Multimedia Đọc Báo in

Chuyển đổi cây trồng, vật nuôi: Hướng phát triển kinh tế hiệu quả ở Quảng Tiến

08:31, 09/03/2015
Quảng Tiến là xã thuần nông của huyện Cư M’gar. Trong những năm qua cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nhân dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, xây dựng các mô hình kinh tế mới, tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật sản xuất; từ đó mang lại hiệu quả cao, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.

Tuy mới vào nghề trồng hoa lan nhưng nhờ luôn chịu khó học hỏi, áp dụng khoa học kỹ thuật, nên gia đình chị Nguyễn Thị Nhạn (thôn Tiến Đạt, xã Quảng Tiến) đã nhanh chóng trở thành chủ vườn lan lớn với doanh thu hơn 100 triệu đồng/năm. Hiện nay, hầu hết người trồng lan ở Dak Lak nói chung và huyện Cư M’gar nói riêng đều phải nhập giống từ Lâm Đồng, thậm chí một số chủ vườn còn phải nhập giống từ Thái Lan nên chi phí cho việc mua giống khá cao, lợi nhuận thấp. Còn gia đình chị Nhạn là gia đình đầu tiên ở Dak Lak ươm thành công giống lan nội địa. Trong vườn lan của gia đình chị, mỗi năm có hàng nghìn cây giống lan được ươm, phát triển khá tốt, không thua gì lan giống nhập từ Thái Lan.

Anh Hồ Văn Hiền (chồng của chị Nguyễn Thị Nhạn) thôn Tiến Đạt, xã Quảng Tiến đang chăm sóc và giới thiệu giống lan.
Anh Hồ Văn Hiền (chồng của chị Nguyễn Thị Nhạn) thôn Tiến Đạt, xã Quảng Tiến đang chăm sóc và giới thiệu giống lan.

Trước đây với hơn 1 ha đất nông nghiệp ông Ngô Đình Phụng (thôn Tiến Đạt) chỉ trồng độc canh cây cà phê, không trồng cây che bóng mà tập trung thâm canh, bón phân, tưới nước nhiều để mong đạt năng suất cao. Tuy nhiên sau một thời gian ngắn vườn cà phê của gia đình ông Phụng đã có biểu hiện phát triển thiếu tính bền vững, có dấu hiệu kiệt quệ do khai thác quá mức, đất đai nhanh thoái hóa. Được sự vận động và hỗ trợ của Hội Nông dân xã Quảng Tiến, ông Phụng đã trồng xen canh 500 trụ tiêu trong vườn cà phê. Nhờ chăm sóc hợp lý nên mô hình kinh tế của gia đình ông có hiệu quả cao hơn so với mô hình độc canh cây tiêu hoặc cây cà phê. Ông Phụng cho biết: Cây hồ tiêu nếu trồng độc canh với mật độ dày rất dễ bị nhiễm nấm bệnh; khi trồng xen canh thì khoảng cách này dãn ra, nên hạn chế được việc lây bệnh. Hơn nữa với mô hình “2 trong 1” này nếu cà phê rớt giá thì nông dân còn trông chờ vào thu hoạch từ cây hồ tiêu và ngược lại...

Xã Quảng Tiến hiện có hơn 2.000 ha đất nông nghiệp, chủ yếu là đất bazan khá màu mỡ. Xác định tiềm năng đất của địa phương phù hợp với sự phát triển cây công nghiệp có giá trị kinh tế như: cao su, cà phê, hồ tiêu; tuy nhiên nếu như chỉ độc canh cây trồng thì nguồn lợi mang lại vẫn chưa tương xứng với giá trị đất đai, do đó Đảng ủy, UBND xã Quảng Tiến đã định hướng cho người dân đa dạng hóa cây trồng nhằm tăng thu nhập trên cùng một diện tích. Một trong những điệu kiện cơ bản để xây dựng những mô hình kinh tế mới và hiệu quả là cần có nhiều vốn, vì vậy bên cạnh việc tuyên truyền vận động bà con xây dựng mô hình kinh tế mới, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, Đảng ủy xã Quảng Tiến đã chỉ đạo UBND xã tạo điều kiện cho bà con được vay vốn sản xuất, hỗ trợ công tác khuyến nông, tổ chức tham quan học hỏi các mô hình kinh tế mới hiệu quả, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, giúp bà con nông dân nhanh chóng đưa các giống cây trồng, vật nuôi mới có năng xuất cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên của xã vào chăn nuôi, trồng trọt. Để việc xây dựng mô hình kinh tế mới, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi thực sự mang lại hiệu quả kinh tế cao, xã Quảng Tiến vận động nhân dân làm theo đúng quy hoạch, không chạy theo phong trào, khi đưa vào những giống cây trồng vật nuôi mới cần phải làm thử nghiệm nếu thấy hiệu quả mới nhân rộng mô hình.

Ông Phạm Trung Nghĩa, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Quảng Tiến cho biết: “Trong những năm tới, Đảng ủy, UBND xã tiếp tục chỉ đạo các ban ngành chức năng của địa phương làm tốt công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật với nông dân; đồng thời vận động nhân dân đưa các mô hình cây, con mới vào sản xuất khảo nghiệm nếu có hiệu quả tiếp tục nhận rộng mô hình; bên cạnh đó tăng cường sự liên kết giữa “4 nhà” tạo điều kiện đầu ra, tăng năng suất chất lượng sản phẩm, từ đó khuyến khích nông dân đầu tư vào chăn nuôi, trồng trọt, làm giàu chính đáng…”.

Nhờ thực hiện Nghị quyết của Đảng ủy xã về chuyển đổi cây trồng vật nuôi, xây dựng những mô hình kinh tế mới hiệu quả nên đến nay xã Quảng Tiến đã xây dựng được nhiều mô hình mới với thu nhập hằng năm lên đến hàng tỷ đồng. Đồng thời tạo được sự đa dạng, phong phú trong cây trồng, vật nuôi, giúp bà con nông dân ở xã Quảng Tiến phát triển kinh tế ổn định, góp phần vào công tác xóa đói, giảm nghèo của địa phương.

Công Phong


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.