Multimedia Đọc Báo in

Trở thành tỷ phú nhờ giỏi làm kinh tế tổng hợp

09:11, 11/05/2015
Do ở quê đất chật, làm ăn khó khăn nên năm 1988, chị Nguyễn Thị Tường Vân cùng chồng là anh Bùi Văn Hà rời quê hương Bình Định đến lập nghiệp tại thôn 2B, xã Ea H’leo (huyện Ea H’leo).

Chân ướt chân ráo đến vùng đất mới, vợ chồng chị Vân đối mặt với muôn vàn khó khăn: thiếu vốn đầu tư, thiếu kinh nghiệm sản xuất, con còn nhỏ. Dựng xong túp lều để có chỗ ở tạm, vay mượn ít tiền của bạn bè, họ hàng, anh chị mua hơn 1 ha đất rẫy trồng cà phê xen tiêu. Để có miếng ăn trước mắt và lấy ngắn nuôi dài, trên diện tích cây chưa khép tán, anh chị tận dụng trồng hoa màu. Khi rỗi việc, chị Vân đạp xe vào các buôn đổi từng lon đậu xanh, ký ngô, quả bí, con gà về bán kiếm lời, chung sức cùng chồng chăm lo phát triển kinh tế gia đình. Nhờ chịu khó bám rẫy nương, biết áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên hơn 1 ha cà phê xen tiêu phát triển xanh tốt, không nhiễm dịch bệnh gây hại, đến năm 2002 cho thu hoạch 5 tấn cà phê nhân, cộng thêm khoản thu từ cây tiêu, gia đình chị Vân thu lợi 140 triệu đồng.

Vợ chồng chị Nguyễn Thị Tường Vân  đang chăm sóc vườn tiêu.
Vợ chồng chị Nguyễn Thị Tường Vân đang chăm sóc vườn tiêu.

Là người biết nhìn xa trông rộng, thấy rõ tiềm năng đất đai trên quê mới rất phù hợp với các loại cây công nghiệp lâu năm có giá trị về kinh tế, nên khi có chút vốn nào chị Vân lại thuyết phục chồng mua thêm đất, trụ, mở rộng diện tích hồ tiêu. Sau nhiều năm cần mẫn trên rẫy nương, đến nay gia đình chị Vân đã xây dựng thành công mô hình kinh tế trang trại với quy mô: 2 ha cà phê kinh doanh  mỗi năm thu hoạch hơn chục tấn nhân khô; trên 10 ha hồ tiêu, trong đó 5.000 trụ đã cho thu hằng năm từ 17-20 tấn hạt tiêu, diện tích còn lại đang kiến thiết cơ bản. Chia sẻ về kinh nghiệm chăm sóc cây tiêu, chị Vân cho biết: “Tiêu dễ trồng nhưng cũng nhiều rủi ro do lắm bệnh, nhất là dịch thối cổ rễ, nấm hồng, bệnh chết nhanh, chết chậm. Vợ chồng tôi chịu khó tham khảo kiến thức chăm sóc cây trong sách báo. Khi trồng và chăm sóc tiêu, chúng tôi hạn chế đến mức thấp nhất việc dùng phân hóa học, tăng cường phân vi sinh, phân hữu cơ đã xử lý kỹ càng, tuyệt đối không dùng thuốc trừ cỏ bởi việc thúc phân vô cơ quá mức cần thiết và lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật sẽ  khiến vườn tiêu nhanh xuống cấp, dễ nhiễm bệnh vì đất bạc màu, mất cân bằng sinh thái tự nhiên”.

Không dừng lại ở đó, là người năng động nên từ năm 2004 đến nay, chị Vân đã mạnh dạn đầu tư mở đại lý kinh doanh phân bón, điện thoại di động, hàng tạp phẩm các loại. Từ năm 2009 đến nay, mỗi năm anh chị có tổng thu nhập hơn 2 tỷ đồng, sau khi trừ các khoản đầu tư, chi phí. Vợ chồng chị Vân còn nhiệt tình, sẵn lòng giúp đỡ người nghèo, hộ khó khăn ở địa phương. Hằng năm anh chị bán nợ phân bón, vật tư nông nghiệp, gạo, hàng hóa thiết yếu khác với tổng trị giá hàng chục, trăm triệu đồng cho nhiều hộ nghèo ở địa phương, chờ đến khi họ thu xong mùa vụ, có đủ điều kiện mới thu nợ. Anh chị còn góp phần tạo công ăn việc làm với mức thu nhập ổn định cho hàng chục lao động địa phương. Liên tục nhiều năm qua, gia đình chị Vân được huyện, xã biểu dương, khen thưởng về thành tích sản xuất - kinh doanh giỏi. Tháng 4-2015 vừa qua, chị Nguyễn Thị Tường Vân đã vinh dự được báo cáo điển hình tại Đại hội thi đua yêu nước lần thứ 2 của huyện Ea H’leo.

 Ngọc Tài


Ý kiến bạn đọc