Multimedia Đọc Báo in

Giao khoán rừng theo Quyết định 304: Nguy cơ "đánh trống bỏ dùi"

09:27, 22/04/2015
Kể từ năm 2006 đến nay, qua gần 10 năm triển khai thực hiện Quyết định 304 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao rừng, khoán bảo vệ rừng cho hộ gia đình và cộng đồng thôn buôn trên địa bàn Dak Lak mới chỉ dừng lại con số khiêm tốn: 8.577 ha, với 1.209 hộ và 7 cộng đồng ở các huyện M’Drak, Buôn Đôn, Ea H’leo và Krông Ana tham gia, đạt hơn 32% kế hoạch. Trong 5 năm gần đây, diện tích rừng được giao theo quyết định trên là con số 0 tròn trĩnh!

Theo Sở NN-PTNT, kết quả thấp như vậy là do rừng giao cho các hộ quá nghèo kiệt, xa khu dân cư nên dễ bị xâm hại, khiến các đối tượng được thụ hưởng không mấy mặn mà. Thêm nữa, công tác cấp phát vốn, chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đối tượng được giao, khoán rừng còn quá chậm; sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng thiếu chặt chẽ và không đồng bộ đã ảnh hưởng đến chủ trương trên. Đặc biệt là cơ chế, chính sách hưởng lợi từ Quyết định 304 còn chậm đến với người dân. Bởi theo quyết định này, đối tượng tham gia nhận khoán, quản lý bảo vệ rừng, ngoài chính sách hưởng lợi từ sản phẩm gỗ theo chu kỳ kinh doanh như Quyết định 178 của Thủ tướng Chính phủ,  đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ còn được hưởng các chính sách kèm theo: được thu hoạch toàn bộ lâm sản phụ trên diện tích rừng được giao; được hỗ trợ cây giống để trồng lại rừng; được trợ cấp 10 kg gạo/khẩu/tháng (nếu là hộ nghèo thiếu đói) và đối với các hộ thuộc vùng khó khăn được hỗ trợ thêm 5 triệu đồng để phụ làm nhà ở, 5 triệu đồng để khai hoang đất sản xuất và 400.000 đồng để xây bể nước sinh hoạt… Vậy nhưng, theo Ban chỉ đạo thực hiện Quyết định 304 của tỉnh, tất cả chính sách đó không được chính quyền địa phương quan tâm, thậm chí “ngâm” trên bàn giấy nhiều năm, không triển khai thực hiện.

Qua tìm hiểu được biết, tổng kinh phí mà Trung ương hỗ trợ cho Dak Lak thực hiện chương trình 304 hơn 13 tỷ đồng. Trên cơ sở kế hoạch được xây dựng hằng năm của các địa phương, UBND tỉnh đã giao nguồn kinh phí trên cho các huyện gần 3,2 tỷ đồng. Theo Chi cục Kiểm lâm, số tiền giải ngân trong thời gian qua từ Chương trình 304 đã ít như vậy, về đến các huyện còn ít hơn. Trong số 4 huyện được giao vốn theo Quyết định 304, thì đến nay mới chỉ thực hiện được gần 815 triệu đồng, còn lại phải trả về tỉnh hơn 2,2 tỷ đồng. Không chỉ vậy, số tiền mà các huyện giải ngân trong thời gian qua cũng chỉ để mua gạo, cây giống mà thôi, còn những khoản khác theo chính sách quy định thì không thấy!

Điều đáng nói ở đây, thà không có kinh phí thực hiện đã đành, đằng này kinh phí đã được bố trí, cơ chế và chính sách đã rõ ràng… vậy mà kết quả thực hiện không đạt như mục tiêu chương trình. Vì vậy, mới đây Sở NN-PTNT đã kiến nghị UBND tỉnh dừng triển khai thực hiện Quyết định 304 vì không đem lại hiệu quả gì. Điều đó có nghĩa chủ trương giao rừng, khoán bảo vệ rừng nói trên ở Dak Lak đã rơi vào tình trạng “đánh trống bỏ dùi” khiến nhiều người đặt câu hỏi: Liệu rừng ở đây có thuộc về người dân, có mang lại nguồn lợi cho họ không, hay vốn tài nguyên ấy đang rơi dần vào tay của các doanh nghiệp đến Dak Lak thuê đất, rừng để làm “kinh tế” như hiện nay? Và chắc rằng đến lúc đó, hàng nghìn hộ gia đình người dân tộc thiểu số tại chỗ xưa nay sống gắn bó với rừng phải đi làm thuê cho những “ông chủ” đến từ nơi khác (?!).

Đình Đối     


Ý kiến bạn đọc