Multimedia Đọc Báo in

Công ty Cà phê 719: Ký ức một thời...

09:42, 27/04/2015

Về thăm Ea Kly (huyện Krông Pak) hôm nay, không khó để nhận ra sự đổi thay ở đây và cũng khẳng định rằng, trong diện mạo mới đó có tác động tích cực của Công ty Cà phê 719 - một doanh nghiệp Nhà nước đứng chân trên địa bàn và đóng vai trò “bà đỡ” giúp cho vùng quê này không ngừng phát triển trong suốt 40 năm qua. 

Với tôi, cảm giác đầu tiên khi đặt chân lên mảnh đất này là sự ấm áp, chân thành và cởi mở  từ những câu chuyện được kể bằng hạt lúa, hạt cà phê của đất và người ở đây. Rằng để có những cánh đồng, vườn tược trù phú và tốt tươi kia, mồ hôi và cả máu của bao thế hệ đã đổ xuống… Anh Nguyễn Huy Bá - Chánh văn phòng Công ty Cà phê 719 nói với mọi người: lúa gạo, bây giờ, công ty làm ra không chỉ để ăn mà để bán và nó đã trở thành mặt hàng chủ lực, hàng năm đem lại nguồn lợi lớn cho người dân. Với diện tích trên 1.700 ha, lúa được gieo cấy hai vụ mỗi năm đã cho sản lượng từ 10.000-12.000 tấn thì đâu phải ít. Con số này gần bằng với một huyện được coi là trọng điểm sản xuất lúa gạo như Lak, Ea Súp, Krông Bông và Krông Ana… Điều đáng nói hơn là vựa lúa 719 đã góp phần không nhỏ vào việc bảo đảm an ninh lương thực không những cho cả vùng chuyên canh cà phê như Krông Pak, mà cho cả tỉnh Dak Lak hiện nay. Cùng với lúa gạo, cây cà phê, hồ tiêu cũng là nguồn hàng hóa đáng kể, đủ sức nâng tầm vóc và quy mô của Công ty lên hàng khu vực Tây Nguyên cũng như cả nước về sản xuất và xuất khẩu. Hiện tại, với diện tích cà phê xấp xỉ 350 ha, cho sản lượng gần 3.600 tấn/niên vụ là con số khá ấn tượng khi đem Công ty Cà phê 719 đặt trong biểu đồ so sánh năng lực sản xuất và kinh doanh cà phê ở Dak Lak trong thời gian qua. Cứ tính bình quân mỗi năm (từ 2011-2014), sản lượng cà phê trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 450.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu thu về 400-500 triệu USD, thì trong mặt bằng chung ấy, Công ty Cà phê 719 đã đóng góp từ 6-7% sản lượng và giá trị kinh tế. Điều đó cho thấy trong bức tranh sản xuất, kinh doanh ngành kinh tế nông nghiệp của Dak Lak nói chung, Công ty Cà phê 719 nổi lên như một điểm sáng đáng tự hào.

  Thu hoạch lúa bằng cơ giới  tại Công ty Cà phê 719.
Thu hoạch lúa bằng cơ giới tại Công ty Cà phê 719.

Ông Hoàng Sĩ Dũng - Giám đốc Công ty Cà phê 719 ghi nhận thành quả có được hôm nay được đổi bằng nước mắt và máu của bao thế hệ đi trước và hơn ai hết, ông thấm thía với điều đó trên cương vị người cầm lái “con thuyền 719” trong bối cảnh phát triển và hội nhập hiện nay. Vị giám đốc trẻ và năng động này cho rằng, bản thân mình cùng hơn 1.400 anh em cán bộ, người lao động ở đây chèo lái “con thuyền 719” vượt qua những khó khăn, thách thức lẫn cơ hội, đây là vinh dự lớn lao, nhưng cũng là trách nhiệm hết sức nặng nề. Có thể nói, từng “khúc quanh lịch sử” của Công ty gắn với vùng đất này: có khổ đau, mất mát, vui buồn và hạnh phúc xen lẫn… từ khi mới thành lập cho đến khi trở thành doanh nghiệp có vị thế đáng kể như hiện nay. Đến tháng 4-2015, Công ty Cà phê 719 tròn tuổi 40 - khoảng thời gian chưa phải là dài, nhưng cũng đủ để nhìn lại những thăng trầm đã qua. Giám đốc Dũng, lúc trầm ngâm, lúc hào sảng nhớ lại: chặng đường đi qua của Công ty Cà phê 719 có thể khái quát gồm 4 giai đoạn: khai hoang mở đất (1976-1981), chuyển giao có tính chất bản lề (1982-1988), đổi mới và tạo đà phát triển (1989-2005) và từng bước vươn lên (2006) cho đến nay. Mỗi giai đoạn đều chứa đựng những khó khăn, thách thức và cơ hội, buộc những người có trách nhiệm cùng anh em lao động trong đơn vị “chung lưng đấu cật” để giải quyết, vượt qua… Trong câu chuyện này giúp tôi hình dung được “gương mặt” của Công ty này đã trải qua nhiều cảm xúc thế nào theo thăng trầm dâu bể. Những ngày đi mở đất với quyết tâm không gì lay chuyển được: biến vùng đất Ea Kly thâm u, xa ngái kia trở thành vùng kinh tế mang tính đột phá và từng bước tạo ra động lực mới để đẩy lùi đói nghèo và lạc hậu cho người dân sau ngày đất nước thống nhất năm 1975. Nhiều người không bao giờ quên sự khắc nghiệt đến nghẹt thở của giai đoạn này: đó là bệnh tật, thiếu đói, bất trắc rình rập… khiến không ít người đi mở đất đã mãi mãi nằm xuống. Vẫn còn đây những cái tên như chị Hương, anh Vinh… quê ở Hà Tĩnh đã cống hiến tuổi thanh xuân của mình vì sự nghiệp chung của Công ty. Nhưng từ đau thương, mất mát, hạnh phúc vẫn nảy mầm, sinh sôi. Trong hoàn cảnh thiếu trước, hụt sau như vậy, không ít đôi nam nữ nơi vùng quê mới này đã chia sớt gánh nặng cho nhau, từ đó mà nên duyên vợ chồng.

