Biến Tây Nguyên thành thủ phủ mắc ca - liệu có khả thi? - Kỳ II: "Quả bóng" mắc ca đang bị thổi phồng
Với những kết quả khả quan từ các mô hình khảo nghiệm, cùng với giá bán cao (trên thị trường Việt Nam) khiến nhiều người kỳ vọng đây là cây triệu đô, giúp làm giàu cho nông dân vùng Tây Nguyên. Vô hình chung, tiềm năng phát triển cây mắc ca ở Tây Nguyên bị thổi phồng quá mức, trong khi hiệu quả kinh tế mang lại cho nông dân vẫn đang rất mù mờ… (?!)
Giá... ảo!
Trong khi hiệu quả kinh tế của cây mắc ca mới được tính toán qua các mô hình khảo nghiệm, thực tế chưa được kiểm chứng thì loại cây này đã được giới truyền thông và một số chuyên gia thổi phồng lên, biến mắc ca thành cây triệu đô, hoàng hậu quả khô…, và một số vườn ươm nhân cơ hội này đã đẩy giá cây giống lên cao ngất ngưỡng. Trước thực tế đó, Sở NN-PTNT đã kiểm tra thực tế, khảo sát lại tình hình, kết quả cho thấy, tại huyện M’Drak, diện tích trồng trong dân hơn 30 ha và của Công ty Cổ phầnVinamacca là 11,2 ha, trong đó có 8 ha trồng thuần năm thứ 5, một số vườn đã cho trái bói, số diện tích còn lại cây sinh trưởng phát triển khỏe nhưng đậu trái không đều; tại huyện Krông Năng, diện tích khoảng 60 ha, trồng tại các xã Dliê Ya, Ea Puk, Phú Lộc..., nhìn chung, cây mắc ca sinh trưởng tốt, ra hoa nhiều nhưng đậu trái không đạt. Theo ông Huỳnh Quốc Thích, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, sau khi khảo sát vườn hộ ông Nguyễn Văn Cúc (thôn Lộc Xuân, xã Phú Lộc, huyện Krông Năng) – được xem là mô hình hiệu quả nhất Dak Lak, bằng chuyên môn của mình ông nhận thấy thực tế không như người ta nói, vườn cây phát triển rất tốt (nhờ được hưởng lợi từ nước tưới và phân bón của cây cà phê), nhưng không phải cây nào cũng cho nhiều quả, chỉ có khoảng 20/800 cây thời kỳ thu hoạch là cho năng suất tốt, còn lại đậu quả không nhiều. Hạt mắc ca chủ yếu được gia đình bán để ươm giống chứ không phải để chế biến thực phẩm. TS. Lê Ngọc Báu, Viện trưởng Viện KHKTNLN Tây Nguyên cũng cho rằng, trồng cây mắc ca rủi ro rất cao, vì trồng đến 6-7 năm mới cho thấy kết quả, trong khi đó không phải vùng nào cũng trồng được và giống nào cũng cho trái. Hiện giá mắc ca ở Việt Nam là giá ảo do người ta lấy hạt để ươm giống, trên thế giới giá không đạt được như vậy. Chính giá ảo khiến nhiều người lầm tưởng là cây triệu đô, siêu lợi nhuận.
Một mô hình trồng mắc ca xen cà phê tại huyện Krông Năng. |
Rõ ràng, các giá trị của mắc ca mới xuất phát từ các mô hình khảo nghiệm, sản phẩm hạt mắc ca mới chủ yếu đem bán để ươm giống chứ chưa phải để chế biến thức phẩm, vì đến hiện tại thị trường cho loại quả này ở Việt Nam vẫn còn khá mới mẽ và chưa có nhà máy chế biến cũng như doanh nghiệp đứng ra thu mua sản phẩm này về chế biến. Trong khi đó, giá bán trên thế giới chỉ từ 60-70 nghìn đồng/kg quả không phải là cao và là giá bán trong thời điểm sản lượng mắc ca trên toàn cầu còn ít. Nếu phát triển ồ ạt, lượng cung lớn hơn cầu thì liệu giá còn được giữ nguyên?
Đổ xô trồng mắc ca, coi chừng lợi bất cập hại
Chính vì thông tin chưa được chuẩn xác nên không ít hộ nông dân đổ xô đi mua giống về trồng, với giấc mơ làm giàu. Nắm bắt được điều này, cơn sốt giống mắc ca đang diễn ra tại các vườn ươm với giá bán cây giống giao động từ 50-85 nghìn đồng/cây vẫn rất hút khách. Theo một chủ vườn kinh doanh cây giống tại xã Hòa Thắng (TP. Buôn Ma Thuột), từ đầu năm đến nay, lượng người mua cây giống mắc ca tăng đột biến, mặc dù nhà có trồng một số cây đầu dòng để ghép nhưng cung cấp cũng không đủ, phải lấy hàng tại một số vườn ươm ở huyện Krông Năng lên bán, thậm chí nhiều đơn hàng phải đặt trước cả tháng mới có cây giống cung cấp.
Hiện toàn tỉnh đã trồng được 600 ha cây mắc ca, phần lớn được trồng xen trong vườn cà phê, diện tích trồng thuần không nhiều. Trong đó, hầu hết nằm ngoài vùng khảo nghiệm, do nông dân trồng tự phát. Đơn cử như tại huyện Krông Năng, từ năm 2004 đến nay, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) chỉ đầu tư trồng khảo nghiệm tại xã Phú Lộc 3 ha. Ngoài ra, Công ty Cổ phần Vinamacca đầu tư sản xuất cây giống với quy mô 1 ha trên địa bàn xã Dliê Ya, thế nhưng đến nay, tổng diện tích cây mắc ca trên địa bàn huyện đã lên đến 61 ha. Trong buổi làm việc mới đây với Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường (Quốc hội), lãnh đạo UBND huyện Krông Năng đã tỏ ý băn khoăn khi mà hơn 10 năm trồng, đến nay vẫn chưa có đánh giá cụ thể về kết quả của mô hình khảo nghiệm, chưa đưa ra được quy hoạch vùng trồng tối ưu theo điều kiện sinh thái trên địa bàn huyện. Quan trọng nhất là người trồng cây mắc ca vẫn rất mù mờ về chủng loại giống được cho phép trồng và đầu ra của sản phẩm, bởi sản phẩm làm ra thời gian qua chủ yếu bán theo dạng hạt giống chứ chưa phải là giá bán thành phẩm. Dù thu nhập của những hộ nông dân trồng cây mắc ca cao hơn hẳn các loại cây trồng khác, nhưng điều đó chưa hẳn đáng mừng bởi đó là thu nhập từ việc bán hạt làm giống và cây giống. Trước thực tế đó, UBND huyện Krông Năng đề nghị Bộ NN-PTNT khẩn trương có những đánh giá về mô hình khảo nghiệm để có những kết luận cụ thể về hiệu quả; chủ trương quy hoạch vùng để có định hướng phát triển cụ thể.
Tính đến nay, cả nước có trên 2.400 ha mắc ca, riêng vùng Tây Nguyên có 1.600 ha, trong đó Lâm Đồng là địa phương có diện tích mắc ca lớn nhất vùng với diện tích gần 960 ha (chủ yếu ở các huyện Đơn Dương, Lâm Hà, Bảo Lộc), kế đến là Dak Nông, khoảng 450 ha/ định hướng quy hoạch của tỉnh là 15.000 ha. Tuy nhiên, theo một số vườn ươm đến nay, diện tích được nhân dân trồng có thể nhiều hơn những con số trên vì thời gian gần đây nhu cầu cây giống tăng rất cao.
Thuận Nguyễn – Giang Nam
Ý kiến bạn đọc