Multimedia Đọc Báo in

Hợp tác xã kiểu mới: Hướng đến sản xuất bền vững

08:26, 09/05/2015

Đẩy mạnh liên kết giúp nông dân giảm chi phí sản xuất, hỗ trợ cách quản lý về chất lượng nông sản để đưa sản phẩm của họ ra thị trường và bảo đảm đầu ra ổn định... là những điều mà các HTX kiểu mới đang làm rất thành công, nhất là trong lĩnh vực sản xuất cà phê.

Đẩy mạnh liên kết

Mặc dù mới thành lập hồi tháng 6-2014, nhưng HTX sản xuất cà phê bền vững Ea Kmát (xã Hòa Đông, huyện Krông Pak) đã có sức hút với đông đảo nông dân làm cà phê trong vùng bởi cơ chế hoạt động mới mẻ. Các thành viên vẫn làm chủ trên mảnh đất của mình, chỉ tham gia đóng góp vốn; được hỗ trợ chi phí sản xuất, tập huấn khoa học kỹ thuật... và quan trọng hơn là sản phẩm của các hộ thành viên được bảo đảm đầu ra ổn định với giá thu mua cao hơn giá thị trường. Ông Y Căl Êban, Giám đốc HTX cho biết, được thành lập trên cơ sở là tổ hợp tác của liên minh sản xuất cà phê bền vững Hòa Đông – Ea Tul – Dak Man, với 99 hộ, 144 ha cà phê, trong đó có 91% là đồng bào dân tộc thiểu số, ngay khi bước vào hoạt động, HTX đã chú trọng thắt chặt mối liên kết hộ, hướng nông dân sản xuất cà phê bền vững theo chứng nhận Fairtrade (thương mại công bằng). Theo đó, các thành viên của HTX được xem là các cổ đông, có đóng góp, có trách nhiệm và được hưởng lợi từ hiệu quả sản xuất mang lại. Bà H’wen Êban, thành viên của HTX chia sẻ, trước kia bà con làm cà phê theo tập quán truyền thống nên hiệu quả thấp. Từ khi vào HTX, các thành viên được hướng dẫn cách bón phân, cắt cành, tưới nước, thu hoạch theo một quy trình khoa học. Nếu trước kia, 1 ha cà phê của gia đình chỉ đạt khoảng 2 – 2,5 tấn thì từ khi tham gia HTX, năng suất đạt 3,5 tấn/ha, chất lượng sản phẩm được đánh giá tốt nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật và được HTX thu mua với giá tốt hơn so với bán ngoài đại lý.

Dây chuyền chế biến cà phê ướt ở HTX Dịch vụ nông nghiệp Công Bằng Ea Kiết.
Dây chuyền chế biến cà phê ướt ở HTX Dịch vụ nông nghiệp Công Bằng Ea Kiết.

Có thể thấy, HTX sản xuất cà phê bền vững Ea Kmát là sự tiếp nối thành công của các HTX trong lĩnh vực sản xuất cà phê bền vững trên địa bàn Dak Lak, trong đó có HTX nông nghiệp dịch vụ Công Bằng Ea Kiết (xã Ea Kiết, huyện Cư M’gar), được thành lập vào tháng 3-2011, gồm 97 thành viên, trên 183 ha, sản lượng ước đạt trên 722 tấn. Với sự hỗ trợ của Công ty TNHH Dak Man Việt Nam, HTX đã áp dụng sản xuất cà phê theo chứng nhận Fairtrade. Theo đó, các hộ sản xuất đã tăng thu nhập, giá bán sản phẩm ổn định, có những năm giá bán tăng hơn so với thị trường từ 2.500 – 3.000 đồng/kg cà phê góp phần tăng thu nhập cho các hộ sản xuất. Hằng năm, thành viên HTX được tập huấn khoa học kỹ thuật về chăm sóc, thu hoạch cà phê để đạt hiệu quả cao, do vậy nên bà con tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chí của chứng nhận Fairtrade. Ông Nguyễn Văn Phúc, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX cho hay, với mối liên kết chặt chẽ này không những góp phần tổ chức lại sản xuất, gia tăng giá trị cho cà phê, mà nông dân còn có cơ hội tiếp cận tốt với các biện pháp canh tác bền vững, có truy nguyên nguồn gốc sản phẩm. Đặc biệt, quyền lợi chính đáng của người sản xuất được quan tâm, bảo vệ, nhất là những hộ nghèo, vùng khó khăn…

Nâng cao uy tín sản phẩm với đối tác nước ngoài

Một trong những điều khiến các hộ sản xuất cà phê yên tâm nhất khi tham gia vào HTX kiểu mới là không phải lo lắng về đầu ra. Ông Y Căl Êban cho biết, các đối tác mua sản phẩm cà phê có chứng nhận Fairtrade với giá 40.000 đồng/kg, đồng thời thưởng thêm 9.000 đồng/kg để HTX làm quỹ phúc lợi, tuy nhiên trong thời điểm HTX thu mua cà phê của thành viên thì giá ngoài thị trường lại cao, trên 41.000 đồng/kg nên HTX không thể thu mua cà phê của thành viên theo giá của đối tác đưa ra. Trước tình thế đó, HTX “làm liều”, thu mua cà phê với giá 42.000 đồng/kg, sau đó xin trợ giá 2.000 đồng/kg từ số tiền được cộng thưởng thêm. Và cuối cùng lô hàng đầu tiên 240 tấn cà phê có chứng nhận Fairtrade của HTX được xuất ngoại trong sự phấn khởi của các thành viên. Thời gian tới, HTX tiếp tục xem xét các đơn đặt hàng để xuất bán sản lượng còn lại cho đối tác nước ngoài. Hộ thành viên Lê Văn Nhỉ cho hay, chúng tôi bây giờ đã làm chủ được sản phẩm của mình, từ việc chọn phương pháp canh tác tốt, đáp ứng yêu cầu của đối tác nước ngoài để đưa sản phẩm của mình ra thị trường thế giới với giá ưu đãi nhất. Còn đối với HTX nông nghiệp dịch vụ Công Bằng Ea Kiết, nhờ thực hiện rất tốt các tiêu chuẩn của chứng nhận Fairtrade, cùng với thực hiện chế biến ướt nên sản phẩm được công nhận cà phê chất lượng cao, giá bán cũng cao. Ông Phúc cũng cho biết từ niên vụ 2011 - 2012, giá bán cà phê có chứng nhận Fairtrade của đơn vị cao hơn 2,2 - 2,5 triệu đồng/tấn; niên vụ 2013 - 2014, cao hơn từ 4 - 4,5 triệu đồng/tấn so với giá thị trường. Theo đó, lợi nhuận bình quân/năm của hộ thành viên trên 35 triệu đồng; Quỹ phúc lợi của HTX thu được từ dịch vụ chế biến, kinh doanh cà phê Fairtrade từ 3,6 - 4 tỷ đồng/năm. Đó là những thành công đáng kể trong mô hình sản xuất, chế biến và tiêu thụ cà phê theo bộ tiêu chí của chương trình cà phê bền vững Fairtrade.

Các thành viên HTX sản xuất cà phê bền vững Ea Kmát (xã Hòa Đông, huyện Krông Pak) đang thực hiện chế biến ướt.  Ảnh: Thuận Nguyễn
Các thành viên HTX sản xuất cà phê bền vững Ea Kmát (xã Hòa Đông, huyện Krông Pak) đang thực hiện chế biến ướt. 

Theo Liên minh HTX tỉnh, hiện tại các HTX trên địa bàn tỉnh đang chuyển dần sang hoạt động theo mô hình HTX kiểu mới, phù hợp trong bối cảnh mới nhằm gắn kết tập thể hộ nông dân với doanh nghiệp, đưa nông sản vươn ra thị trường thế giới.

Thuận Nguyễn


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.