Multimedia Đọc Báo in

Tăng cường công tác chống hạn

09:14, 16/03/2015

Từ đầu mùa khô đến nay, tình hình hạn hán, thiếu nước đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống sinh hoạt, cũng như việc gieo trồng vụ đông xuân 2014 – 2015 của bà con nông dân.

Đến thời điểm này, anh Y Ban Bkrông, trú thôn 7, xã Ea Hồ (huyện Krông Năng) mới tưới xong đợt 1 cho 2 sào cà phê của gia đình. Hằng năm, gia đình anh thường sử dụng nước tưới từ hồ Ea Khuôl, nhưng năm nay, mực nước hồ xuống thấp nên anh Y Ban phải mua thêm 5 cuộn ống (mỗi cuộn 30 m) để kéo ra tận lòng hồ mới có nước để tưới. Hồ Ea Khuôl, một trong những hồ lớn nhất của xã Ea Hồ hiện đã trơ đáy. Anh Y Ban than thở: “Mới tưới xong đợt 1 mà hồ đã cạn thế này thì đợt 2 và đợt 3 lấy đâu nước mà tưới cà phê”. Ông Y Yưn Niê, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Hồ cho biết, tổng diện tích gieo trồng trong toàn xã là 3646,96 ha, trong đó có 2706 ha diện tích cây lâu năm. Đến nay tình hình hạn hán đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc chăm sóc cây công nghiệp, đặc biệt là việc tưới cà phê. Hiện xã có 5 hồ lớn phục vụ tưới tiêu nhưng đã cạn gần chạm đáy, nhiều hệ thống thủy lợi của các hồ không còn khả năng phục vụ nước trên địa bàn; còn các ao, hồ nhỏ thì đã cạn hoàn toàn.
Mực nước hồ xuống thấp nên anh Y Ban Bkrông, trú thôn 7, xã Ea Hồ (huyện Krông Năng), phải mua thêm 5 cuộn ống (mỗi cuộn 30 m) để kéo ra tận lòng hồ mới có nước để tưới.
Mực nước hồ xuống thấp nên anh Y Ban Bkrông, trú thôn 7, xã Ea Hồ (huyện Krông Năng), phải mua thêm 5 cuộn ống (mỗi cuộn 30 m) để kéo ra tận lòng hồ mới có nước để tưới.

Theo bà Phan Thu Hiền, cán bộ Ban Chỉ huy Phòng chống bão lụt và giảm nhẹ thiên tai tỉnh cho biết, do tổng lượng mưa năm 2014 đạt thấp và mùa mưa kết thúc sớm nên ngay từ đầu mùa khô 2015, mực nước ở các sông suối cũng như mực nước ngầm trên địa bàn tỉnh thấp hơn so với trung bình nhiều năm. Đặc biệt, nguồn nước trữ tại một số hồ khu vực phía Đông tỉnh bị hạn chế, như địa bàn huyện Ea Kar các hồ chỉ trữ được 50 - 60% dung tích… Đến nay, trong quá trình phục vụ tưới, mực nước các hồ chứa, sông suối giảm nhanh, một số suối hiện đã không còn dòng chảy; riêng các hồ nhỏ đã cạn xấp xỉ mực nước chết và dưới mực nước chết; các hồ vừa còn khoảng 30 - 50% dung tích trữ. Tình hình khô hạn đã dẫn đến khó khăn về nguồn nước phục vụ tưới cà phê cũng như sinh hoạt của người dân. Hiện tổng diện tích cây trồng hàng năm của tỉnh là: 45.987ha, diện tích cây công nghiệp lâu năm cần nước tưới khoảng 220.000 ha gồm cà phê,  tiêu và ca cao. Tính đến đầu tháng 3-2015, một số khu dân cư sử dụng nước giếng đào để tưới cà phê và phục vụ sinh hoạt đã bị thiếu nước, như các huyện Krông Bông, Lak, Krông Năng...

Hiện Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai của tỉnh phối hợp với Sở NN-PTNT theo dõi sát diễn biến thời tiết, cập nhật các thông tin dự báo, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo chống hạn; đề xuất UBND cấp huyện triển khai các giải pháp ứng phó, hạn chế thiệt hại do khô hạn gây ra nhằm bảo vệ sản xuất hiệu quả và bảo đảm nhu cầu nước sinh hoạt cho nhân dân. Ông Trang Quang Thành, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, trước mắt Sở đã kiến nghị với UBND tỉnh bố trí ngân sách dự phòng của tỉnh thực hiện hỗ trợ công tác chống hạn cho các huyện trọng điểm gặp khó khăn về kinh phí và trình Chính phủ đề nghị hỗ trợ kinh phí chống hạn vượt định mức cho các địa phương để bảo vệ sản xuất. Còn UBND các huyện cần chủ động triển khai phương án phòng, chống hạn và khắc phục hậu quả hạn hán giúp nhân dân sản xuất hiệu quả. Về lâu dài Sở cũng đề nghị UBND tỉnh trình Chính phủ xin đầu tư các dự án trồng rừng, đặc biệt là rừng phòng hộ đầu nguồn; đầu tư dự án xây dựng các công trình thủy lợi lớn, trọng điểm đồng thời nâng cấp các công trình thủy lợi vừa và nhỏ, hoàn thiện hệ thống kênh mương nhằm đáp ứng đủ nguồn nước vụ nhu cầu phát triển sản xuất của nhân dân trong tỉnh…

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn tỉnh: Nền nhiệt độ trung bình trong vụ đông xuân 2014 - 2015 ở mức cao hơn 0.5 - 1.0oC so với trung bình nhiều năm (TBNN). Đợt nóng nhất có thể xảy ra vào tháng 4 (nhiệt độ cao nhất khoảng 36 - 38oC). Tổng lượng mưa trong cả vụ đạt thấp hơn TBNN, trong đó thời kỳ đầu và cuối vụ phổ biến ở mức thấp, thời kỳ giữa xấp xỉ so với TBNN.

 

Hoàng Gia


Ý kiến bạn đọc