Multimedia Đọc Báo in

Nghề chế biến lúa gạo ở Krông Ana

08:34, 08/06/2015

Những năm gần đây, hoạt động xay xát lúa ở huyện Krông Ana phát triển khá mạnh, với hàng trăm cơ sở lớn nhỏ, tập trung chủ yếu tại thị trấn Buôn Trấp, xã Bình Hòa, Quảng Điền và Dur Kmăl. Tuy chưa đủ khả năng chế biến hết toàn bộ sản lượng lúa tại chỗ, nhưng các cơ sở này cũng đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao giá trị hạt gạo của địa phương.

Ông Trần Đình Phi bên hệ thống xay xát của gia đình. Bốc xếp gạo tại cơ sở xay xát của anh Nguyễn Văn Hương.
Ông Trần Đình Phi bên hệ thống xay xát của gia đình

Qua giới thiệu của Hội nông dân thị trấn Buôn Trấp, chúng tôi ghé thăm cơ sở xay xát lương thực lớn nhất tại địa phương nằm trên đường Hùng Vương (tổ dân phố 4) lúc gần trưa, các công nhân đang đóng gạo vào bao, phía ngoài, mấy chiếc xe tải vào ra liên tục để bốc hàng chở đi tiêu thụ. Ông chủ Trần Đình Phi người dính đầy bụi cám, cũng đang xắn tay áo tất bật kiểm đếm lượng hàng xuất ra. Nhấp chén trà lúc giải lao, ông Phi bộc bạch: Lớn lên trên vựa lúa Buôn Trấp, ông luôn trăn trở vì lúa của bà con nông dân vất vả làm ra phần lớn chưa được chế biến mà chủ yếu bán cho thương lái chở đi các địa phương khác, giá cả bấp bênh, thu nhập của người trồng lúa chẳng được là bao. Từ đầu những năm 2000, ông Phi xuống miền Tây, lang thang khắp các tỉnh thu mua gạo đem về Dak Lak bán để nuôi sống gia đình. Nhận thấy gạo ở vùng sông nước miền Tây được bán với giá cao, ông Phi muốn làm cho hạt lúa Krông Ana có giá trị hơn qua việc chế biến thành gạo. Nghĩ là làm, năm 2007, ông mua máy xay xát và thu gom lúa của người dân xung quanh về xát gạo đem bán. Gạo ở đây ngon, người tiêu dùng ưa chuộng, nên xay ra bao nhiêu đều được tiêu thụ hết, cơ sở xay xát của ông ăn nên làm ra. Từ đó, ông Phi mở xưởng chế biến lúa gạo quy mô công nghiệp, gồm máy xát, nghiền, đánh bóng gạo, công việc tiến triển tốt, đến nay, ông đã đầu tư hơn 2 tỷ đồng để đổi mới máy móc, thiết bị, nâng cấp dây chuyền chế biến công suất 6 tấn gạo/giờ, đặc biệt, hệ thống có thể tự động loại hạt bị gãy, nên tỷ lệ gạo không lẫn tấm gần như đạt 100%. Sản phẩm gạo của cơ sở mang tên Phi Cúc không những được tiêu thụ ở thị trường nội tỉnh mà còn được xuất bán đi Gia lai, Kon Tum, Dak Nông, Bình Phước, Phú Yên và Khánh Hòa, với khối lượng 30 tấn/ngày.

. Bốc xếp gạo tại cơ sở xay xát của anh Nguyễn Văn Hương.
. Bốc xếp gạo tại cơ sở xay xát của anh Nguyễn Văn Hương.

Tương tự, cơ sở chế biến lúa gạo của bà Hoàng Thị Điệp cũng là một trong những cơ sở xay xát quy mô lớn ở địa phương, với dây chuyền công suất 2 tấn gạo/ngày, mỗi năm xuất ra thị trường khoảng 500 tấn gạo. Theo bà Điệp, nghề này không có lãi lớn vì trên thị trường có rất nhiều loại gạo, cạnh tranh gay gắt, nhưng nhờ gạo Krông Ana có ưu điểm thơm, ngon, thị trường tiêu thụ ổn định trong tỉnh nên thu nhập khá đều đặn. Bên cạnh đó, cơ sở của bà còn tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động tại địa phương với thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng/người/tháng. Bà Điệp chia sẻ, bà con nông dân thường gặp phải tình trạng được mùa mất giá hoặc được giá mất mùa, việc mua lúa về chế biến của bà vừa phát triển kinh tế gia đình vừa góp phần giảm một phần thiệt thòi cho người nông dân.

Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Hương, thôn 2, xã Quảng Điền (Krông Ana) cũng đầu tư dây chuyền xay xát từ năm 2008, đến nay là một trong những cơ sở xay xát lúa lớn nhất ở huyện Krông Ana. Lúc đầu, anh chỉ phục vụ việc xay gạo cho một số bà con hàng xóm để kiếm thu nhập trang trải cuộc sống gia đình, dần dần nhận thấy việc xay xát gạo có thu nhập cao, anh đầu tư nâng công suất máy, mở rộng nhà xưởng và thu mua lúa về xay rồi đem gạo bán. Hiện anh đã có dây chuyền máy xay công suất 6 tấn lúa/giờ, với hệ thống xay tách vỏ, chà và đóng bao hoàn chỉnh. Trung bình mỗi ngày xưởng của anh chế biến được khoảng 50 tấn gạo, bên cạnh tiêu thụ trong tỉnh, gạo của cơ sở còn xuất ra thị trường các tỉnh Nam Trung Bộ 25 tấn. Với mô hình này, mỗi năm gia đình anh thu nhập hàng trăm triệu đồng; tạo việc làm cho 14 lao động tại địa phương với thu nhập ổn định 4,5 triệu đồng/tháng.

Krông Ana là một trong những vựa lúa lớn của tỉnh nhờ phù sa của dòng Krông Na tạo nên những cánh đồng rộng bao la, năng suất lúa bình quân đạt hơn 7 tấn/ha. Gạo ở vùng này có ưu điểm dai cơm, hạt nhỏ, thơm dẻo nên được thị trường ưa chuộng. Các cơ sở xay xát gạo đã góp phần tăng giá trị của hạt gạo thơm Krông Na, tuy nhiên, hạn chế trong nghề chế biến lúa gạo ở địa phương là các nhà máy xay xát lúa quy mô nhỏ, khả năng chế biến mới chỉ đáp ứng được khoảng 30% tổng sản lượng lúa và chưa có thương hiệu gạo chính thức để nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường.

 Minh Thông


Ý kiến bạn đọc