Multimedia Đọc Báo in

Bài học qua một vụ thanh tra tài chính ở xã Quảng Tiến

09:47, 25/09/2015
Tại Kết luận số 56/KL-TTr của Thanh tra huyện Cư M’gar cho thấy, trong 2 năm 2013-2014, UBND xã đã làm khống chứng từ mua tài sản với số tiền 12,9 triệu đồng.
 
Cụ thể, ngày 19-12-2013, xã Quảng Tiến đã ký hợp đồng mua bàn tủ văn phòng với ông Nguyễn Thành Long tại Hợp đồng mua bán số 02/HHĐKT gồm 1 bàn làm việc, 2 tủ hồ sơ, với số tiền là 10,3 triệu đồng, do ông Đặng Viết Vinh (công chức văn phòng) đứng tên người mua và đến ngày 12-8-2014 xã chuyển khoản cho người bán tại chứng từ số 58; tuy nhiên, kiểm tra tại trụ sở UBND xã thì không hề có những tài sản nêu trên. Qua làm việc, ông Vinh khai nhận việc mua bán này là không có mà chỉ làm khống hồ sơ để rút tiền, chi cho các cá nhân tại bộ phận một cửa. Tiếp đó, ngày 19-7-2014, UBND xã Quảng Tiến lại tiếp tục ký hợp đồng mua bàn, tủ văn phòng với ông Nguyễn Thành Long tại Hợp đồng mua bán số 55/HHĐKT, với số tiền là 7,5 triệu đồng gồm 1 bàn làm việc và 1 tủ hồ sơ cũng do ông Đặng Viết Vinh đứng tên mua hàng. Khai nhận với đoàn kiểm tra, ông Vinh cho biết thực tế chỉ mua 1 tủ hồ sơ với đơn giá 4,9 triệu đồng, còn bàn làm việc 2,6 triệu đồng là làm khống chứng từ; số tiền trên đã sử dụng chi tiếp khách theo chỉ đạo của ông Đào Duy Bảy (nguyên Chủ tịch UBND xã).
Đường liên xã Quảng Tiến - Ea Đrơng được làm bằng nguồn vốn  ngân sách huyện, nhưng xã Quảng Tiến vẫn huy động người dân  đóng góp sai quy định.
Đường liên xã Quảng Tiến - Ea Đrơng được làm bằng nguồn vốn ngân sách huyện, nhưng xã Quảng Tiến vẫn huy động người dân đóng góp sai quy định.

Không chỉ dừng lại ở việc làm khống chứng từ, UBND xã còn chi khống, chi sai phụ cấp đối với một số trường hợp, thậm chí thanh toán 2 lần đối với một chế độ. Đơn cử, từ tháng 9-2012 đến tháng 12-2014, UBND xã đã chi phụ cấp cho ông Hoàng Gia Thiện, Phó Giám đốc Trung tâm học tập cộng đồng số tiền hơn 9,2 triệu đồng, nhưng qua xác minh ông Thiện đã không nhận số tiền trên. Đặc biệt, từ tháng 6-2012 đến tháng 12-2014, xã đã chi khống phụ cấp hơn 15 triệu đồng cho ông Nguyễn Ngọc Minh, nhưng thực tế ông Minh cũng không hề nhận số tiền trên. Qua làm việc, kế toán và thủ quỹ xác nhận, toàn bộ số tiền trên đang tồn tại quỹ tiền mặt của thủ quỹ. Năm 2012, xã lại thanh toán 2 lần trực Tết Nguyên đán, với số tiền trên 37 triệu đồng. Cụ thể: ngày 15-3-2012, chi quốc phòng trực trước và sau Tết 2012 trên 18,7 triệu đồng, đến 30-3-2013 lại tiếp tục chi tiền trực Tết 2012 hơn 18,6 triệu đồng. Cả 2 chứng từ trên đều do ông Phạm Hưng Nhân (xã đội trưởng đứng tên đề nghị thanh toán). Qua làm việc của Thanh tra huyện, ông Nhân giải trình đầu năm 2012, ông có làm chứng từ đề nghị thanh toán chế độ trực Tết và đã ký nhận số tiền hơn 18,7 triệu đồng, còn lại số tiền 18,6 triệu đồng thì ông không hề nhận. Thực tế, chứng từ liên quan đến số tiền trên đã thanh toán và vào sổ quỹ tiền mặt của xã, nhưng chưa chi cho ông Nhân.

