09:25, 16/09/2015
Thời gian qua, do hạn chế về kinh phí nên hạ tầng các cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh chỉ được đầu tư theo kiểu nhỏ giọt, phần lớn vẫn còn dang dở, dẫn đến hạn chế trong việc thu hút đầu tư và khó khăn cho các doanh nghiệp (DN) đang hoạt động tại đây.
|
Đường giao thông nội bộ Cụm công nghiệp Tân An đã được đầu tư. |
Trên địa bàn tỉnh hiện có 1 khu công nghiệp và 14 CCN đã được công bố quy hoạch, với tổng diện tích hơn 875 ha, trong đó, 1 khu và 8 CCN vừa xây dựng hạ tầng vừa hoạt động. Từ đầu năm đến nay, tình hình xây dựng hạ tầng các CCN vẫn gần như đứng yên do không có kinh phí đầu tư thêm. Hiện chưa có khu, CCN nào hoàn chỉnh về hạ tầng, hệ thống giao thông nội bộ; cấp thoát nước, xử lý môi trường nhìn chung chưa bảo đảm. CCN Krông Búk 1 (huyện Krông Búk) được phê duyệt Quy hoạch chi tiết theo Quyết định số 514/QĐ-UBND, ngày 25-3-2005 của UBND tỉnh có diện tích hơn 69 ha (trong đó, đất chia lô công nghiệp hơn 48 ha, đất giao thông gần 10,5 ha, đất cây xanh, bến bãi gần 5 ha...), với các ngành nghề chủ yếu là chế biến cà phê, cao su, thức ăn gia súc, cơ khí, nhựa, phân bón vi sinh… Hiện CCN này đã có 7 dự án đầu tư đi vào hoạt động, nhưng hạ tầng kỹ thuật vẫn còn dang dở. Cụ thể, các hạng mục do UBND huyện Krông Búk làm chủ đầu tư như dò tìm, xử lý bom mìn, đền bù giải phóng mặt bằng, san nền, đường vào CCN và đường giao thông nội bộ có tổng mức đầu tư hơn 64 tỷ đồng đã cơ bản hoàn thành (riêng hạng mục kè chắn đất và cống thoát nước mới thi công được 50% khối lượng), nhưng vốn bố trí mới được hơn 45 tỷ đồng. Trong khi đó, các hạng mục còn lại do Công ty TNHH Một thành viên đầu tư và kinh doanh hạ tầng CCN Ngọc Hùng làm chủ đầu tư vẫn đang điều chỉnh lại hồ sơ thiết kế và chưa biết đến khi nào mới được triển khai. Tương tự, cơ sở hạ tầng CCN Ea Đar (huyện Ea Kar) cũng chỉ được đầu tư xây dựng một cách ì ạch vì thiếu vốn. Cụ thể, đường giao thông trục chính đang thi công dang dở và còn thiếu 1,5/7,6 tỷ đồng; hạng mục rà phá bom mìn, vật liệu nổ đã hoàn thành nhưng đang nợ 321/903 triệu đồng; cổng, tường rào CCN đang thi công dang dở và thiếu 2/5 tỷ đồng; đặc biệt hạng mục xử lý nước thải tập trung được phê duyệt từ năm 2011, với tổng số vốn gần 14,8 tỷ đồng, nhưng đến nay vẫn chưa được bố trí vốn để thi công. Theo số liệu của Sở Công thương, đến nay, tổng vốn đầu tư hạ tầng vào các khu, CCN là 422,8 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách Nhà nước hơn 302 tỷ đồng, vốn từ các DN gần 120,5 tỷ đồng. Do hạ tầng chưa đồng bộ nên việc thu hút đầu tư vào các khu, CCN gặp khó khăn, cụ thể, mới có 130 dự án đầu tư vào khu, CCN, trong đó, 60 dự án đang hoạt động, 26 dự án đang xây dựng và 44 dự án đăng ký đầu tư. Theo ông Trương Ngọc Minh, Trưởng phòng Quản lý công nghiệp (Sở Công thương), nguyên nhân của tình trạng này là do CCN chủ yếu nằm ở địa bàn nông thôn, hạ tầng kinh tế - xã hội xung quanh yếu kém; khó khăn về kinh phí, các DN không mặn mà với đầu tư kinh doanh hạ tầng CCN vì hiệu quả thấp, trong khi ngân sách địa phương hạn chế. Bên cạnh đó, hiện mới chỉ có 3 CCN gồm Tân An 1, 2 và Ea Đar đã được phê duyệt dự án đầu tư hạ tầng, trong khi đó, theo Chỉ thị 1792/CT-TTg, ngày 15-10-2011 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách Nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ thì các dự án chỉ được quyết định đầu tư khi đã xác định rõ nguồn vốn và khả năng cân đối vốn.
|
Hạ tầng Cụm công nghiệp Ea Đar (huyện Ea Kar) vẫn còn dở dang. |
Để tháo gỡ khó khăn trong đầu tư xây dựng hạ tầng CCN, đầu năm nay, Bộ Công thương đã có đề xuất gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ tiếp tục cho phép thực hiện Chương trình hỗ trợ hạ tầng CCN giai đoạn 2016-2020. Theo đó, xây dựng, hoàn thiện các hạng mục công trình xử lý nước thải, chất thải, đường giao thông, điện cho 82 CCN của 41 địa phương có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn với mục tiêu đến năm 2020, các CCN được hỗ trợ cơ bản hoàn thành đồng bộ hạ tầng, thu hút đầu tư đạt tỷ lệ lấp đầy trên 85%. Riêng các tỉnh thuộc vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ và Tây Nguyên sẽ hỗ trợ 75 tỷ đồng/cụm. Về phía tỉnh Đắk Lắk, Sở Công thương đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương rà soát lại các dự án đầu tư, xem xét thu hồi đối với các dự án chậm hoặc không triển khai; xem xét, bố trí vốn ngân sách cho các hạng mục do tỉnh đầu tư, trước hết bố trí đủ theo dự toán đã được phê duyệt với các hạng mục đã hoàn thành hoặc đang thi công; đồng thời kiện toàn công tác quản lý, thu hút dự án đầu tư hạ tầng theo hướng đơn giản thủ tục hành chính. Cùng với đó, Sở cũng đã có văn bản gửi Cục Công nghiệp địa phương (Bộ Công thương) để đăng ký đầu tư hạ tầng CCN Ea Đar với kinh phí gần 118 tỷ đồng từ vốn khuyến công quốc gia năm 2016.
Minh Thông
Ý kiến bạn đọc