Những nỗ lực trong công tác xóa đói, giảm nghèo ở Krông Buk
Những năm qua, huyện Krông Buk đã triển khai nhiều chương trình, biện pháp để đẩy nhanh tiến độ xóa đói, giảm nghèo trong đồng bào dân tộc tại địa phương, và đã đạt được nhiều kết quả khả quan.
Huyện Krông Buk nằm ở phía Đông Bắc tỉnh, có diện tích tự nhiên hơn 35,7 nghìn héc-ta, dân số khoảng 61,7 nghìn người. Do địa bàn rộng và có hơn 14 dân tộc anh em cùng chung sống, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, đến cuối năm 2010, Krông Buk có 2.475 hộ nghèo, chiếm 19,1% tổng số hộ toàn huyện.
Nạn tảo hôn, sinh nhiều con là một trong những nguyên nhân làm tăng tỷ lệ hộ nghèo ở Ea Sin (huyện Krông Buk). |
Ông Vũ Văn Mỹ, Chủ tịch UBND huyện Krông Buk cho biết, công tác xóa đói, giảm nghèo được huyện xác định là mục tiêu quan trọng và được đặc biệt quan tâm trong phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Ban Chỉ đạo giảm nghèo của huyện và xã sau khi được thành lập, đi vào hoạt động đã đề ra nhiều giải pháp đồng bộ, sát với điều kiện thực tế, huy động tối đa các nguồn lực và dành ưu tiên đầu tư cho các thôn, buôn có tỷ lệ hộ nghèo cao, tạo điều kiện cho nhân dân tiếp cận với các chương trình, chính sách hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo. Trong 5 năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã giải quyết cho hơn 6.300 lượt hộ nghèo vay vốn, với gần 126 tỷ đồng; hơn 2.800 hộ được vay 38,6 tỷ đồng từ Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; 35 hộ được vay vốn giải quyết việc làm 700 triệu đồng; 126 hộ dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn được vay hơn 1,7 tỷ đồng. Ngoài ra, địa phương còn tổ chức 142 lớp hướng dẫn chuyển giao khoa học kỹ thuật, nuôi trồng cho 5.840 lượt hộ nghèo; hỗ trợ hơn 1 tỷ đồng tiền cây giống; tổ chức đào tạo nghề cho 1.900 lao động… tại địa phương. Cùng với đó, huyện còn chủ động kêu gọi, vận động cán bộ, nhân dân tham gia xây dựng Quỹ Vì người nghèo được 900 triệu đồng, Hội Chữ Thập đỏ huyện tổ chức kêu gọi “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc màu cam” được gần 518 triệu đồng… Nhờ thực hiện quyết liệt các chương trình trên nên sau 5 năm, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện đã giảm đáng kể, đến cuối năm 2014 chỉ còn 1.094 hộ nghèo chiếm 7,63% tổng số hộ của toàn huyện, giảm hơn một nửa so với năm 2010.
Dù công tác xóa đói giảm nghèo của huyện đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng Krông Buk vẫn còn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do phần lớn hộ nghèo ở đây rơi vào các trường hợp thiếu đất, thiếu vốn, phương tiện sản xuất… Chẳng hạn như Ea Sin là xã đặc biệt khó khăn của huyện, tỉ lệ hộ nghèo chiếm hơn 36%, và có tỷ lệ tảo hôn cũng cao nhất huyện. Điều này dẫn đến hệ lụy, gia đình nghèo khi có con cái lập gia đình sớm, sinh con đẻ cái rồi tách hộ ra riêng mà không có đất đai chia cho con, nên hộ mới tách cũng trở thành hộ nghèo mới. Ngoài ra, trình độ nhận thức của các hộ nghèo cũng còn nhiều hạn chế nên khó tiếp cận với việc học nghề, tập huấn khuyến nông, khoa học kỹ thuật… Đặc biệt, một bộ phận hộ nghèo còn có tư tưởng trông chờ ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Có hộ được cấp cây giống khi cây bị bệnh cũng chờ chính quyền hỗ trợ thuốc trừ sâu, hay có hộ được cấp con giống thì đòi hỏi phải được hỗ trợ xây chuồng trại, tiền công chăm sóc…
Để đẩy nhanh tiến độ xóa đói, giảm nghèo ở địa phương trong thời gian tới, cũng theo ông Mỹ, ngoài những nỗ lực của nhân dân và chính quyền sở tại, Nhà nước cần tăng mức cho vay và thời gian vay đối với hộ nghèo; tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, đào tạo nhân lực và nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đối với các xã đặc biết khó khăn, vùng sâu, vùng xa... Bên cạnh đó, để hạn chế nguy cơ tái nghèo, Nhà nước cần có chính sách tiếp tục đầu tư hỗ trợ cho những hộ đã thoát nghèo trong thời gian từ 3 đến 5 năm nhằm tạo điều kiện để các hộ thoát nghèo bền vững…
Vạn Tiếp
Ý kiến bạn đọc