Ngoài việc lập chứng từ chi khống, ông Phan Thanh Quý, Chánh Thanh tra huyện Cư M’gar cho biết, qua thanh tra, tổng số tiền UBND xã Quảng Tiến đã chiếm dụng, chi sai mục đích trên 1 tỷ đồng, trong đó từ nguồn huy động của nhân dân hơn 655 triệu đồng, nguồn ngân sách Nhà nước gần 381 triệu đồng. Cụ thể, từ năm 2002-2008, xã Quảng Tiến huy động người dân đóng góp tiền làm đường liên xã Quảng Tiến – Ea Đrơng được trên 141,8 triệu đồng, đã chi ra 8,4 triệu đồng mua lưới làm đường thôn Tiến Cường, còn lại hơn 133 triệu đồng xã chiếm dụng chi cho hoạt động thường xuyên của đơn vị. Được biết, đường liên xã trên đã được UBND huyện đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách, không có chủ trương huy động dân đóng góp nên việc làm của xã như vậy là sai với quy định. Chưa hết, từ năm 2006-2014, xã này cũng huy động nhân dân đóng góp để nhựa hóa 10 trục đường trên địa bàn, với số tiền trên 2 tỷ đồng và các nguồn thu khác trên 346,6 triệu đồng, trong đó đã chi gần 1,5 tỷ đồng, số còn lại xã không thanh toán cho các đơn vị hợp đồng làm đường mà chiếm dụng chi đầu tư xây dựng tường rào, nhà vệ sinh tại trụ sở UBND xã và hoạt động thường xuyên. Hậu quả là để nợ đọng xây dựng cơ bản của xã kéo dài, với khoản nợ trên 894 triệu đồng. Những năm 2003 – 2014, xã huy động nhân dân đóng góp tiền xây dựng nghĩa trang trên 623 triệu đồng, đã chi hơn 500 triệu đồng, đến hết tháng 12-2014 còn hơn 118 triệu đồng, trong đó tiền dùng để thuê đất nghĩa trang và tiền thu cải táng trong năm 2014 là hơn 78 triệu đồng, số tiền hơn 40 triệu đồng còn lại xã đã dùng chi cho hoạt động thường xuyên. Cùng với đó, ngày 31-3-2009, UBND xã Quảng Tiến đã ký hợp đồng số 01/HĐ-XD về việc thi công xây dựng tường rào nghĩa trang với Công ty TNHH Nam Phú, giá trị hợp đồng 155 triệu đồng, nhưng qua kiểm tra thực tế tại công trình cho thấy, Công ty này đã thi công thiếu khối lượng tương đương số tiền gần 10 triệu đồng, nhưng vẫn được xã thanh toán đầy đủ.

Với các sai phạm trên, Huyện ủy Cư M’gar đã thi hành kỷ luật đối với các cán bộ có liên quan trách nhiệm ở xã Quảng Tiến. Tuy nhiên vấn đề người dân quan tâm là việc cố ý làm trái quy định của Nhà nước về công tác quản lý tài chính ngân sách trong thời gian dài với số tiền lớn, trong đó có số tiền người dân đóng góp để xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Liệu rằng, từ nay việc huy động đóng góp tại địa phương có được người dân hưởng ứng khi mà niềm tin trong họ đã bị đánh mất? Ngoài ra, với những vụ chi khống, nếu không được kiểm tra, làm rõ thì số tiền Ngân sách bị chi khống đó chắc chắn sẽ bị chiếm đoạt, phải chăng đây là dấu hiệu của hành vi tham nhũng?

Vụ việc trên đây cũng là bài học sâu sắc cho nhiều địa phương khác trong công tác quản lý tài chính ngân sách. Các địa phương cần tăng cường công tác thanh, kiểm tra thường xuyên, đột xuất đối với tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm để ngăn chặn kịp thời không để xảy ra hậu quả lớn.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc