Multimedia Đọc Báo in

Sản xuất cơ khí nhỏ: Loay hoay tìm hướng phát triển

09:09, 13/05/2015

Trong ngành công nghiệp cơ khí Dak Lak, các doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất quy mô nhỏ và rất nhỏ chiếm số lượng rất lớn và có đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Tuy nhiên, loại hình DN này đang gặp nhiều khó khăn trong việc mở rộng sản xuất và cạnh tranh trên thị trường.

Những năm qua, ngành cơ khí của tỉnh đã có bước tăng trưởng khá nhanh, nhưng ngoài thế mạnh lâu nay là cơ khí phục vụ ngành cà phê nói riêng, sản xuất nông nghiệp nói chung, thì các lĩnh vực khác vẫn còn yếu kém.  Riêng các DN, cơ sở sản xuất cơ khí có quy mô nhỏ và rất nhỏ thì đang ngày càng gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì hoạt động và mở rộng sản xuất. Sản phẩm chủ yếu của hoạt động sản xuất cơ khí nhỏ (CKN), bên cạnh một số loại máy móc sấy tiêu, chế biến cà phê, bơm nước công suất nhỏ, còn lại phần lớn là nhôm kính, cửa sắt, lan can, biển báo, hàng rào… Có một thực tế là đa phần các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực CKN đều có mặt bằng sản xuất hạn chế, trong khi nghề này đòi hỏi cơ sở sản xuất, kho chứa nguyên vật liệu, sản phẩm phải rộng và nguồn điện ổn định. Bên cạnh đó, trình độ quản lý yếu, lực lượng lao động chất lượng chưa cao, máy móc thiết bị và công nghệ lạc hậu, khả năng kết nối tiếp cận thị trường trong nước và quốc tế còn hạn chế, nên sản phẩm cơ khí nhỏ của địa phương khó có thể cạnh tranh được trên thị trường cũng là điều dễ hiểu.
Sản xuất cơ khí tại Công ty TNHH Xuân Hòa (Cụm công nghiệp Tân An, TP. Buôn Ma Thuột).
Sản xuất cơ khí tại Công ty TNHH Xuân Hòa (Cụm công nghiệp Tân An, TP. Buôn Ma Thuột).
Những năm qua, dù tỉnh đã có những hỗ trợ cho các DN vừa và nhỏ, trong đó có lĩnh vực cơ khí như chính sách khuyến khích đầu tư, xúc tiến thương mại, đào tạo dạy nghề, tập huấn về quản trị DN…, ít nhiều đã mang lại một số kết quả bước đầu, nhưng nhìn chung tác động của các chính sách này đối với hoạt động sản xuất CKN vẫn chưa được như mong muốn do nguồn hỗ trợ còn hạn chế và chưa có cơ chế triển khai một cách hiệu quả. Khó khăn lớn nhất của sản xuất CKN là thiếu vốn sản xuất, khó tiếp cận với nguồn vốn vay nên cũng rất khó đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Chính vì vậy nên nhiều cơ sở, DN phải hoạt động cầm chừng, thậm chí phá sản hoặc chuyển sang lĩnh vực khác. Anh Trần Xuân Hùng, chủ cơ sở sản xuất cơ khí tại thôn 2, xã Hòa Xuân, TP. Buôn Ma Thuột, cho biết, thành lập từ năm 2009, cơ sở của anh chuyên gia công các loại cửa sắt, cửa khung chớp, trong mấy năm đầu có vẻ hoạt động hiệu quả, 3 công nhân thường xuyên làm không hết việc, nhưng khoảng 2 năm nay, nhiều loại cửa kính, nhựa chịu lực, mẫu mã đẹp, giá rẻ xuất hiện, khiến sản phẩm của anh không cạnh tranh được, nên đành phải sang nhượng xưởng sản xuất cho người khác. Hầu hết các DN cơ khí nhỏ ở Dak Lak nếu duy trì được sản xuất thì đang phải “cầm cự” bằng cách gia công một số sản phẩm cơ khí đơn giản hoặc hoạt động dịch vụ là chủ yếu. Ông Nguyễn Văn Phan, Chủ tịch Hội cơ khí Dak Lak cho biết, các DN cơ khí lớn hầu như không vay vốn ngân hàng, nhưng vẫn phát triển sản xuất, kinh doanh một cách hiệu quả, trong khi các DN, cơ sở sản xuất nhỏ dù có vay được vốn ngân hàng cũng rất khó phát triển, bởi năng lực, trang thiết bị, sản xuất và chất lượng sản phẩm còn nhiều hạn chế, khó vươn ra được thị trường lớn…

Một khó khăn nữa là, thời gian qua, việc đầu tư cho ngành cơ khí địa phương còn phân tán, chưa đồng bộ, thiếu nguồn nguyên liệu, thiết bị tiêu chuẩn để sản xuất ra sản phẩm cơ khí có tầm cỡ. Với những khó khăn trên, hoạt động CKN đang rất cần sự hỗ trợ về vốn, chính sách ưu tiên khuyến khích đầu tư, hỗ trợ công nghệ, xúc tiến thương mại… Về phần mình, các DN, cơ sở sản xuất CKN cũng cần chủ động tổ chức, sắp xếp lại sản xuất trên cơ sở xác định sản phẩm nào là chủ lực, có hiệu quả để phát triển có trọng tâm; giảm chi phí sản xuất đầu vào, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm…

 Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.