Huyện M'Drak: Nhiều khó khăn trong xây dựng nông thôn mới
Tính đến cuối năm 2014, huyện M’Drak đã đạt 84/228 tiêu chí nông thôn mới, tăng 20 tiêu chí so với năm 2013. Tuy nhiên, sau 4 năm xây dựng nông thôn mới, các địa phương trên địa bàn huyện vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện các tiêu chí mang tính cốt lõi như giảm tỷ lệ hộ nghèo, tăng thu nhập và xây dựng giao thông nông thôn...
Huyện M’Drak có 5 xã vùng III và 39 thôn, buôn được công nhận là đặc biệt khó khăn. Để góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, những năm qua, huyện M’Drak đã tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như cho hộ nghèo vay vốn tín dụng ưu đãi, tăng cường khuyến nông-khuyến lâm triển khai các mô hình phát triển sản xuất, tập huấn và hỗ trợ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng tại các xã đặc biệt khó khăn và khám, chữa bệnh cho người nghèo, hỗ trợ về nhà ở… Tuy nhiên, công tác giảm nghèo của huyện vẫn chưa bền vững, tỷ lệ tái nghèo và hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số còn cao, tập trung ở các xã như Cư San, Cư M’ta, Ea Trang… Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện chiếm hơn 17,1% và tính đến thời điểm này mới chỉ có 3/12 xã đạt chuẩn tiêu chí tỷ lệ hộ nghèo theo bộ tiêu chí nông thôn mới. Ông Lâm Thanh Tự, Phó Chủ tịch UBND xã Cư M’ta cho biết: “Trong những năm qua, chính quyền địa phương đã thực hiện các giải pháp nhằm phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số địa phương. Nhưng với thực trạng địa phương có xuất phát điểm thấp, thuần nông, phần lớn là lao động nông nghiệp, điều kiện phát triển kinh tế còn khó khăn nên việc nâng cao thu nhập, giảm nghèo là thách thức lớn. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã còn rất cao, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, thu nhập chưa ổn định, vì thế huy động đóng góp của người dân trong xây dựng nông thôn mới rất hạn chế dẫn đến các tiêu chí khác về nhà ở, giao thông nông thôn… trên địa bàn rất khó thực hiện”.
Người dân thôn 3 và thôn 20 (xã Ea Riêng, huyện M’Drak) tham gia làm đường giao thông nông thôn. |
Tiêu chí tăng thu nhập cho người dân (tiêu chí số 10) ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiều tiêu chí khác trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Đến nay, huyện mới chỉ có 2/12 xã đạt tiêu chí thu nhập theo chuẩn nông thôn mới (chiếm 16,6%) là xã Ea Riêng (thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 26,9 triệu đồng/người/năm) và xã Ea Lai (đạt gần 28,3 triệu đồng/người/năm). Theo kế hoạch đề ra, dự kiến đến cuối năm 2015, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện sẽ đạt 23-23,5 triệu đồng/người/năm; phấn đấu thêm 2 xã đạt tiêu chí về thu nhập là xã Krông Á và Cư Prao. Tuy nhiên, trên thực tế, đến cuối năm 2014, thu nhập bình quân đầu người của huyện M’Drak mới đạt mức 20,6 triệu đồng/người/năm, tăng 4 triệu đồng so với năm 2013; xã Krông Á bình quân thu nhập đầu người năm 2014 chỉ đạt gần 16,5 triệu đồng/người/năm, xã Cư Prao đạt 17,6 triệu đồng/người/năm, thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu đề ra. Vì vậy khả năng đạt được tiêu chí thu nhập ở các địa phương này theo lộ trình là rất khó.
Nông dân xã Ea Pil thu hoạch mía. Ảnh: Thanh Hường |
Bên cạnh đó, việc thực hiện tiêu chí số 2 về giao thông nông thôn cũng là bài toán khó. Đến nay, huyện M’Drak vẫn chưa có địa phương nào đạt được tiêu chí này. Tại xã Ea Riêng – xã điểm nông thôn mới của huyện, tính đến cuối năm 2014, xã đã xây dựng được gần 2,8 km đường giao thông từ các nguồn vốn, trong đó nhân dân đóng góp hơn 67 triệu đồng, hiến hơn 5.000m2 đất và hàng trăm ngày công. Theo ông Phạm Đình Nhu, Chủ tịch UBND xã Ea Riêng, toàn xã có trên 61 km đường giao thông nông thôn cần được nâng cấp và sửa chữa, trong khi hiện nay xã chỉ mới có gần 2,8 km đường đáp ứng theo chuẩn nông thôn mới, chiếm tỷ lệ chưa đầy 5%. Vì thế, để hoàn thành tiêu chí về giao thông trong chương trình xây dựng nông thôn mới, xã điểm Ea Riêng và các địa phương trên địa bàn huyện M’Drak gặp rất nhiều khó khăn.
Thu Nguyệt
Ý kiến bạn đọc