mất lòng tin của khách hàng đối với dịch vụ ngân hàng… Do vậy trong thời gian tới, các ngân hàng sẽ tiếp tục khắc phục những nhược điểm này để E-Banking phát huy hết tác dụng của mình.

 Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.