Multimedia Đọc Báo in

Phát triển kinh tế tập thể: Hướng đi của nông dân Buôn Trấp

13:00, 25/01/2015

Xây dựng mô hình kinh tế tập thể không còn là cách làm mới nhưng đang là hướng đi tiềm năng, đem lại hiệu quả kinh tế cho nhiều nông dân ở thị trấn Buôn Trấp (huyện Krông Ana), qua đó góp phần tích cực trong công tác xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Tổ hợp tác mua bán cà phê nông sản ở thôn 1 được thành lập từ năm 2010 nhằm hỗ trợ đầu ra ổn định cho những nông dân tham gia sản xuất theo dự án Cà phê bền vững của Công ty TNHH MTV XNK 2-9 Dak Lak. Ông Vũ Trọng Tuyến, nhóm trưởng nhóm cà phê bền vững, kiêm tổ trưởng tổ hợp tác mua bán cà phê, nông sản chia sẻ: “Tổ hợp tác mua bán cà phê nông sản hiện có 3 thành viên tham gia và chỉ thu mua cà phê của những hộ nông dân đăng ký sản xuất cà phê bền vững. Tổ hợp tác hoạt động dựa trên tiêu chí bảo đảm đầu ra ổn định cho sản phẩm, bảo vệ quyền và lợi ích cho nông dân. Mỗi nông hộ sau khi thu hoạch, sản phẩm sẽ được thu mua theo giá thị trường và cộng hưởng thêm 200 đồng/kg”. Là nông dân tham gia dự án sản xuất cà phê bền vững từ những ngày đầu tiên, ông Nguyễn Ngọc Giỏi (tổ dân phố 3) phấn khởi: “Trước đây, việc chăm sóc 1,2 ha cà phê của gia đình chỉ dựa vào kinh nghiệm từ bản thân và học hỏi từ bà con lối xóm nên cho năng suất không cao, chỉ khoảng 2-3 tấn/năm. Từ khi tham gia mô hình sản xuất cà phê bền vững, tôi được tham dự các lớp tập huấn, đào tạo đầy đủ các quy trình từ bón phân, tưới nước đến phương pháp canh tác, bảo hộ lao động, bảo quản sản phẩm theo quy định, tiêu chuẩn, tiêu chí rõ ràng. Sau một năm thực hiện, vườn cà phê của gia đình không chỉ cho năng suất cao hơn mà còn giảm được nhiều chi phí đầu tư. Tuy nhiên, điều làm tôi và bà con nơi đây phấn khởi nhất chính là đầu ra ổn định của sản phẩm, không còn bị ép giá như thời gian trước. Bán cà phê cho tổ hợp tác không chỉ theo giá thị trường mà còn được cộng hưởng thêm nên người dân ai cũng vui”.

Ông Vũ Trọng Tuyến (áo trắng) thu mua cà phê  của nông dân trên địa bàn.
Ông Vũ Trọng Tuyến (áo trắng) thu mua cà phê của nông dân trên địa bàn.

Cũng giống tổ hợp tác mua bán cà phê nông sản, tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản ở tổ dân phố 7 cũng là một trong những mô hình kinh tế tập thể đang phát huy được thế mạnh của địa phương, giúp nông dân thay thế việc sản xuất theo quy mô nhỏ lẻ bằng mô hình kinh tế có hiệu quả, bền vững hơn. Chị Nguyễn Thị Nhớ, thành viên của tổ hợp tác tâm sự: “Trước đây tôi cũng đã từng cải tạo lại gần 500m2 mặt nước ao của gia đình để nuôi cá, không hiểu sao dù thả nhiều loại cá khác nhau nhưng trong quá trình nuôi, cá vẫn chết rất nhiều. Qua 3 vụ, nhận thấy nuôi cá cho thu nhập không cao mà có khi còn lỗ vốn nên tôi quyết định dừng lại và chỉ sử dụng nước trong ao để tưới cà phê vào mùa khô. Khi biết Hội nông dân thị trấn xây dựng tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản, lúc đầu cũng không thấy hào hứng lắm nhưng được tham dự các buổi Hội thảo nuôi trồng thủy sản do Hội nông dân thị trấn phối hợp với Phòng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn huyện và Chi cục Thủy sản, biết được quy trình sinh sản cũng như cách thức chăm sóc đối với từng loại cá tôi liền đăng ký tham gia và bắt tay vào thực hiện. Để tận dụng được nguồn phụ phẩm nông nghiệp, các loại rau cỏ sẵn có và theo nhu cầu tiêu thụ của thị trường, tôi quyết định nuôi cá chép, rô phi và diêu hồng. Sau 9 tháng thả cá, gia đình xuất lứa đầu tiên được hơn 1 tấn, cho thu nhập gần 20 triệu đồng đã trừ chi phí”. Ông Nguyễn Ngọc Chính, Tổ trưởng Tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản cho biết: “Tổ hợp tác thành lập từ đầu năm 2014, hiện có 13 thành viên. Tham gia tổ, các thành viên có điều kiện trao đổi kinh nghiệp sản xuất cũng như kỹ thuật chăm sóc, nuôi trồng thủy sản. Nhằm đảm bảo nguồn giống tốt, tổ tìm nơi cung cấp có uy tín để lựa chọn con giống phù hợp, đồng thời hướng dẫn các hộ nuôi trồng thủy sản thực hiện theo đúng quy trình từ lịch thả cá đến thời điểm thu hoạch. Ngoài ra, các thành viên trong tổ còn thành lập quỹ hỗ trợ, đóng góp mỗi người 1 triệu đồng/năm cho vay theo hình thức xoay vòng để mở rộng quy mô sản xuất”.

Phát triển mô hình kinh tế tập thể là một trong những hoạt động của Hội Nông dân thị trấn Buôn Trấp nhằm thúc đẩy, hỗ trợ nông dân trên địa bàn sản xuất, kinh doanh theo hướng bền vững. Ông Phạm Văn Vận, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn cho biết: “Tuy chỉ mới thành lập nhưng đến nay, 2 tổ hợp tác đã phần nào phát huy được vai trò của mình trong việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình sản xuất và đặc biệt là từng bước hình thành việc liên doanh, liên kết, bảo đảm đầu ra ổn định, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống cho nông dân. Trong thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục triển khai thêm nhiều mô hình kinh tế tập thể mới để khuyến khích, hỗ trợ nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, góp phần tích cực vào phong trào xây dựng nông thôn mới tại địa phương”.

 Vân Anh


Ý kiến bạn đọc