Multimedia Đọc Báo in

Không để khan hàng, sốt giá dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015

10:49, 09/02/2015

Dịp tết, nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao, chính vì thế công tác bảo đảm hàng hóa, chống sốt hàng, tăng giá đột biến… phải đặc biệt quan tâm. Phóng viên Báo Dak Lak đã có cuộc trao đổi với ông NGUYỄN VĂN NGHIÊM - Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh xung quanh vấn đề này.

°Đến thời điểm này, Sở Công thương đã triển khai kế hoạch bảo đảm hàng tết phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân đến đâu, thưa ông?

Để phục vụ nhu cầu sắm tết của người dân trên địa bàn, các doanh nghiệp và hộ kinh doanh, đại lý, bán lẻ… đã có kế hoạch chủ động nguồn hàng từ rất sớm. Riêng các doanh nghiệp thương mại chủ lực trên địa bàn như Co.opMart, Metro, Vinatex Buôn Ma Thuột… đã dự trữ hàng hóa với tổng giá trị lên đến gần 150 tỷ đồng, trong đó, hàng bình ổn chiếm hơn 90 tỷ đồng, và cam kết bán ra thị trường với mức giá ổn định. So với năm ngoái lượng hàng doanh nghiệp đăng ký bình ổn phục vụ Tết Nguyên đán Ất Mùi tăng trên 20%. Bên cạnh việc ứng ngân sách để dự trữ hàng bình ổn, các đơn vị trên cũng tự chủ động dự trữ hàng hóa từ nguồn vốn tự có, góp phần bình ổn giá cả tại địa phương.

Dự đoán sức mua dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015 năm nay trên địa bàn tỉnh tăng khoảng 10% - 15%, do đó để bảo đảm cung ứng nguồn hàng phục vụ nhu cầu sắm tết của người dân, ngay đầu quý IV, năm 2014, Sở Công thương đã chỉ đạo các đơn vị kinh doanh thương mại trên địa bàn triển khai kế hoạch dự trữ hàng hóa phục vụ tết, trong đó tập trung vào nhóm hàng thiết yếu như gạo, thực phẩm thịt, dầu ăn, đường, nước mắm…, thời gian bình ổn không chỉ trước tết mà kéo dài ra sau tết để giảm thiểu tình trạng thiếu hàng, tăng giá đột xuất; đồng thời, tổ chức các đợt bán hàng lưu động để mở rộng các điểm bán hàng phục vụ Tết cho người dân.

Người tiêu dùng sắm hàng Tết tại Siêu thị Co.opMart Buôn Ma Thuột.
Người tiêu dùng sắm hàng Tết tại Siêu thị Co.opMart Buôn Ma Thuột.

°Xin ông cho biết, năm nay chương trình bình ổn giá triển khai trên địa bàn tỉnh có nét gì mới?

Bình ổn giá là một trong những hoạt động có ý nghĩa góp phần ổn định nguồn cung, tránh thiếu hụt hàng, gây bất ổn thị trường. Ngoài việc doanh nghiệp được hỗ trợ tạm ứng vốn với lãi suất ưu đãi (0%) thì năm nay, sở còn thực hiện vận động doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá bằng nguồn vốn của đơn vị để tăng nguồn dự trữ hàng tết. Đến thời điểm này, tổng giá trị hàng hóa doanh nghiệp chủ động bình ổn giá chiếm trên 90% so với nguồn vốn ngân sách, trong đó nhiều doanh nghiệp dự trữ với số lượng lớn như Co.opMart Buôn Ma Thuột, Trung tâm thương mại Ea Kar…

Đi kèm với chương trình bình ổn giá, thì chương trình bán hàng lưu động, đưa hàng Việt về miền núi, điểm bán hàng bình ổn phục vụ bà con ở các vùng xa, vùng khó khăn trong tỉnh cũng được triển khai dịp tết này. Đến nay, đã có 10 đợt bán hàng lưu động được thực hiện tại các địa phương như Buôn Đôn, Ea Súp…. hỗ trợ bà con sắm tết với nguồn hàng phong phú, chất lượng bảo đảm với giá cả hợp lý, đồng thời, giúp kiểm soát hiện tượng đầu cơ, găm hàng. Bên cạnh đó, một số siêu thị, trung tâm mua bán được đưa vào sử dụng trên địa bàn các huyện, tham gia bán hàng bình ổn giá bằng nguồn vốn của đơn vị cũng góp phần bổ sung thêm kênh cung ứng hàng hóa ra thị trường, phục vụ nhu cầu sắm tết tại địa phương.

°Thông thường, càng cận tết, tình trạng sốt hàng, tăng giá  đột biến càng dễ xảy ra; để tránh tình trạng này, sở đã có biện pháp gì để kiểm soát  nguồn cung cũng như giá cả các mặt hàng phục vụ tết, thưa ông?

Để người dân đón một cái tết vui tươi, lành mạnh, ngành công thương tỉnh đã duy trì lượng hàng hóa dồi dào, chất  lượng bảo đảm, giá cả hợp lý và yêu cầu các doanh nghiệp bán hàng bình ổn giá cam kết không để xảy  ra tình trạng khan hàng, sốt giá. Để làm được việc đó, sở đã chú trọng đẩy mạnh công tác dự báo, nắm chắc diễn biến tình hình thị trường, tình hình hàng hóa, giá cả, nhất là các hàng hóa thiết yếu phục vụ sản xuất, tiêu dùng của người dân; đồng thời, chỉ đạo Chi cục quản lý thị trường tăng cường kiểm tra kiểm soát thị trường ngăn chặn kịp thời các hành vi đầu cơ, găm hàng, ép giá. Cụ thể, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, phối hợp với các cơ quan ban ngành chức năng liên quan kịp thời kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật về giá; kiểm tra, xử lý việc mua bán hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nhãn mác, chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm nhất là đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm, vật tư thiết yếu, hàng tiêu dùng tết…

°Xin cảm ơn ông!

Đỗ Lan (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc