Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương: Từng bước đẩy mạnh thu hút đầu tư từ các nguồn lực xã hội
Từ đầu năm 2012, thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ…, cơ sở hạ tầng thiết yếu của tỉnh từng bước được đầu tư, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Những kết quả bước đầu
Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết trên có 11 lĩnh vực được quan tâm đầu tư, trong đó, hạ tầng giao thông là một trong những lĩnh vực được đầu tư mạnh mẽ. Toàn tỉnh có tổng chiều dài đường bộ trên 10,3 nghìn km, gồm 5 tuyến quốc lộ, 11 tuyến tỉnh lộ, đường huyện có 17 tuyến…, trong đó đã nâng cấp nhựa hóa, bê tông hóa 95% tỉnh lộ, 75% đường huyện, 38% đường xã, liên xã, 98% xã có đường nhựa đến trung tâm. Hiện nay, tỉnh cũng đã thực hiện xong quy hoạch các điểm đấu nối vào các quốc lộ trên địa bàn tỉnh đến năm 2020; quy hoạch phát triển giao thông vận tải đến năm 2020 tầm nhìn 2030. Theo đánh giá của Sở Giao thông – Vận tải, hạ tầng giao thông của tỉnh trong những năm qua phát triển khá đồng bộ, liên hoàn, đáp ứng nhu cầu phục vụ vận chuyển hàng hóa, hành khách, góp phần quan trọng trong phục vụ đời sống sản xuất, giữ vững an ninh quốc phòng tại địa phương. Từ đầu năm 2012, qua nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, ngân sách địa phương, hệ thống thủy lợi của tỉnh được đầu tư, cải tạo, một số công trình trọng điểm xây dựng đúng tiến độ như: Công trình thủy lợi Krông Pak thượng, Krông Buk hạ, hồ Ea H’leo… Cùng với đó là hệ thống kênh mương được đầu tư, nâng cấp mở rộng để tăng hiệu suất khai thác như: kênh tây thủy lợi Ea Súp thượng, kênh thủy lợi Ia Jlơi… Nhờ vậy, hệ thống thủy lợi của tỉnh đã bảo đảm tưới chủ động được 76% diện tích cây trồng. Đối với việc phát triển hạ tầng thương mại, tỉnh luôn tạo điều kiện thu hút, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại theo quy hoạch, nhất là hệ thống chợ, siêu thị ở nông thôn. Trong đó, đặc biệt chú ý đến việc triển khai quy hoạch và xây dựng chợ ở xã theo tiêu chí nông thôn mới, chuyển đổi mô hình quản lý chợ xã, khuyến khích các cá nhân, tổ chức tham gia nâng cấp các chợ để quản lý kinh doanh. Nhằm đẩy mạnh lưu thông hàng hóa, tỉnh cũng có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tổ chức các trạm thu mua nông sản, mở các đại lý, phát triển hợp tác xã dịch vụ, thương mại ở nông thôn. Bên cạnh đó, tỉnh cũng tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, tham gia, tổ chức các hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh góp phần quảng bá hình ảnh, thu hút đầu tư…
Xã hội hóa đầu tư cơ sở hạ tầng y tế góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân. Trong ảnh: Bệnh nhân được điều trị tại Bệnh viện Mắt Tây Nguyên. |
Tạo thuận lợi cho nhà đầu tư để khơi thông nguồn vốn
Nghị quyết 13 không chỉ tạo nên bộ mặt mới cho hệ thống kết cấu hạ tầng, mà quan trọng hơn là nhận thức về vận dụng cơ chế thị trường trong huy động và sử dụng nguồn lực, qua đó đã huy động được nguồn vốn đáng kể từ doanh nghiệp và người dân tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng. Thời gian qua, Chính phủ cũng đã quyết liệt triển khai hàng loạt các chính sách như: đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, xã hội hóa các dịch vụ công… đã tạo một bước chuyển hướng mạnh mẽ về tư duy phát triển. Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng chỉ rõ, xã hội hóa trong đầu tư hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn, trong đó, lớn nhất chính là những rào cản đến từ những thủ tục, cơ chế, chính sách hiện hành. Làm thế nào để huy động mạnh mẽ mọi nguồn lực, thu hút các nhà đầu tư vào phát triển kết cấu hạ tầng trong giai đoạn tới, không cách nào khác là phải tạo thuận lợi cho họ về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính. Đối với Dak Lak, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã triển khai mô hình một cửa, một cửa liên thông tại 100% đơn vị hành chính; phần lớn các huyện, thị xã, thành phố và một số sở, ngành trực thuộc UBND tỉnh đã triển khai thực hiện mô hình một cửa điện tử. Có thể nói, cải cách hành chính, mở ra cơ hội giải quyết sự vụ thông thoáng cho người dân, cũng như tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng cho doanh nghiệp đã góp phần thay đổi dần vị thế, thang bậc về chỉ số cải cách hành chính và thu hút đầu tư cho địa phương. Từ năm 2012 đến nay, Dak Lak luôn được xếp loại khá về chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh (PAR INDEX), dẫn đầu khu vực Tây Nguyên trong bảng xếp hạng này.
Thi công đường vành đai phía Tây TP. Buôn Ma Thuột. |
Có thể nói, thủ tục hành chính, cơ chế, chính sách là “chìa khóa” để mở ra cơ hội cho nhà đầu tư, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết thì như Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh tại hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 2 năm thực hiện Nghị quyết 13 vào cuối tháng 4-2015, thời gian tới, để tiếp tục tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện các dự án đầu tư, Chính phủ sẽ đề nghị Quốc hội tiếp tục ưu tiên và sửa đổi, hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm huy động mạnh mẽ hơn nữa các nguồn lực đầu tư của toàn xã hội cũng như vốn đầu tư nước ngoài, đồng thời nâng cao năng lực quản lý sử dụng có hiệu quả các nguồn lực vào đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, bảo đảm lợi ích hài hòa cho nhà đầu tư…
Lê Hương
Ý kiến bạn đọc