Biến Tây Nguyên thành thủ phủ mắc ca - liệu có khả thi? - Kỳ I: Từ các mô hình khảo nghiệm
Với dự án “khủng” của Công ty Cổ phần Him Lam và Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (Lienviet Post Bank), sẽ đầu tư quy mô 200.000 ha (gấp đôi so với diện tích của thế giới), với nguồn vốn hơn 20.000 tỷ đồng và kỳ vọng đạt được 200.000 tấn hạt thô vào năm 2025, biến Tây Nguyên thành thủ phủ của cây mắc ca. Đây là thông tin đang trở thành đề tài “nóng” trên các diễn đàn truyền thông…
Kỳ I: Từ các mô hình khảo nghiệm
Từ năm 1996, cây mắc ca đã du nhập vào Dak Lak và đến năm 2002, các nhà khoa học mới bắt tay xây dựng các mô hình khảo nghiệm tại một số vùng trong tỉnh và bước đầu cho kết quả khả quan. Nhưng để đánh giá hiệu quả kinh tế của loại cây này còn rất nhiều vấn đề cần xem lại.
Có tiềm năng
Từ năm 2002, cây mắc ca được trồng khảo nghiệm tại Dak Lak, Dak Nông và một số tỉnh khác thông qua đề tài “Khảo nghiệm giống và nhân giống sinh dưỡng macadamia (mắc ca) ở Việt Nam, giai đoạn 2002 - 2005” do Trung tâm nghiên cứu giống cây rừng thực hiện bằng nguồn giống nhập từ Australia (7 dòng) và Trung Quốc (2 dòng). Các khảo nghiệm giống giai đoạn này ở các vùng mới chỉ đánh giá về sinh trưởng của các dòng mắc ca và bước đầu nhân giống hom, ghép thành công cho cây mắc ca. Đến năm 2006, trong khuôn khổ đề tài “Tiếp tục khảo nghiệm và đánh giá khả năng phát triển cây Maccamadia tại Việt Nam” của Trung tâm nghiên cứu giống cây rừng – Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam đã trồng khảo nghiệm 16 ha tại 9 tỉnh trong đó có Dak Lak và Dak Nông. Riêng vườn trồng thử nghiệm khoảng 1 ha tại huyện Krông Năng, sau 5 năm, năng suất trung bình đạt 10 kg hạt/cây, cá biệt có cây đạt 15 kg/cây. Từ kết quả khảo nghiệm này, Bộ NN-PTNT đã công nhận 4 dòng mắc ca: 246, 816, 849, OC là giống tiến bộ kỹ thuật cho vùng Krông Năng.
Đoàn công tác của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Quốc hội) đi thăm mô hình mắc ca của hộ ông Nguyễn Văn Cúc (xã Phú Lộc, huyện Krông Năng). |
Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp (KHKTNLN) Tây Nguyên, cũng bắt đầu những nghiên cứu về cây mắc ca từ năm 2002, bằng việc trồng thử nghiệm 1 ha mắc ca, giống cây chiết cành có nguồn gốc từ Trung Quốc. Theo đó, đã chọn ra được 3 giống có triển vọng là H2, OC, 508 và sau 9 năm trồng, năng suất bình quân đạt 7,9kg/cây, không thua kém so với năng suất trung bình ở Australia (8kg), Trung Quốc (6,58 kg); trọng lượng hạt và tỷ lệ nhân đạt được khá tốt so với vùng nguyên sản. Điều này cho thấy, bước đầu cây mắc ca có tiềm năng phát triển ở một số vùng sinh thái trên địa bàn Tây Nguyên. Từ năm 2004 - 2009, Viện tiếp tục trồng khảo nghiệm các dòng vô tính và dòng thực sinh, đồng thời thí điểm trồng xen mắc ca với một số cây công nghiệp có giá trị trên địa bàn Tây Nguyên cũng đã mang lại kết quả khả quan. Cụ thể, cây mắc ca ghép trồng tại TP. Buôn Ma Thuột, sau 4 năm đã cho năng suất đạt hơn 1kg/cây; sau 9 năm trồng, năng suất đạt khoảng 9kg/cây (tương đương với vùng nguyên sản là New South Wales - Australia). Như vậy, nếu trồng 1 ha với mật độ 286 cây/ha (khoảng cách 5x7 m) trở lên, vào thời điểm thu hoạch chính từ năm thứ 8 trở đi, hoàn toàn có thể cho năng suất bình quân 3-5 tấn/ha. Với mức giá hiện nay (60 – 70 nghìn đồng/kg quả khô) và năng suất như trên thì giá trị thu được từ 1 ha mắc ca vào khoảng 180-300 triệu đồng; nếu trồng xen trong vườn cà phê, với mật độ 100-120 cây/ha thì giá trị thu được từ 150-250 triệu đồng.
Dễ trồng nhưng... khó tính
Theo nghiên cứu của Viện KHKTNLN Tây Nguyên, mắc ca là loại cây chịu khí hậu mát, mưa ẩm và khô hạn xen kẽ, thích hợp trong điều kiện khí hậu nhiệt đới gió mùa và nhiều loại đất khác nhau. Tuy nhiên cần lưu ý rằng, cây mắc ca không chịu được điều kiện ngập úng và chỉ thích hợp ở độ cao so với mặt nước biển từ 450 m trở lên. Mặc dù, là loại cây tương đối dễ trồng, tỷ lệ sống cao trên 90%, có thể ra hoa kết trái được trong mùa khô, chịu được thời tiết khắc nghiệt, nhưng nếu nhiệt độ trên 350C, cây có thể rụng quả trên 50%, hoặc nếu nhiệt độ ban đêm thấp hơn 120C và cao hơn 210C cây mắc ca đều không thể hình thành chồi hoa.
Mô hình mắc ca trồng xen vườn cà phê và vườn tiêu ở huyện Krông Năng. |
Qua nhiều năm khảo nghiệm, cây mắc ca chỉ phát triển tối ưu ở những vùng có lượng mưa trung bình từ 1.500mm – 2.500mm. Một trong những yêu cầu sinh thái thiết yếu nhất đối với cây mắc ca là biên độ nhiệt thích hợp từ 120C - 320C, nhiệt độ tối ưu để cây ra nhiều hoa là từ 120C - 210C, tốt nhất là 180C. Căn cứ vào những yêu cầu sinh thái trên, vùng Tây Nguyên có những địa bàn có triển vọng cây mắc ca sinh trưởng khá tốt là: TP. Buôn Ma Thuột, Krông Năng (Dak Lak), Dak Mil (Dak Nông) và Đơn Dương (Lâm Đồng). Điều này cũng cho thấy, loại cây này có thể phát triển ở Tây Nguyên nhưng không phải vùng nào cũng trồng được và giống nào cũng phù hợp. Qua kết quả nghiên cứu trên cho thấy, có những giống trồng năm thứ 5-6 đã cho 5 – 6 kg nhân, sang năm thứ 9 thì được 10 kg, nhưng không phải giống nào cũng cho năng suất được như vậy (chỉ có 2 giống OC và H2 là cho năng suất cao). Trong số khoảng 20 giống mắc ca được Viện nghiên cứu nhưng chỉ có 4-5 giống phù hợp với điều kiện của Tây Nguyên. Điều cần lưu ý nữa, mắc ca là cây tự thụ phấn và thụ phấn chéo với những giống phù hợp, nếu chỉ trồng đơn lẻ hoặc trồng gộp 3-4 giống thì năng suất sẽ không cao; trồng mắc ca bằng giống thực sinh năng suất chỉ bằng 1/4 đến 1/2 năng suất trồng bằng cây ghép của những giống cao sản đã được công nhận. Do vậy, nếu mở rộng diện tích, khai thác tiềm năng của vùng thì phải có những khảo nghiệm chi tiết chứ không phải chỉ thấy khí hậu tương đương là có thể trồng.
Cây mắc ca có tên gọi chung là Macadamia hoặc Australia nut hoặc Queenland nut. Đây là loại cây ăn quả thân gỗ, thuộc nhóm quả hạch, hạt có vỏ cứng, nhân dùng trực tiếp làm thực phẩm, hoặc chế biến bánh, kẹo, mỹ phẩm... Nhân của hạt mắc ca có hàm lượng dầu tới 78%, cao hơn hẳn đậu phụng (44,8%), nhân điều (47%)… Trong dầu của mắc ca có trên 87% là axit béo không no, trong đó có nhiều loại mà cơ thể con người không tự tổng hợp được. Hàm lượng protein trong nhân có tới 9,2% gồm 20 loại axit amin trong đó có 8 loại axit amin cần thiết cho cơ thể con người. |
(Còn nữa)
Thuận Nguyễn – Giang Nam
Ý kiến bạn đọc