Multimedia Đọc Báo in

Nông dân Krông Năng hợp tác sản xuất cà phê bền vững

10:35, 18/03/2015

Nhờ liên kết phát triển cà phê theo hướng bền vững, bảo đảm được năng suất, chất lượng và tiêu thụ theo hướng ổn định, lâu dài mà nhiều nông dân trên địa bàn huyện Krông Năng yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế.

Đưa chúng tôi ra thăm vườn cà phê xanh tốt đang bung những chùm hoa trắng xóa vào đúng vụ tưới nước, ông Trịnh Đình Uy (xã Ea Toh) phấn khởi nói: “2 ha cà phê của gia đình trung bình thu gần 9 tấn nhân/năm, nếu với giá như hiện nay sẽ cho thu nhập hơn 300 triệu đồng”. Qua trò chuyện chúng tôi được biết, 4 năm trước đây, gia đình ông Uy chăm sóc 2 ha cà phê chủ yếu chỉ dựa vào kinh nghiệm bản thân nên cho năng suất không cao mà chi phí đầu tư lại nhiều, thu nhập hàng năm sau khi trừ chi phí không còn lãi được bao nhiêu. Từ khi tham gia Hội Nông dân xã, biết có chương trình liên kết sản xuất cà phê bền vững, ông quyết định đăng ký tham gia. Nhờ được tham dự các lớp tập huấn, hội thảo về khoa học kỹ thuật, ông nắm rõ các quy trình sản xuất từ bón phân, tưới nước đến phương pháp canh tác, bảo hộ lao động, bảo quản sản phẩm theo quy định, tiêu chuẩn, tiêu chí rõ ràng và có thể chủ động hơn trong sản xuất. Sau một năm thực hiện, vườn cà phê của gia đình ông không chỉ cho năng suất cao hơn mà còn giảm được chi phí đầu tư. Ông Uy chia sẻ: “Nắm vững các kỹ thuật trong canh tác, bảo quản cà phê sau thu hoạch tôi có thể chủ động thời gian để cắt tỉa cành và tưới nước hợp lý, đặc biệt việc phòng trừ sâu bệnh hại, bón phân cân đối và đúng thời điểm giúp cho năng suất cà phê được cải thiện rõ rệt, hơn nữa việc chôn lấp các vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật theo đúng quy định giúp bảo vệ tốt môi trường xung quanh”. Cũng giống với ông Uy, chị Nguyễn Thị Hoa (xã Ea Tân) là thành viên trong nhóm sản xuất cà phê bền vững của xã, tuy chỉ mới tham gia được 1 năm nhưng đã đạt được những kết quả khả quan. Chị Hoa chia sẻ: “Gia đình có 1 ha cà phê, thường chỉ cho năng suất trung bình từ 3-3,5 tấn/năm, riêng mùa vụ năm nay đạt tới 4 tấn. Tham gia sản xuất cà phê bền vững, tôi thay đổi nhiều thói quen cũng như tập quán canh tác lạc hậu, bây giờ các khâu sản xuất từ tưới nước, bón phân, cắt tỉa cành đều phải theo quy trình, đúng kỹ thuật. Dù phải chăm sóc cẩn thận và tỉ mỉ hơn nhưng bù lại năng suất, chất lượng cà phê của gia đình cao hơn trước nhiều. Tuy nhiên điều làm tôi và bà con nơi đây phấn khởi nhất chính là sản phẩm có đầu ra ổn định, không còn bị ép giá nữa”.

Chị Nguyễn Thị Hoa đang chăm sóc vườn cà phê của gia đình.
Chị Nguyễn Thị Hoa đang chăm sóc vườn cà phê của gia đình.

Là Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Tân và cũng là nhóm trưởng nhóm sản xuất cà phê bền vững của xã, ông Nông Văn Cao cho biết: “Năm 2010, Hội Nông dân xã thành lập 27 tổ hợp tác sản xuất theo dự án Cà phê bền vững của Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên xuất nhập khẩu (TNHH MTV XNK) 2-9 Dak Lak với 172 hộ dân tham gia. Đến nay, số thành viên đã tăng lên 1.134 hộ, tổng diện tích trên 2.000 ha, mỗi năm cho sản lượng gần 9.000 tấn cà phê nhân. Để hỗ trợ đầu ra ổn định cho những nông dân tham gia sản xuất theo dự án cà phê bền vững, Hội Nông dân xã thành lập các tổ hợp tác mua bán cà phê nông sản và chỉ thu mua sản phẩm của những nông hộ tham gia dự án, có sản phẩm đạt chất lượng rồi bán trực tiếp cho Công ty”.

Có thể thấy rằng, so với cách làm nhỏ lẻ thì trồng cà phê theo hướng bền vững khi liên kết với các doanh nghiệp để tạo nguồn nguyên liệu cho xuất khẩu sẽ giúp nông dân có thu nhập cao và ổn định hơn. Ông K’Viên, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Krông Năng cho biết: “Tham gia sản xuất cà phê bền vững, nông dân được Công ty TNHH MTV XNK 2-9 và Viện Nông lâm nghiệp Tây Nguyên hỗ trợ tham gia các buổi hội thảo, lớp tập huấn về kỹ thuật sản xuất như nhân giống, tưới nước, ghép cải tạo, bón phân, phòng trừ sâu bệnh hại cũng như khâu thu hoạch, chế biến, bảo quản… phải tuân thủ Bộ quy tắc 4C, Bộ Nguyên tắc UTZ CERTIFIED, quy trình sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP cho cà phê tại Việt Nam. Ngoài việc hỗ trợ về kỹ thuật canh tác thì để bảo đảm đầu ra ổn định cho sản phẩm, bảo vệ quyền và lợi ích cho nông dân, Công ty thu mua cà phê của nông hộ với giá cao hơn giá thị trường 200 đồng/kg. Việc liên kết sản xuất cà phê bền vững không chỉ giúp nông dân trên địa bàn thay đổi thói quen sản xuất chỉ dựa vào kinh nghiệm mà còn giúp tiết kiệm chi phí đầu tư, tạo được nguồn sản phẩm chất lượng, ổn định, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước”.

Vân Anh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.