Multimedia Đọc Báo in

Nhiều nông dân ở M'Drak thoát nghèo nhờ cây hồ tiêu

07:01, 05/07/2015

Những năm gần đây, nhờ mạnh dạn chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng hồ tiêu mà nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện M’Drak đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng.

Từ Hải Dương vào M’Drak lập nghiệp từ năm 1986, gia đình ông Vũ Đình Thi (thôn 1, xã Krông Á) đã trải qua nhiều mô hình kinh tế như trồng lúa nước, trồng mía, nuôi bò… dù năng suất ổn định nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2009, ông Thi khăn gói đi Bình Phước học hỏi kinh nghiệm trồng tiêu và mạnh dạn đầu tư trồng 450 trụ tiêu giống Vĩnh Linh trên diện tích 3.000 m 2 đất vườn. Lúc đầu, trong giai đoạn thử nghiệm, việc áp dụng kỹ thuật còn hạn chế nên cây phát triển chậm, sinh trưởng kém. Tuy nhiên, nhận thấy hiệu quả kinh tế từ việc trồng loại cây này mang lại khá cao so với các cây khác, trung bình mỗi năm ông Thi trồng thêm 100 – 200 trụ tiêu, đồng thời chịu khó học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc để từng bước cải thiện năng suất. Đến nay, ông đã có vườn hồ tiêu hơn 1.100 gốc, trong đó có 450 gốc tiêu kinh doanh cho năng suất cao, ổn định, mang lại thu nhập bình quân trên 200 triệu đồng/năm (sau khi trừ chi phí), giúp gia đình ông ổn định kinh tế, trở thành hộ khá giả trong vùng. Với gia đình bà Nguyễn Thị Xoan (xã Krông Á), cây tiêu đã trở thành cây xóa đói giảm nghèo. Trước đây, cuộc sống gia đình bà Xoan rất khó khăn, phụ thuộc hoàn toàn vào 2 sào lúa nước; ông bà suốt ngày làm lụng vất vả nhưng đói nghèo vẫn đeo bám nên con cái không có điều kiện ăn học đến nơi đến chốn. Năm 2010 – 2011, khi thấy nhiều người thoát nghèo nhờ trồng tiêu, gia đình bà Xoan mạnh dạn cải tạo diện tích vườn tạp và cây màu, đầu tư trồng 600 trụ tiêu. Không phụ công chăm bón, những gốc hồ tiêu ngày càng phát triển, luôn cho giá trị và sản lượng cao, đến năm 2015, vườn tiêu 5 năm tuổi của gia đình bà đã cho thu hoạch hơn 1 tấn hạt tiêu khô, với giá thị trường dao động từ 160.000-190.000 đồng/kg (tùy thời điểm) mang lại cho gia đình bà Xoan tổng thu nhập gần 200 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí đầu tư, bà Xoan đã trả bớt được nợ nần, mua sắm nhiều vật dụng sinh hoạt, cuộc sống cải thiện hơn trước nhiều.
Gia đình anh Nguyễn Văn Hùng (thôn 7, xã Ea Lai) có 1 ha tiêu,  trong đó có khoảng 700 trụ trong thời kỳ kinh doanh, mang lại thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng.
Gia đình anh Nguyễn Văn Hùng (thôn 7, xã Ea Lai) có 1 ha tiêu, trong đó có khoảng 700 trụ trong thời kỳ kinh doanh, mang lại thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng.

Cây hồ tiêu được người dân mạnh dạn đưa vào trồng thử nghiệm trên địa bàn xã Ea Lai vài năm gần đây, với diện tích thời điểm năm 2011 khoảng 50 ha. Trong những năm qua, loại cây trồng này đã chứng tỏ khả năng thích nghi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương, mang lại hiệu quả kinh tế cao và thu nhập ổn định cho người trồng tiêu. Vì vậy, ngày càng có nhiều hộ nông dân chuyển đổi sang trồng loại cây này. Năm 2014, huyện M’Drak có 281 ha cây hồ tiêu (đạt 92,46% kế hoạch), tập trung ở các xã Ea Lai 148 ha, Ea Mdoal 40 ha, Ea Riêng 30 ha, Krông Á 26,7 ha, Cư Prao 21,5 ha, Ea Pil 9 ha…; trong đó, diện tích kinh doanh 120 ha, năng suất đạt 36 tạ/ha, sản lượng 430,2 tấn, tăng 181,6 tấn so với năm 2013. Đến năm 2015, huyện M’Drak có khoảng 361 ha hồ tiêu, trong đó, diện tích kinh doanh (bước vào thời kỳ thu hoạch) là 204 ha, năng suất ước đạt 36,2 tạ/ha, sản lượng 738,5 tấn, tăng hơn 300 tấn so với năm 2014.

Thực tế cho thấy, trồng hồ tiêu là hướng làm ăn mới, nhiều gia đình nhờ trồng tiêu đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu, ngày càng nhiều tỷ phú hồ tiêu xuất hiện ở các xã trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, để cây tiêu phát triển mang tính bền vững và thật sự trở thành cây xóa đói, giảm nghèo ở địa phương, thiết nghĩ cấp ủy, chính quyền địa phương cần có chính sách, giải pháp phù hợp để quy hoạch, nhân rộng diện tích. Đồng thời, chú trọng tuyên truyền, vận động và hướng dẫn bà con chuyển đổi cây trồng đúng hướng: chỉ chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả hay diện tích hoang hóa có điều kiện thổ nhưỡng phù hợp với cây tiêu; chỉ được mở rộng diện tích trồng tiêu ở những khu vực được quy hoạch; chú ý giữ thế đa canh, không nên trồng quá ồ ạt hoặc phát triển diện tích quá lớn trong một hộ gia đình để tránh những rủi ro về sau bởi giá hồ tiêu vẫn phụ thuộc vào giá cả của thị trường thế giới.

Thu Nguyệt


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.