Nông dân thành phố Buôn Ma Thuột chủ động tìm hướng phát triển sản xuất
Nắm bắt nhu cầu thị trường, nhiều nông dân ở thành phố Buôn Ma Thuột đã chủ động tìm hướng đi mới trong sản xuất, chuyển đổi các cây công nghiệp chủ lực sang trồng cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản, không chỉ tăng thu nhập mà còn góp phần đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp, nâng cao vị thế của nông dân.
Triển vọng từ hướng đi mới
Trước đây, gia đình ông Võ Văn Hoàng ở xã Hòa Thuận (TP. Buôn Ma Thuột) chỉ chọn mỗi cà phê là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế. Sau 15 năm khi vườn cây già cỗi, ông cải tạo đất trồng lại nhưng để tăng hiệu quả sử dụng đất nên mua thêm 250 cây sầu riêng ghép và 270 cây măng cụt về trồng xen từ năm 2003. Thời gian đầu, ông gặp rất nhiều khó khăn. Cây cà phê chỉ cần 3 năm đã bắt đầu cho thu bói, nhưng với măng cụt, phải tốn công chăm sóc từ 9 đến 10 năm, cây mới cho những trái đầu tiên. Ông Hoàng cho biết: “Măng cụt được mệnh danh là “nữ hoàng” của các loại cây ăn quả. Thời điểm năm 2003, mỗi cây giống mua tại tỉnh Bến Tre có giá 50.000 đồng, cao gấp 7-8 lần cây cà phê, trong khi tôi lại mới tiếp cận với loại cây trồng này nên phải nỗ lực học hỏi kinh nghiệm ở các nhà vườn miền Nam để có thể trồng, chăm sóc tốt giống này”. Theo ông, giai đoạn khó nhất của cây măng cụt là 2 năm đầu tiên, đòi hỏi phải cung cấp đủ nước và bón phân hợp lý. Khi cây đã có bộ rễ vững chắc, sinh trưởng tốt thì ít tốn công chăm sóc hơn. Hiện tại, vườn măng cụt của gia đình ông đã cho thu hoạch, trung bình khoảng 40 kg/cây, chất lượng quả to, da láng đẹp, vị ngọt nên bán được giá cao (40.000 đồng/kg). Sau 12 năm tập trung đầu tư, chăm sóc, phát triển sản xuất theo mô hình đa cây đã giúp gia đình ông có nguồn thu nhập ổn định, trừ chi phí còn khoảng 600 triệu đồng/năm. Điều đáng nói, mô hình này không chỉ tạo việc làm cho 2 lao động địa phương mà còn trở thành địa chỉ của nông dân và sinh viên Trường Đại học Tây Nguyên đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Nhờ vậy, đến nay đã có 10 hộ trên địa bàn xây dựng, phát triển mô hình kinh tế tương tự như của gia đình ông.
Mô hình chăn nuôi cá rô phi đơn tính của gia đình ông Lê Thế Linh (xã Ea Kao). |
Trước đây, gia đình ông Lê Thế Linh ở xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột) nuôi các loại cá trắm, chép theo kiểu nhỏ lẻ, công chăm sóc, đầu tư nhiều nhưng lợi nhuận thấp. Năm 2005, khi được tiếp cận mô hình nuôi cá rô phi đơn tính của Trung tâm Khuyến nông tỉnh và Chi cục Thủy sản Dak Lak, ông Linh mạnh dạn đầu tư cải tạo lại 4 ao nuôi với tổng diện tích khoảng 5.000 m2 để nuôi loại cá này. Tận dụng lợi thế nguồn nước tự nhiên của hệ thống kênh mương chảy ngang qua nhà, ông xây kè dẫn nước vào ao với chi phí 300 triệu đồng/ao. Chính nhờ nguồn nước vào, ra liên tục nên nước trong ao nuôi luôn sạch, phòng chống bệnh cho cá và bảo đảm vệ sinh môi trường. Nhờ vậy các loại cá trắm, chép, nhất là cá rô phi đơn tính sinh trưởng nhanh, mỗi năm cho sản lượng khoảng 25 tấn, với giá bán trung bình 30.000 đồng/kg, trừ chi phí, thu lãi 250 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, gia đình ông còn nuôi thử nghiệm 300 con cá lăng và chăn nuôi thêm heo, gà, trồng lúa. Ông Linh cho biết, nuôi cá không chỉ tận dụng được lợi thế mặt nước mà còn ít bị rủi ro hơn nuôi gia súc, gia cầm và lợi nhuận cũng cao hơn. Mô hình nuôi cá của gia đình ông Linh đã được nhiều nông dân trong vùng đến tham quan, học tập, nhân rộng, phát triển nghề nuôi trồng thủy sản nước ngọt theo hướng tập trung, đem lại hiệu quả kinh tế ổn định.