Rồi sau này, chính con cháu họ lại kế tiếp ước vọng, sự nghiệp của cha anh họ để lại với tri thức, hiểu biết mới hơn. Ông Dũng nhìn nhận: chính nền tảng tri thức ấy của thế hệ kế tiếp như anh và nhiều người khác đã tạo cho mình niềm tin để đứng vững trong cơ chế mới. Nhất là từ những năm bắt đầu công cuộc đổi mới, vấn đề vận hành, quản trị của doanh nghiệp theo hướng chất lượng và hiệu quả hơn cũng được đặt ra, buộc tất cả phải quan tâm - và Công ty Cà phê 719 không nằm ngoài quỹ đạo đó. Giai đoạn này, phương châm “đoàn kết - đổi mới - phát triển” được tập thể cán bộ và người lao động của công ty quán triệt, thực hiện với quyết tâm cao. Bên cạnh sắp xếp lại lực lượng lao động từ các phòng, ban chuyên môn đến các đội sản xuất theo hướng tinh gọn, năng động và hiệu quả nhằm đáp ứng yêu cầu mới đặt ra, Công ty đã tận dụng mọi khả năng, cơ hội để mở rộng ngành nghề sản xuất, kinh doanh theo hướng đa dạng hóa sản phẩm có lợi thế cạnh tranh cao theo phân khúc thị trường hợp lý. Từ sản xuất lúa gạo thương phẩm là chủ yếu, Công ty Cà phê 719 đã có thêm mô hình sản xuất lúa giống với sản lượng hàng chục nghìn tấn mỗi năm để cung cấp cho thị trường các tỉnh Tây Nguyên và đồng bằng Nam bộ. Tiếp đến là mô hình nấm ăn và nấm phục vụ nhu cầu chế biến trong ngành dược liệu cũng được mở ra và ngày càng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Mạnh dạn hơn, Công ty Cà phê 719 còn đầu tư xây dựng trang trại nuôi tôm sú tại Vạn Giã - Khánh Hòa trong vài năm gần đây đang mở ra hướng đi mới đầy hứa hẹn. Có thể nói, sản xuất và kinh doanh tổng hợp được xác định là bước đi chiến lược của công ty hiện nay và trong thời gian tới. Bởi qua đánh giá, phân tích của Giám đốc Hoàng Sĩ Dũng: Chỉ có mô hình kinh tế này mới khai thác, đánh thức hết tiềm năng, lợi thế đất đai, khí hậu và lực lượng lao động tại chỗ. Qua đó mới có điều kiện nâng cao doanh thu, lợi nhuận cho đơn vị, đồng thời cải thiện một cách có chiều sâu và bền vững đời sống người lao động cũng như hầu hết cư dân sinh sống trên địa bàn.

40 năm ngồi nhớ lại, tôi biết mỗi con người ở đây còn nhiều điều chưa tâm sự hết. Nhưng ai cũng tin rằng từng bước đi của Công ty Cà phê 719 sẽ phả vào đời sống hiện tại một sinh khí mới tràn trề hy vọng để cùng mọi người đi tới cuộc sống ấm no, hạnh phúc hơn.

Đình Đối


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.