Multimedia Đọc Báo in

Cơ hội quảng bá, xúc tiến thương mại của ngành hàng nông sản

09:06, 16/03/2015
Trong những ngày diễn ra Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ V - năm 2015, một trong những điểm thu hút nhất đối với người dân và du khách là khu Biệt điện Bảo Đại – Bảo tàng tỉnh, nơi có Hội chợ – Triển lãm chuyên ngành cà phê.

Nhiều sản phẩm... “độc”

Đến với Hội chợ triển lãm ngành hàng cà phê, du khách không thể bỏ lỡ cơ hội tham quan và tìm hiểu sản phẩm cà phê voi mang tên Cà phê voi Kơnia của Công ty TNHH Cà phê Cao Nguyên Việt. Sự xuất hiện lần đầu tiên trên thị trường cà phê Việt của sản phẩm này đã thu hút sự quan tâm, tò mò của nhiều quan khách. Theo nhà sản xuất, để thu được 1kg cà phê thương phẩm, phải cần 30 - 33 kg cà phê quả chín tươi, kết hợp với chuối, dứa, mía, sữa để làm thức ăn cho voi. Khi phân voi thải ra, người nuôi thu loại phân này, để khô tách lấy hạt. Sau đó hạt được làm sạch và chế biến qua nhiều công đoạn khác để trở thành một loại cà phê mới, hương vị khác lạ ... Chính vì quy trình chế biến công phu nên sản phẩm này được bán với giá 32 triệu đồng/kg.

Bà con nông dân đang nghe tư vấn về một sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật.
Bà con nông dân đang nghe tư vấn về một sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật.

Ngoài cà phê, hội chợ còn xuất hiện một loại nông sản đặc trưng của Tây Nguyên là hồ tiêu, nhưng được chế biến thành hồ tiêu ngũ sắc, 5 màu: đỏ, xanh, vàng, đen, trắng – lần đầu tiên có mặt trên thị trường Việt Nam. Theo bà Lại Thị Bích, chủ cơ sở gia vị Ngọc Bích (Gia Lai) - nơi sản xuất ra loại tiêu này, tiêu ngũ sắc được sản xuất từ nguồn nguyên liệu hồ tiêu tươi của Chư Sê (Gia Lai). Bằng kỹ thuật sấy tia hồng ngoại, hạt tiêu lưu giữ được 5 màu tự nhiên, đồng thời vẫn giữ được vị cay thơm đặc biệt của hồ tiêu Chư Sê. Đây là sản phẩm được bà tự tìm hiểu, nghiên cứu làm ra, từ máy móc đến quy trình chế biến. Để có được sản phẩm bảo đảm chất lượng, cơ sở phải lựa chọn những vườn tiêu sản xuất theo mô hình an toàn sinh học để thu mua nguyên liệu với giá cao hơn giá thị trường khoảng 20.000 đồng/kg, sau khi chế biến thành tiêu ngũ sắc sẽ được bán 680.000 đồng/kg.

Một sản phẩm nông sản khác cũng được nhiều người quan tâm đó là gạo mầm Vibigaba của Công ty Cổ phần bảo vệ thực vật An Giang. Tuy không phải là sản phẩm lạ trên thị trường,  nhưng lần đầu tiên có mặt tại Hội chợ triển lãm ngành hàng cà phê. Theo nhà sản xuất, Vibigaba là gạo lứt được nẩy mầm trong điều kiện thích hợp để kích hoạt các enzyme tạo nhiều dinh dưỡng, rất phù hợp để xây dựng chế độ ăn cho người bị bệnh đái tháo đường, cao huyết áp… được bán  với giá 70.000 đồng/kg; có khá nhiều khách đến tham quan, tìm hiểu và mua sản phẩm về dùng thử.

Cơ hội để quảng bá sản phẩm

Theo Ban tổ chức, Hội chợ - Triển lãm quy tụ 18 nhà tài trợ và 235 doanh nghiệp trong và ngoài nước, với quy mô trên 700 gian hàng trưng bày các sản phẩm cà phê, thành tựu khoa học kỹ thuật nông nghiệp, các mặt hàng phụ trợ phục vụ sản xuất và chế biến cà phê. Đây là dịp để du khách đến thưởng thức cà phê, tham quan tìm hiểu về văn hóa Dak Lak nói riêng, Tây Nguyên nói chung và là cơ hội cho doanh nghiệp (DN) xúc tiến đầu tư, mở rộng thị trường. Những gian hàng trưng bày của các DN đều được trang hoàng bắt mắt, nhiều DN chuẩn bị tờ rơi với thông tin cụ thể về DN cùng các sản phẩm và đội ngũ tư vấn viên đông đảo, nhiệt tình có thể giải đáp nhanh những thắc mắc của khách tham quan. Đại diện Công ty Cổ phần sản xuất và thương mại Minh Phát (Dak Lak) cho biết, đến Hội chợ không phải là để bán được hàng hóa tại đây mà quan trọng hơn là làm sao để lại hình ảnh của mình trong lòng người dân để khi cần là họ nhớ ngay đến mình, cho nên có thể nói đây không chỉ là một hội chợ xúc tiến thương mại thông thường mà còn là diễn đàn để lắng nghe nông dân nói. Anh Đặng Cao Mạnh (thị trấn Dak Mil, tỉnh Dak Nông) cho biết, đến với hội chợ, anh không chỉ tham quan, mua sắm mà còn được hướng dẫn bón phân đúng cách, đúng liều lượng, kỹ thuật chăm sóc phòng trị bệnh cho cây trồng... nên sẽ giúp ích rất nhiều cho anh trong sản xuất tại gia đình.

Có một điểm khác biệt là hội chợ lần này có nhiều gian hàng trưng bày, giới thiệu dụng cụ rang xay, chế biến cà phê. Giám đốc Công ty TNHH sản xuất-thương mại Huca Food (Nha Trang) Đào Văn Hùng cho biết, đón đầu xu hướng chế biến sâu của ngành cà phê, công ty đã đưa đến hội chợ những sản phẩm máy móc theo công nghệ Italia và Đức, phục vụ rang xay với nhiều quy mô khác nhau. Đặc biệt, giá sản phẩm của công ty chỉ bằng 1/10 so với các loại máy ngoại nhập cùng loại nhưng chất lượng ngang bằng hoặc cao hơn; đặc biệt, khi mua máy, khách hàng sẽ được đào tạo các khóa học miễn phí về vận hành...

Có thể thấy, so với 4 lần tổ chức trước, Hội chợ - Triển lãm lần này đã có sự đa dạng hơn và hiệu quả mang lại đối với người nông dân và DN cũng được nâng lên đáng kể. Qua đó có nhiều hợp đồng giữa DN – nông dân sẽ được thực hiện trong thời gian đến.

Giang Nam – Thuận Nguyễn


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.