Nâng cao vị thế của nông dân
Bằng sự nhạy bén, năng động, sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm, chủ động ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ông Hoàng và ông Linh đã trở thành 2 trong số khoảng 8.000 nông dân sản xuất kinh doah giỏi trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột. Sản phẩm nông nghiệp của họ không chỉ nâng cao vị thế của người nông dân trong tiến trình hội nhập mà còn góp phần hình thành các vùng chuyên canh tập trung như lúa lai, cà phê, tiêu, sầu riêng, bơ, cá, động vật rừng… và phát triển các dịch vụ nông nghiệp hiệu quả, phù hợp với thực tế.
Mô hình trồng măng cụt và sầu riêng xen canh trong vườn cà phê của gia đình ông Võ Văn Hoàng. |
Chẳng hạn như, nông dân xã Ea Kao đã mạnh dạn chuyển đổi hàng chục héc-ta ruộng nước kém hiệu quả sang đào ao nuôi cá nước ngọt, hình thành nên thương hiệu “Làng cá Ea Kao” với tổng diện tích nuôi trồng theo quy mô hộ gia đình khoảng 70 ha, cung cấp một lượng lớn nguồn cá giống và thực phẩm cho địa bàn thành phố. Hội viên nông dân người dân tộc thiểu số phường Tân Lập đã chuyển đổi trên 100 ha đất rẫy, vườn thu nhập thấp để liên kết với Công ty Đoàn Kết trồng sầu riêng. Hay như hội viên nông dân xã Hòa Phú thành công với mô hình nuôi heo siêu nạc và cá lăng đuôi đỏ – loại thủy sản nổi tiếng của sông Sêrêpôk. Nông dân xã Hòa Thuận không chỉ được biết đến với các mô hình cà phê, tiêu, sầu riêng, bơ mà còn thành công với hàng chục cơ sở cơ khí chế tạo máy phục vụ sản xuất nông nghiệp và kinh doanh cà phê nông sản, góp phần tăng tỷ trọng ngành nghề nông thôn, chuyển dịch một bộ phận lao động nông nghiệp sang lĩnh vực khác. Nông dân xã Cư Êbur tạo dựng thương hiệu của mình bằng nghề chăn nuôi động vật hoang dã với 376 hộ chăn nuôi hươu, nai đã được cấp giấy chứng nhận. Còn nông dân xã Hòa Thắng lại nổi tiếng với nghề ươm cây giống và trồng, chăm sóc hoa, cây cảnh… Điểm nổi bật của các mô hình mới là đã tạo được nhiều việc làm, dễ học, dễ ứng dụng, canh tác bền vững, không ảnh hưởng đến môi trường, diện tích đất canh tác ít nhưng vẫn đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Có thể nói, việc nông dân chủ động tìm hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp đã tạo không khí thi đua lao động sản xuất, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo, cải thiện đáng kể đời sống và làm thay đổi bộ mặt nông nghiệp nông thôn, đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng chung của thành phố.
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc