Khi nào nông dân mới hết chịu thiệt?
13:04, 12/05/2015
Vụ dưa hấu trà đông xuân muộn vừa qua, nhiều nông dân huyện Cư Kuin kém vui so với mùa trà dưa trước vì giá bán thấp hơn.
Có lẽ cũng không có gì đáng bàn vì âu cũng là chuyện bình thường đối với nông sản Việt Nam nói chung, Dak Lak nói riêng, nhưng chuyện là thế này: cứ mỗi vụ dưa, thương lái lại tìm đến các nhà vườn chốt giá trước, nếu nông dân nào đồng ý với giá thương lái đưa ra thì ký hợp đồng và được đặt cọc tiền trước. Vụ dưa này cũng vậy, các nhà vườn được thương lái chốt giá 6.000 đồng/kg, rút kinh nghiệm của trà dưa sớm là sau khi chốt giá xong, giá dưa trên thị trường lại tăng cao khiến nông dân chịu thiệt, vì vậy, nhiều chủ vườn không chịu chốt giá nữa. Thế nhưng, vụ này giá dưa trên thị trường lại rớt thê thảm, chỉ còn dưới 4.000 đồng/kg, những nông dân không chốt giá với thương lái nên càng bị chịu thiệt... Ông Nguyễn Văn Khôi, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Cư Kuin chia sẻ, diện tích trồng dưa hấu hằng năm trên địa bàn huyện không nhiều, khoảng 40-45 ha/vụ và cứ đến vụ là thương lái xuống tận vườn để chốt giá mua, tuy nhiên đa số nông dân chưa nắm được thông tin thị trường, còn phụ thuộc vào việc làm giá của các lái buôn nên dù có tính kiểu gì thì nông dân vẫn luôn là người chịu thiệt nhất.
Trên đây là một trong rất nhiều câu chuyện về đầu ra của nông sản đã và đang diễn ra ở nhiều vùng miền. Một khi nông dân còn làm ăn manh mún, không có sự liên kết sẽ còn mãi rơi vào vòng luẩn quẩn "được mùa mất giá, được giá mất mùa”. Để giải quyết tình trạng này rất cần cái “bắt tay” chặt chẽ của 4 nhà để bám sát nhu cầu của thị trường ngay từ khâu sản xuất, chứ không phải khi có sản phẩm rồi mới loay hoay tìm đầu ra. Việc cần thiết phải làm ngay là từng bước xây dựng vùng nguyên liệu, áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP) để tìm kiếm các thị trường mới chứ không nên lệ thuộc vào bất cứ một thị trường truyền thống nào.
Thuận Nguyễn
Ý kiến bạn đọc