10:10, 19/05/2015
Xây dựng cơ bản (XDCB) có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội ở tỉnh ta, những năm qua, địa phương luôn chú trọng nâng cao chất lượng quản lý đầu tư, nhưng xem ra, công tác này vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn...
|
Thi công lắp đặt cống thoát nước thuộc Dự án nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh, đoạn qua tỉnh Dak Lak. Ảnh: Hoàng Tuyết |
Báo cáo của Sở Tài chính cho thấy, năm 2014, ngành này đã thẩm tra, phê duyệt quyết toán 1.431 dự án hoàn thành trong toàn tỉnh, với tổng giá trị quyết toán được duyệt 2.973,6 tỷ đồng, giảm 59,3 tỷ đồng so với giá trị đề nghị quyết toán. Trong quý I-2015, có 55 dự án hoàn thành được thẩm tra, phê duyệt quyết toán, với tổng giá trị được duyệt là 217,2 tỷ đồng, giảm 3,4 tỷ đồng so với giá trị đề nghị quyết toán. Mặc dù các chủ đầu tư đã thực hiện tốt công tác quản lý dự án, chi phí đầu tư, hồ sơ công trình, nhưng công tác quyết toán dự án hoàn thành vẫn gặp nhiều hạn chế, vướng mắc như: công tác khảo sát, lập dự án đầu tư còn thiếu chặt chẽ nên khi triển khai thi công phải điều chỉnh dự án nhiều lần, làm tăng quy mô, vượt tổng mức đầu tư, kéo dài thời gian hoàn tất hồ sơ quyết toán, tăng nợ công. Một số đơn vị tư vấn thực hiện nhiều dự án chưa kiểm soát chất lượng, chi phí đầu tư nên không kịp thời phát hiện sai sót, bất hợp lý trong hồ sơ thiết kế, đến khi thi công, thanh tra, kiểm toán, quyết toán mới phát hiện ra. Bên cạnh đó, công tác thẩm định giá còn nhiều yếu kém, chưa sát với thực tế, dẫn đến những chênh lệch cao hơn so với giá thị trường. Ngoài ra, không ít nhà thầu không thực hiện tốt khâu quản lý chi phí đầu tư, dẫn đến tình trạng khối lượng quyết toán không khớp với hồ sơ hoàn công… Về thực hiện Chỉ thị 27/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong tăng cường, đẩy mạnh công tác quyết toán vốn đầu tư của các dự án hoàn thành sử dụng vốn Nhà nước, UBND tỉnh đã có công văn chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tiến hành rà soát, báo cáo tình hình các dự án được bàn giao đưa vào sử dụng từ ngày 1-1-2005 đến 31-12-2013. Như vậy, trên địa bàn tỉnh hiện có 51 dự án hoàn thành từ năm 2005 đến nay vẫn chưa được phê duyệt quyết toán, trong đó, 18 dự án cấp tỉnh, 27 dự án cấp huyện, 6 dự án cấp xã. Nguyên nhân chủ yếu là do đơn vị thi công, tư vấn chưa phối hợp với chủ đầu tư để lập báo cáo quyết toán, một số nhà thầu đã giải thể, dự án phải điều chỉnh, bổ sung nhiều thủ tục đầu tư… Còn đối với việc thu hồi vốn đầu tư thanh toán cao hơn giá trị quyết toán dự án hoàn thành hiện cũng gặp không ít khó khăn. Ngoài những dự án có thanh toán vượt so với giá trị quyết toán được duyệt phát sinh sau năm 2008, được theo dõi, thu hồi trả ngân sách tương đối kịp thời, hiện nay tổng số vốn thanh toán vượt so với giá trị quyết toán được duyệt từ năm 2008 trở về trước là trên 3 tỷ đồng, mới chỉ thu hồi được trên 2 tỷ đồng. Trong số 1 tỷ đồng chưa thu hồi được, có một số nhà thầu thi công đã phá sản, giải thể, không còn hoạt động, hoặc đã chuyển đổi sang hình thức cổ phần (Công ty TNHH xây dựng Đại Nam, Xí nghiệp xây dựng cầu đường Thanh Bình, Công ty TNHH xây dựng Đồng Thành, Công ty TNHH xây dựng Hòa Bình, Công ty Kinh doanh nhà Dak Lak) nên không còn khả năng thu hồi, với tổng số tiền 146,2 triệu đồng. Số còn lại (khoảng trên 894 triệu đồng), Kho bạc Nhà nước đã tất toán tài khoản theo giá trị quyết toán được duyệt, đồng thời chuyển vào tài khoản phải thu để tiếp tục theo dõi, đôn đốc thu hồi và xử lý theo đúng nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh.
|
Công trình thủy lợi Krông Buk hạ được đầu tư bằng nguồn trái phiếu Chính phủ. |
Có thể nói, thực hiện Chỉ thị 1792/CT-TTg, ngày 15-10-2011 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách Nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ, những năm qua, tỉnh đã thực hiện tốt các giải pháp về quản lý đầu tư XDCB. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn trong đầu tư XDCB, ngoài việc phân bổ vốn đầu tư theo hướng tập trung, kiểm soát nợ đọng, thì việc cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư là một trong những giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thi công. Bên cạnh đó, tăng cường hơn nữa các biện pháp quản lý để hạn chế thất thoát, lãng phí từ khâu khảo sát thiết kế, đền bù, giải phóng mặt bằng, đến lựa chọn nhà thầu, thi công… Đồng thời, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc quản lý và thực hiện các giai đoạn của dự án đầu tư, đặc biệt là trách nhiệm cá nhân của chủ đầu tư và các nhà quản lý đầu tư, nhà thầu xây lắp, tư vấn thiết kế, giám sát, nhà thầu cung cấp trang thiết bị, cơ quan tổ chức thực hiện chi đền bù giải phóng mặt bằng,... để đưa ra biện pháp xử lý phù hợp triệt để, có như vậy mới nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ngân sách Nhà nước trong đầu tư XDCB cũng như công tác phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực này.
Lê Hương
Ý kiến bạn đọc