Dấu ấn từ những đề án khuyến công
Thời gian qua, những mô hình, đề án khuyến công đã phát huy hiệu quả tích cực trong thực tiễn, góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tại các địa phương, nhất là ở vùng nông thôn trong tỉnh.
Nghề sản xuất bánh tráng ở xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn được hình thành vào những năm 1980 từ những hộ dân tại các thôn 5, 6, 7 là xã viên Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Hòa Nhơn. Việc phát triển nghề này đã góp phần giải quyết được nạn phá rừng, lấy củi đốt than, tận dụng thời gian lao động nhàn rỗi tại địa phương; được UBND tỉnh công nhận làng nghề năm 2011. Tuy nhiên, các cơ sở sản xuất bánh tráng ở đây hầu hết có quy mô nhỏ lẻ, sản xuất thủ công, các xã viên thiếu nguồn vốn đầu tư máy móc hiện đại nên chất lượng sản phẩm chưa cao. Đầu năm 2015, Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công Thương) đã chuyển giao cho HTX đề án Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong dây chuyền sản xuất bánh tráng, công suất 30 kg nguyên liệu/giờ, tổng kinh phí 165 triệu đồng bằng hình thức hỗ trợ không hoàn lại trên cơ sở đầu tư máy móc thiết bị mới 100%. Sau khi đưa vào hoạt động, đề án đã đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật trong quy trình sản xuất bánh tráng, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, từ đó nâng cao năng lực sản xuất cho HTX. Nếu làm thủ công từ sáng đến tối, một hộ gia đình chỉ làm được tối đa 600 – 800 bánh, còn làm bằng máy, trong vòng 5 giờ, công suất tăng lên gấp 10 lần (6.000 – 8.000 bánh). Bên cạnh đó, đề án cũng tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động nông thôn, góp phần cải thiện đời sống vật chất cho người lao động cũng như phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Dây chuyền cán tôn của Công ty TNHH CN&TM Long Vân chi nhánh Krông Bông được hỗ trợ bằng nguồn vốn khuyến công. |
Cũng trong kế hoạch khuyến công địa phương năn 2015, Trung tâm Khuyến công đã thẩm định và thực hiện đề án Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị sấy nông sản, công suất 7-8 tấn/mẻ (loại máy đảo trộn tự động) cho hộ Lê Thị Thanh Thúy, thôn 1, xã Dliê Yang, huyện Ea H’leo với tổng kinh phí 180 triệu đồng (trong đó, kinh phí khuyến công địa phương 70 triệu đồng). Bà Thúy cho biết, sau khi đưa vào sử dụng, máy sấy vận hành hiệu quả, thu nhập gia đình cũng tăng lên đáng kể, đồng thời giảm tổn thất và tăng giá trị nông sản lên hơn 10% so với trước đây. Còn theo Phòng NN-PTNT huyện Ea H’leo, địa phương có sản lượng nông sản hằng năm rất lớn với khoảng 150.000 tấn, trong đó, chủ yếu là cà phê, bắp. Có những vụ thời điểm thu hoạch vào mùa mưa, sản phẩm không phơi được nên bị ẩm, mốc, giảm chất lượng; tỷ lệ hư hỏng trong quá trình phơi, sơ chế, bảo quản sau thu hoạch lên đến 15 – 20% nên thường bị ép cấp, ép giá, do địa bàn huyện còn thiếu các cơ sở sấy, chế biến nông sản. Bởi vậy, đề án này đã mang lại hiệu quả thiết thực đối với hộ thụ hưởng nói riêng và sản xuất nông nghiệp của địa phương nói chung.
Tương tự, Công ty TNHH công nghiệp và thương mại Long Vân chi nhánh tại Krông Bông cũng được thụ hưởng đề án Hỗ trợ máy móc thiết bị trong dây chuyền gia công tôn, công suất 6 - 8m/phút, tổng kinh phí thực hiện 500 triệu đồng (trong đó, nguồn vốn khuyến công 100 triệu đồng). Sau khi đưa vào vận hành, dây chuyền cán tôn này đã nâng cao khả năng sản xuất của cơ sở, tạo sản phẩm tôn tại chỗ nên hạn chế chi phí vận chuyển, đồng thời tạo thêm 5 việc làm thường xuyên cho người lao động tại địa phương, với thu nhập 3,5 – 4,5 triệu đồng/người/tháng. Được biết, năm 2015, Trung tâm Khuyến công triển khai 19 đề án khuyến công địa phương trên địa bàn tỉnh, với tổng kinh phí gần 3,5 tỷ đồng, trong đó, kinh phí khuyến công hỗ trợ hơn 1,4 tỷ đồng và kinh phí đối ứng của đơn vị thụ hưởng hơn 2 tỷ đồng; đến nay, hầu hết các đề án được chuyển giao cho đơn vị thụ hưởng đều phát huy hiệu quả, qua đó hỗ trợ đắc lực cho sản xuất CN – TTCN vùng nông thôn, đặc biệt là địa bàn vùng sâu, tạo sản phẩm tại chỗ, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp và tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn.
Minh Thông
Ý kiến bạn đọc