Thực hiện Đề án 1438 về chống thất thu thuế thu nhập doanh nghiệp: Không thành công, vì sao?
Đề án 1438 được xây dựng trong bối cảnh Nhà nước đưa mặt hàng cà phê vào diện không phải kê khai thuế GTGT đầu ra khiến việc quản lý các doanh nghiệp (DN) kinh doanh trong lĩnh vực này chỉ còn tập trung vào thuế TNDN. Theo đó, những DN có tỷ suất thu nhập cộng thêm (TNCT)/doanh thu đạt 0,3% trở lên thì phải đóng thuế TNDN. Tuy nhiên, sau 3 quý thực hiện Đề án 1438, toàn tỉnh có 518 DN kinh doanh cà phê, trong đó 337 DN có doanh thu, trong 9 tháng, doanh thu của các DN này đạt 38.160 tỷ đồng, tỷ suất TNCT/doanh thu của DN lãi là 0,44%, DN lỗ 0,69%. Phân ngưỡng theo tỷ suất TNCT, có 168 lượt DN/quý đạt ngưỡng 0,3% (16,6%), có 844 lượt DN/quý không đạt và lỗ (83,4%). Với kết quả như trên có thể thấy, DN kinh doanh cà phê có mua hàng theo bảng kê thì tỷ lệ đạt ngưỡng là quá thấp, chưa tương xứng với kỳ vọng và mục tiêu mà ngành thuế hướng tới. Theo Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bùi Văn Chuẩn, về cơ bản, mục đích của Đề án 1438 là rất tốt khi hạn chế được phần nào thất thu thuế TNDN. Tuy nhiên, bên cạnh yếu tố khách quan là đề án này ra đời khi giá cà phê xuống thấp, nhiều DN kinh doanh cà phê gặp khó khăn, thua lỗ nên không bảo đảm đạt ngưỡng 0,3% thì yếu tố chủ quan cũng là nguyên nhân không nhỏ khiến đề án thất bại. Ông Bùi Văn Chuẩn phân tích, đề án này chỉ mang tính chất vận động chứ không có tính pháp lý, do vậy nếu DN không hợp tác thì ngành thuế cũng khó xử lý. Bên cạnh đó, ngay bản thân ngành thuế cũng thiếu nhất quán trong việc triển khai, có nhiều đơn vị thậm chí còn không triển khai thực hiện hoặc chưa làm tốt công tác vận động người nộp thuế tự giác thực hiện. Một rào cản nữa đối với đề án này là đã phát sinh thêm các thủ tục hành chính trong khi ngành thuế đang nỗ lực cải cách thủ tục hành chính. Ông Chuẩn cho rằng, giá như ngay trong quá trình xây dựng Đề án 1438, ngành thuế vận động, tranh thủ được sự tham gia của các DN thì sẽ sát thực tế và bảo đảm tính khả thi hơn.
Để khắc phục những nhược điểm của Đề án 1438, ngày 24-3-2015, Cục Thuế tỉnh đã triển khai Đề án 521/ĐA-CT về đổi mới công tác tổ chức thu để nâng cao hiệu quả chống thất thu thuế TNDN đối với hoạt động kinh doanh cà phê mua theo bảng kê (gọi tắt là Đề án 521). Đề án này không chỉ hạ ngưỡng tỷ suất TNCT/doanh thu xuống 0,2% mà còn thực hiện phân nhóm DN để có sự theo dõi chặt chẽ đối với nhóm DN có rủi ro cao; lập dự kiến thu để trong trường hợp tỷ suất TNCT/doanh thu dưới ngưỡng 0,2% sẽ có biện pháp đấu tranh, hiệp thương; đặc biệt, Cục Thuế tỉnh đã giao chỉ tiêu thu đến từng đơn vị và đưa mức độ hoàn thành chỉ tiêu này vào việc tổng hợp đánh giá năng lực lãnh đạo, điều hành của cán bộ quản lý. Rõ ràng đây là những biện pháp mạnh nhằm chống thất thu thuế TNDN trên địa bàn. Mặc dù vậy, phải xác định rằng, chỉ nỗ lực của ngành thuế không là chưa đủ mà phải có sự cộng tác tích cực của cộng đồng DN, do vậy cần phải tăng cường thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, giúp DN hiểu rõ hơn về bản chất và hiệu quả mà đề án này mang lại.
Đồng thời, Cục Thuế tỉnh cũng đã và đang xây dựng, triển khai hàng loạt đề án ở nhiều lĩnh vực khác nhau: sử dụng hóa đơn của DN kinh doanh vật liệu xây dựng; khai thác cát và đất sản xuất gạch; kinh doanh thuốc tây và thiết bị y tế... Hy vọng với những biện pháp tích cực đó, ngành Thuế sẽ tránh được những lãng phí về thời gian và tiền bạc xây dựng đề án mà kết quả mang lại không được như mong muốn.
Giang Nam
Ý kiến bạn đọc