Multimedia Đọc Báo in

Tất bật cho công tác phòng cháy chữa cháy rừng

10:47, 28/01/2015

Bước vào mùa khô 2014-2015, thời tiết khí hậu hanh khô khắc nghiệt hơn mọi năm, vì vậy, công tác phòng chống cháy rừng (PCCR) trên địa bàn tỉnh đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và các chủ rừng.

Chủ động phương án từ cơ sở

Huyện Ea H’leo có tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp 72.641 ha, trong đó rừng tự nhiên là 32.077 ha, rừng trồng 5.869 ha, đất chưa có rừng 34.694 ha. Trên địa bàn huyện có 4 công ty lâm nghiệp gồm: Công ty TNHH MTV  Lâm nghiệp Chư Phả, Ea Wy, Thuần Mẫn, Ea H’leo; Nông trường Hồ Lâm và 16 doanh nghiệp thuê đất trồng cao su và quản lý bảo vệ rừng, 2 công ty liên kết với Ban Quản lý bảo vệ rừng cộng đồng buôn Chăm, buôn Kry (Ea Sol) để trồng cao su. Từ tháng 11 -2014, khí hậu ở Ea H’leo đã bắt đầu hanh khô, cháy rừng dễ xảy ra vì trên địa bàn huyện vẫn còn tình trạng đốt rừng làm nương rẫy, săn bắn, khai thác gỗ, đốt ong lấy mật. Với gần 20.000 ha rừng trọng điểm dễ cháy nên công tác PCCCR được chính quyền địa phương và ngành chức năng của huyện quan tâm, chỉ đạo sâu sát. Các chủ rừng là các công ty lâm nghiệp, nông trường, DN thuê đất trồng cao su, QLBVR trên địa bàn đã chủ động xây dựng phương án và nghiêm túc triển khai thực hiện các công trình PCCCR.

Theo Hạt Kiểm lâm Ea H’leo, diện tích rừng trọng điểm dễ cháy trên địa bàn huyện chủ yếu tập trung ở các xã: Ea H’leo (8.000 ha), Cư Mốt (4.000 ha), Ea Sol (4.000 ha), Ea Wy (1.000 ha), Ea Khăl (600 ha)… Hạt Kiểm lâm đã tham mưu cho UBND huyện xây dựng phương án PCCCR. Theo đó đã phân vùng để dễ dàng huy động lực lượng tham gia PCCCR chia làm 5 cụm xã gồm: cụm xã Ea Nam - Ea Khăl - Ea Tir, Ea Wy - Cư A Mung – Cư Mốt – Ea Ral, Ea Sol – Ea Hiao, Dliê Yang và xã Ea H’leo. Việc phân công trách nhiệm trong tổ chức, chỉ huy, huy động lực lượng, phương tiện PCCCR cũng rất cụ thể. Ngày 7-11-2014, UBND huyện đã ban hành Quyết định thành lập Ban chỉ đạo công tác PCCCR với 13 thành viên; thành lập 12 ban chỉ đạo PCCCR cấp xã và 15 ban của các công ty lâm nghiệp, Nông trường Hồ Lâm, Công ty cao su Ea H’leo, các đơn vị kinh doanh rừng và trồng cao su; xây dựng 28 tổ đội quần chúng nhân dân bảo vệ rừng, PCCCR ở 140 thôn, buôn gần rừng với lực lượng nòng cốt là dân quân tự vệ, ban quản lý rừng cộng đồng…; thành lập 22 tổ trực PCCCR ở các DN với lực lượng chính  là các phân trường, đội sản xuất. Thực hiện tốt Chỉ thị của UBND huyện về công tác PCCCR, Hạt Kiểm lâm huyện cũng đã yêu cầu các chủ rừng xây dựng các phương án PCCCR, đầu tư trang thiết bị, triển khai các biện pháp kỹ thuật phục vụ cho công tác PCCCR, đồng thời phân công lực lượng thường xuyên tuần tra, canh gác những vùng trọng điểm cháy. Bên cạnh đó,  Hạt cũng phối hợp với UBND cấp xã cùng các chủ rừng hướng dẫn người dân thực hiện đốt nương, rẫy đúng quy trình, kỹ thuật, trước khi đốt phải làm đường băng cản lửa để ngăn chặn tình trạng cháy lan vào rừng; kiểm tra chặt chẽ các đối tượng, phương tiện vào rừng săn bắt, đốt ong lấy mật trái phép.

