Để nghề sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu phát triển ổn định, bền vững
Hiệu quả kinh tế từ nấm
Nghề trồng nấm ăn, nấm dược liệu được xem là loại hình sản xuất phù hợp với địa bàn có nguồn đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp như TP. Buôn Ma Thuột. Vì thế, hằng năm UBND TP. Buôn Ma Thuột đã đưa mô hình sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu vào Kế hoạch công tác khuyến nông và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn. Đến nay, UBND thành phố đã hỗ trợ, đầu tư phát triển và nhân rộng hơn 30 mô hình gồm hợp tác xã (HTX) và trang trại, lán trại (lớn, nhỏ) sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu mang lại hiệu quả kinh tế cao cho địa phương. Riêng ở 4 phường trung tâm thành phố đã có đến 26 hộ sản xuất nấm (phường Tân Lập 9 trại, Ea Tam 5 trại, Khánh Xuân 7 trại và Tự An 5 trại).
Điển hình như HTX sản xuất nấm Hà Hương (tại khối 9, phường Tự An, TP. Buôn Ma Thuột) đã phát triển ổn định qua nhiều năm trong khi rất nhiều HTX nông nghiệp hoạt động kém hiệu quả, phải ngưng hoạt động hoặc buộc phải giải thể. HTX Hà Hương không những mang lại lợi nhuận cao (thu nhập từ 500-700 triệu đồng/năm) mà còn góp phần tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho 50 hộ xã viên tại địa phương, trong đó có 34 hộ xã viên dân tộc thiểu số. Đến nay, HTX đã nuôi cấy thành công nhiều loại giống nấm, có thể đáp ứng nhu cầu về giống nấm cho các hộ sản xuất trong tỉnh. Ngoài ra, HTX Hà Hương còn đào tạo nghề trồng nấm cho hơn 250 học viên, hầu hết là nông dân nghèo trong tỉnh; trong đó, khoảng 30% số người học nghề đã sống tốt bằng nghề trồng nấm.
Anh Trương Tố Hà, Chủ nhiệm HTX sản xuất nấm Hà Hương trong trại nấm của HTX. |
Từng là xã viên của HTX sản xuất nấm Hà Hương, sau thời gian học hỏi và tách ra xây dựng trang trại sản xuất nấm, anh Trương Văn Chúc (cư trú tại khối 4, phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột) đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu và trở thành điển hình nông dân vừa được UBND TP. Buôn Ma Thuột tuyên dương. Từ hai bàn tay trắng, đến nay tổng vốn đầu tư của anh Chúc cộng dồn lên đến gần 4 tỷ đồng; quy mô gồm 10 lán trại trên diện tích 5.800 m2 đang sản xuất nhiều loại nấm khác nhau như nấm sò, nấm mộc nhĩ, nấm bào ngư, nấm rơm, đặc biệt là nấm Linh chi có giá trị kinh tế cao. Cơ sở của anh Chúc cũng tự sản xuất các loại giống nấm để vừa nuôi trồng vừa cung cấp giống cho thị trường, gia đình cũng đã dầu tư các thiết bị sơ chế như lò sấy nấm, máy hút chân không… Mỗi năm, trừ chi phí đầu tư gia đình anh Chúc có thu nhập từ 300 – 350 triệu đồng. Bên cạnh đó, trang trại nấm của anh còn tạo việc làm cho 8 - 10 lao động với mức thu nhập từ 3-6 triệu đồng/tháng.
Cần định hướng để nghề trồng nấm phát triển ổn định
Hiện tại các sản phẩm nấm sản xuất được trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột chủ yếu cung cấp cho các tiểu thương tại các chợ địa bàn và một vài tiểu thương các tỉnh khác đặt hàng tùy lúc, chưa có đơn vị nào bao tiêu ổn định nên các cơ sở sản xuất nấm vẫn dè dặt trong đầu tư phát triển. Bên cạnh đó khó khăn nhất vẫn là nguồn vốn mở rộng sản xuất.
Tỉnh cũng chưa có chủ trương hoặc chính sách đặc thù hỗ trợ xây dựng dự án nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ cao cho sản xuất nấm như xây dựng nhà kính, cơ sở nuôi cấy phôi hiện đại, lò khử trùng, phòng cấy giống, phòng nuôi sợi...; chưa ứng dụng các kỹ thuật liên quan trong nuôi trồng nấm như khâu sát trùng các thiết bị, vật tư trong sản xuất; chưa đào tạo đội ngũ khuyến nông có kiến thức chuyên sâu trong sản xuất nấm. Vì thế, TP. Buôn Ma Thuột nói riêng và toàn tỉnh nói chung chưa sản xuất được các loại nấm có giá trị kinh tế cao mà thị trường đang có nhu cầu như nấm bào ngư, nấm kim châm, ngọc châm, nấm đùi gà, nấm mỡ, nấm chân dài... (hiện vẫn phải nhập từ các tỉnh khác). Trong khi đó, những sản phẩm nấm đang sản xuất trên địa bàn vẫn chưa đạt chất lượng cao (hiện tượng nấm tạp và nấm hư hỏng phát sinh còn nhiều), còn phụ thuộc vào rủi ro do thời tiết gây nên. Quy mô sản xuất đa số là nhỏ lẻ, người sản xuất học hỏi kiến thức sơ bộ từ mô hình sản xuất nhỏ của chương trình khuyến nông hỗ trợ triển khai, rồi tự nhân rộng. Nông dân tự nghiên cứu nhu cầu thị trường và xây dựng kế hoạch sản xuất, vẫn đối mặt với những rủi ro về giá cả. Ngoài ra, phế thải sau thu hoạch nấm chưa có quy trình công nghệ xử lý cũng gây ra những lãng phí lớn.
Thiết nghĩ, để phát triển nghề trồng nấm thành ngành nghề sản xuất hàng hóa, cần tìm những giải pháp hợp lý để có định hướng phát triển ổn định. Tỉnh nên có chủ trương xây dựng hình thành các vùng sản xuất nấm tập trung; gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất với tiêu thụ; xây dựng mục tiêu cụ thể trong từng giai đoạn phát triển sản xuất nấm về cơ sở sản xuất, thu mua, chế biến…; đầu tư phát triển, đào tạo nhân lực, chuyển giao công nghệ sản xuất nấm; tổ chức tiêu thụ, xây dựng mạng lưới giới thiệu sản phẩm; tăng cường thông tin tuyên truyền; ứng dụng phát triển khoa học và công nghệ đối với sản xuất nấm… Bên cạnh đó, cần có chính sách đặc thù hỗ trợ các dự án ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nấm; chú trọng nghiên cứu việc sử dụng nguồn phế phẩm nông nghiệp làm nguyên liệu nuôi trồng nấm như: rơm rạ, mùn cưa cao su, bã mía, thân lõi ngô, vỏ cà phê…; nghiên cứu quy trình công nghệ xử lý phế thải sau thu hoạch nấm tạo nguồn phân bón hữu cơ hiệu quả cho cây trồng.
Cẩm Lai
Ý kiến bạn đọc