Kinh tế - xã hội Việt Nam 2014 qua góc nhìn báo chí thế giới
Năm 2014 khép lại, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu rất đáng khích lệ. Dưới đây là một số đánh giá tiêu biểu mang tính khách quan của bạn bè thế giới nói về kinh tế - xã hội của Việt Nam trong năm vừa qua.
Báo Granma Cuba: Công cuộc đổi mới của Việt Nam tiếp tục giành thắng lợi
Đầu tháng 9-2014, nhân dịp Quốc khánh Việt Nam, Báo Granma, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Cuba đăng bài giới thiệu thành tựu đổi mới của Việt Nam, kèm theo những bức ảnh sinh động. Theo bài báo, nhờ công cuộc đổi mới, Việt Nam đã đạt được 5 trong số 8 mục tiêu thiên niên kỷ và dự kiến sẽ hoàn thành nốt 3 mục tiêu còn lại vào năm 2015. Bài báo nêu bật những thành tựu mà quá trình đổi mới đạt được kể từ năm 1986, giúp Việt Nam xây dựng lại đất nước sau chiến tranh, đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế mạnh nhất Đông Nam Á. Trong hai thập kỷ gần đây, GDP của Việt Nam tăng trưởng bình quân 7%/năm. Cũng nhờ công cuộc đổi mới mà tỷ lệ hộ nghèo ở Việt Nam đã giảm từ 58% năm 1993 xuống còn 8% vào năm 2013 và cả nước đã có trên 30 triệu người thoát nghèo. Ngoài ra, các chỉ số phúc lợi xã hội đã vượt qua một số nước có mức thu nhập ngang bằng, hay thậm chí cao hơn Việt Nam như đã được Liên hiệp quốc (LHQ) công nhận.
Quần đảo Cát Bà, khu dự trữ sinh quyển thế giới |
Báo Economist: Việt Nam từng bước kiềm chế lạm phát
Trung tuần tháng 11-2014, tờ Economist (Anh), đã có bài viết ca ngợi Việt Nam thành công trong công cuộc kiềm chế lạm phát, thông qua việc “hạ nhiệt” giá tiêu dùng, nhất là 6 tháng cuối năm. Theo Economist, tỷ lệ lạm phát của nền kinh tế Việt Nam trong tháng 10-2014 là 3,2%, thấp hơn so với mức 5% của tháng 6-2014. Đây là những bước tiến đáng kể giúp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều chỉnh chính sách tiền tệ. Bằng chứng là trần lãi suất huy động có kỳ hạn bằng tiền đồng Việt Nam đã giảm từ 6% xuống 5,5%. Trong khi đó, trần lãi suất huy động USD đối với tiền gửi cá nhân cũng giảm từ 1% xuống 0,75% và những tháng cuối năm còn giảm tiếp. Lãi suất cho vay bằng tiền đồng Việt Nam với các kỳ hạn dưới một năm cũng giảm liên tục từ 8% xuống mức 7%. Trung bình, tỷ lệ lạm phát trong 10 tháng đầu năm 2014 của Việt Nam là 4,5%. Như vậy, tỷ lệ lạm phát vẫn thấp hơn nhiều so với mục tiêu 7% được đề ra trước đó cho cả năm 2014, đây là một thành công lớn của Việt Nam trong việc điều chỉnh chính sách tiền tệ.
Việt Nam từng bước kiềm chế được lạm phát. |
Ngân hàng thế giới: Dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam 2015 có thể đạt 5,6%
Đầu tháng 12-2014, Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố báo cáo thường niên, theo WB kinh tế Việt Nam đã xuất hiện những dấu hiệu tích cực phục hồi. Cũng theo WB, dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam 2015 có thể đạt 5,6% và năm 2016 sẽ tiếp tục tăng lên 5,8%. Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc WB Việt Nam cho rằng, Việt Nam vẫn còn tồn tại những rào cản làm hạn chế GDP. Ví dụ như tăng trưởng doanh số bán lẻ thấp, điều này cho thấy tiêu dùng tư nhân vẫn chậm, hoặc cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, cải cách doanh nghiệp Nhà nước, hệ thống ngân hàng còn chậm chạp chưa theo kịp với đà tăng trưởng kinh tế chung của cả nước.
Dự kiến tăng trưởng GDP của Việt Nam 2015 đạt 5,6%. |
Hãng Reuters: Việt Nam là quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới
Ngày 26-12, Hãng tin Reuters cho hay xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2014 tuy giảm 0,9% so với năm 2013 nhưng vẫn đạt mức cao 6,53 triệu tấn, giúp Việt Nam trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu gạo lớn thế giới, chỉ đứng sau Thái Lan và Ấn Độ. Với 6,53 triệu tấn gạo xuất khẩu, ngành nông nghiệp Việt Nam thu về 3,05 tỷ USD, tăng 4,2% thu nhập so với năm 2013.
Ngoài thành tích xuất khẩu gạo, năm 2014, Việt Nam còn giành tới 3 giải thưởng “Thành tựu xuất sắc” về đột biến tạo giống do Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) trao tặng hồi cuối tháng 9-2014. Theo IAEA, Việt Nam là một quốc gia nông nghiệp, trên 70% dân số làm nghề nông nên việc bảo đảm an ninh lương thực là rất quan trọng, được Chính phủ Việt Nam quan tâm hàng đầu. Cùng với việc áp dụng chính sách đổi mới, Chính phủ Việt Nam đã chủ trương đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, trong đó có khoa học và công nghệ hạt nhân trong lĩnh vực lương thực và nông nghiệp nhằm thỏa mãn an ninh lương thực và đưa Việt Nam từ một nước nhập khẩu gạo trở thành một trong số những quốc gia đứng đầu thế giới về xuất khẩu lúa gạo. Ba giải thưởng trên liên quan đến đột biến tạo giống bằng bức xạ là thành tựu nghiên cứu ứng dụng từ những năm 70 của thế kỷ trước với sự giúp đỡ của IAEA, FAO và nhiều tổ chức khác. Nhiều giống đột biến phóng xạ đã được tạo ra, cho năng suất cao, chất lượng tốt và chịu được môi trường khắc nghiệt như nhiễm mặn, chịu sâu bệnh, giúp Việt Nam sản xuất thêm nhiều lúa gạo cho xuất khẩu. Việt Nam được IAEA đánh giá là nước đứng thứ 8 trên thế giới trong lĩnh vực nghiên cứu về đột biến tạo giống, cho ra đời nhiều giống lúa chịu sâu bệnh và có sản lượng cao như giống lúa đột biến VND-95-20, VND-99-3, DT10 hay giống lúa đột biến Kháng Dân… Hằng năm Việt Nam sản xuất 43 triệu tấn lúa, xuất khẩu trên 6 triệu tấn gạo, thu về trên 3 tỷ USD. Sản xuất lúa gạo không chỉ bảo đảm tốt vấn đề an ninh lương thực mà còn giúp người nông dân tăng thu nhập, giảm đói nghèo và giúp cộng đồng thế giới lo cho nhiều vùng thiếu lương thực trầm trọng.
Tạp chí Skyscanner.net: Việt Nam đứng thứ hai thế giới về du lịch giá rẻ
Cuối tháng 10-2014, Tạp chí du lịch trực tuyến Skyscanner.net của Anh đã công bố danh sách Top 10 nước có chi phí du lịch rẻ nhất thế giới; trong đó, Việt Nam được xếp ở vị trí số 2 sau Campuchia. Theo Skyscanner.net, Việt Nam không chỉ là điểm đến lý tưởng cho du khách thập phương mà còn là nơi “dễ sống” với chi phí rẻ, riêng du lịch được xem là “siêu rẻ” . Ví dụ, du khách chỉ cần bỏ ra 5 bảng Anh (khoảng 170.000 đồng) là có tất cả, kể cả nơi ăn nghỉ, đi lại, kể cả đồ uống và nếu chi gấp đôi, 10 bảng thì du khách không còn phải lo gì nữa. Như vậy, Việt Nam còn rẻ hơn cả 8 nước còn lại trong danh sách của Skyscanner.net, gồm: Ấn Độ, Bolivia, Hungary, Honduras, Bulgaria, Sri Lanka, Argentina và Hy Lạp.
Cùng với Skyscanner.net, cuối tháng 11-2014, tạp chí kinh tế hàng đầu của Mỹ, Forbes cũng công bố danh sách The 10 Coolest Places To Visit In 2015 (Top 10 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới năm 2015), Forbes đã xếp Việt Nam ở vị trí thứ 3, sau Iceland, Morocco. Theo Forbes, khu resort Amanoi nằm giữa vùng thiên nhiên hoang dã Vườn quốc gia Núi Chúa, Ninh Thuận của Việt Nam là điểm đến lý tưởng cho tương lai, vừa hấp dẫn lại an toàn. Cũng theo Forbes, ngoài resort Amanoi, Việt Nam có nhiều địa danh du lịch hấp dẫn như Hà Nội, Vịnh Hạ Long, cố đô Huế, Phong Nha - Kẻ Bàng, hay hệ sinh thái đa dạng Cát Bà được UNESCO công nhận năm 2004 của Khu dự trữ sinh quyển thế giới cũng là địa danh hấp dẫn, cùng nhiều danh lam thắng cảnh khác du khách không thể tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới.
Khắc Hùng (Theo Net/BCNN -2014)
Ý kiến bạn đọc