Cán bộ  Vườn Quốc gia  Cư Yang Sin  phát dọn  đường ranh PCCR. Ảnh: Vạn Tiếp
Cán bộ Vườn Quốc gia Cư Yang Sin phát dọn đường ranh PCCR. Ảnh: Vạn Tiếp

Tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân

 Mùa mưa ở huyện Krông Bông thường đến muộn và kết thúc muộn hơn so với các địa phương khác trong tỉnh, nhưng năm nay lượng mưa trên địa bàn huyện giảm so với các năm trước kèm theo đó là thời tiết nắng nóng, hanh khô xuất hiện sớm hơn mọi năm. Để thực hiện tốt nhiệm vụ QLBVR, PCCCR, ngay từ đầu mùa khô, Hạt Kiểm lâm Krông Bông đã tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các đơn vị chủ rừng, các xã có rừng tổ chức thực hiện nhiệm vụ QLBVR, PCCCR mùa khô theo phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ). Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền các văn bản pháp luật quy định về công tác QLBVR, PCCCR và các văn bản của Trung ương, địa phương đến các tầng lớp nhân dân, đặc biệc là người dân sống gần rừng, vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng, với nhiều nội dung và hình thức thiết thực như: tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng (thông qua đài truyền thanh, truyền hình của huyện, đài truyền thanh của các xã); thông qua họp dân, phát tờ rơi, ký cam kết; tuyên truyền lưu động; thông qua hình thức trực quan (hệ thống bảng biểu tuyên truyền).

(Xem trang 2) Nhân công Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông tỉa thưa cành khô  phòng chống cháy rừng trong mùa khô.                               Ảnh: Vạn Tiếp
 Nhân công Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông tỉa thưa cành khô phòng chống cháy rừng trong mùa khô. Ảnh: Vạn Tiếp

Là một trong những chủ rừng, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông, được giao quản lý bảo vệ 35 tiểu khu với tổng diện tích 28.446,11 ha, trong đó có 1.494,24 ha rừng trồng nằm trên các xã: Dang Kang, Hòa Thành, Cư Kty, Hòa Phong, Cư Pui, Cư Drăm, Yang Mao. Để thực hiện tốt công tác bảo vệ và PCCCR mùa khô năm 2014 – 2015, Công ty đã xây dựng phương án tác nghiệp,  phối hợp, điều động lực lượng tham gia chữa cháy rừng trên lâm phần và diện tích rừng trồng ngoài lâm phần. Theo phương án, đơn vị thực hiện làm đường băng tại một số nơi trọng điểm như: buôn T’Liêr, đồi Chư Yang Kô (Hòa Phong), Dak Tua (Cư Pui, Cư Đrăm), buôn Hàng Năm (Yang Mao)… với diện tích 28,8/120,81 ha tổng diện tích đường băng. Việc chỉ thực hiện số diện tích trên là do đa số diện tích rừng năm thứ 3, 4 thuộc các khu vực không xung yếu, vật liệu trong lô tương đối sạch. Ngoài ra, số rừng trồng năm thứ nhất (2014) chủ yếu trên diện tích sau khai thác từ 1 - 2 luân kỳ nên trong lô rất ít vật liệu cháy, đơn vị chỉ thực hiện gom xử lý sạch. Đối với việc gom xử lý cục bộ dưới tán rừng, đơn vị dự kiến thực hiện 855,22 ha (diện tích rừng keo trồng năm 2011 – 2014). Ông Hà Văn Liên, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông cho biết, ngoài các giải pháp về kỹ thuật, để công tác PCCCR hiệu quả, lấy phòng là chính, đơn vị phân công từng cán bộ phụ trách các địa điểm, thường xuyên túc trực tại khu vực rừng trồng, chòi canh lửa; kiểm tra, tuần tra và phát hiện kịp thời các đám cháy rừng xảy ra, tiến hành xử lý dập tắt đám cháy, hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại đến tài nguyên rừng. Đến thời cao điểm của mùa khô, công ty sẽ rà soát lại những điểm có khả năng xảy ra cháy cao và bố trí lực lượng trực 24/24 giờ. Một trong những nguyên nhân gây ra cháy rừng là do người dân đốt nương làm rẫy, đốt tổ ong lấy mật, do đó đơn vị thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn người dân đốt nương làm rẫy đúng quy trình, kỹ thuật (chọn ngày trời râm mát, làm đường bao ngăn lửa, đốt ngược hướng gió…).  Đối với những hộ dân có nương rẫy ở các thôn, buôn gần khu vực rừng trồng như: Dang Kang, T’Liêr, Dak Tua, Vân Kiều, Chàm B, Hàng Năm, Yang Hanh, Cư Dắt… đơn vị tổ chức họp dân, ký cam kết không được chặt phá, mang lửa vào rừng. Bên cạnh đó, phối hợp với các đơn vị có đường giáp ranh với lâm phần quản lý như: Vườn Quốc gia Chư Yang Sin, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Kar, M’Drak… kiểm tra và xử lý kịp thời  khi có cháy rừng xảy ra.

 Lê Hương


Ý kiến bạn đọc