Nâng cao hiệu quả quản lý nguồn kinh phí khuyến công
Thời gian qua, hoạt động khuyến công (KC) gặp nhiều khó khăn do nguồn kinh phí còn hạn chế, đặc biệt là ngân sách địa phương bố trí cho hoạt động này chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Do vậy, để các chương trình, đề án phát huy hiệu quả cao, việc tổ chức thực hiện và quản lý kinh phí khuyến công (KPKC) cần được siết chặt.
Năm 2014, Trung tâm khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công thương) đã thực hiện 16 đề án KC địa phương, với tổng kinh phí thực hiện gần 3 tỷ đồng, trong đó, KPKC hỗ trợ hơn 1 tỷ đồng, kinh phí đối ứng của các đơn vị thụ hưởng 1,9 tỷ đồng. Theo kết quả nghiệm thu đánh giá cho thấy, các đề án đã phát huy hiệu quả, giúp các doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất công nghiệp (CN) nông thôn phát triển sản xuất, giảm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm và tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Tuy nhiên, trên thực tế, nguồn KPKC địa phương chỉ đáp ứng được khoảng 25% nhu cầu thực tế, bên cạnh đó, mức hỗ trợ cho từng đề án vẫn còn thấp, nên hiệu quả của các hoạt động này chưa được như mong muốn, một số đơn vị thụ hưởng chưa mặn mà với các chương trình, đề án hỗ trợ. Trong năm nay, Trung tâm được UBND tỉnh giao thực hiện 19 đề án KC địa phương, với tổng kinh phí gần 3,5 tỷ đồng, chủ yếu là hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị, tập huấn về sử dụng năng lượng tiết kiệm và giảm tổn thất sau thu hoạch… Để triển khai các đề án có hiệu quả, Trung tâm sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện và giúp đỡ tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng thụ hưởng.
Sản xuất hạt nhựa từ rác thải tại cơ sở Minh Chiến (xã Ea Huar, huyện Buôn Đôn). |
Cùng với đó, nhằm phát huy tối đa hiệu quả nguồn KPKC, tránh chi phí phát sinh không cần thiết, UBND tỉnh cũng đã có Quyết định số 07/15/QĐ-UBND, ngày 12-2-2015, về tổ chức thực hiện và quản lý KPKC trên địa bàn tỉnh... Theo đó, ngân sách địa phương bảo đảm cho hoạt động KC của tỉnh, đồng thời, huy động, kết hợp, lồng ghép nguồn kinh phí thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia và Chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác để thực hiện tốt hoạt động KC. Nguồn kinh phí này tập trung vào các lĩnh vực sản xuất mà địa phương có tiềm năng và thế mạnh như: CN chế biến nông - lâm - thủy sản và chế biến thực phẩm; sản xuất hàng CN phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu; CN hóa chất phục vụ nông nghiệp và vật liệu xây dựng; sản xuất sản phẩm, phụ tùng, lắp ráp và sửa chữa máy móc, thiết bị, dụng cụ cơ khí, điện, điện tử - tin học; tiểu thủ công nghiệp; khai thác, chế biến khoáng sản; áp dụng sản xuất sạch hơn trong CN… Quy định này cũng có những nội dung cụ thể về mức chi cho các trường hợp, theo đó, chi hỗ trợ về hoàn thiện kế hoạch kinh doanh và chi phí liên quan đến đăng ký thành lập doanh nghiệp CN nông thôn tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn với mức hỗ trợ không quá 10 triệu đồng/doanh nghiệp. Đối với việc xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật để phổ biến công nghệ mới, sản xuất sản phẩm mới, chuyển giao công nghệ tiên tiến, sẽ được hỗ trợ mua máy móc, thiết bị, hoàn chỉnh tài liệu về quy trình công nghệ, sản xuất, phục vụ cho việc trình diễn kỹ thuật tối đa 30% tổng kinh phí đề án, nhưng không quá 400 triệu đồng/mô hình. Việc ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất CN - tiểu thủ CN được hỗ trợ tối đa 50% chi phí, nhưng không quá 180 triệu đồng/cơ sở. Ngoài ra, nguồn KPKC cũng sẽ hỗ trợ cho tổ chức hội chợ triển lãm hàng CN nông thôn, thủ công mỹ nghệ trong nước; tổ chức bình chọn và cấp giấy chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; xây dựng và đăng ký thương hiệu đối với các sản phẩm công nghiệp nông thôn… Đặc biệt, để xây dựng mạng lưới khuyến công từ tỉnh đến cơ sở, các khuyến công viên cơ sở cũng được hưởng phụ cấp bằng mức lương tối thiểu chung hằng tháng…
Nhìn chung, hoạt động sản xuất CN nông thôn trên địa bàn tỉnh vẫn còn èo uột, phần lớn các DN, cơ sở sản xuất đều có quy mô nhỏ, sử dụng công nghệ lạc hậu, tay nghề lao động chưa cao, bởi vậy, lĩnh vực này rất cần sự hỗ trợ của các chương trình, đề án KC. Đồng thời, để công tác KC phát huy hiệu quả, trong quá trình thực hiện, ngành công thương cần tăng cường công tác quản lý việc sử dụng kinh phí cho hoạt động này, trong đó, quan trọng nhất là các nguồn chi hỗ trợ KC phải đúng đối tượng được thụ hưởng, phù hợp với nhu cầu, điều kiện thực tế nơi triển khai và có tính khả thi cao….
Minh Thông
Ý kiến bạn đọc