Đồng hành cùng nông dân thoát nghèo
Với nhiều hình thức hỗ trợ cụ thể, thiết thực của Hội trong phong trào phát triển kinh tế, hội viên nông dân xã Ea Kly (huyện Krông Pắc) đã có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế và vươn lên thoát nghèo bền vững.
Năm 2013, ông Nguyễn Văn Tiến (thôn 9A) được Hội Nông dân xã tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay 20 triệu đồng để đầu tư vào chăn nuôi heo. Nhờ tự tìm tòi học hỏi qua tài liệu, sách báo và tích cực tham gia các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật do Hội Nông dân xã phối hợp với các ban ngành, đoàn thể tổ chức mà đàn heo của gia đình ông sinh trưởng và phát triển rất tốt. Năm đầu tiên gia đình ông thu về hơn 50 triệu đồng tiền lãi từ chăn nuôi. Gom cả vốn lẫn lãi và vay thêm 120 triệu đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, ông Tiến đầu tư xây dựng mở rộng diện tích chuồng trại để chăn nuôi heo thương phẩm. Khi công việc chăn nuôi đi vào ổn định, ông lại bắt tay vào cải tạo diện tích đất vườn để trồng hồ tiêu. Từ một hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, đến nay gia đình ông đang sở hữu trang trại quy mô, mỗi năm xuất bán ra thị trường hơn 350 con heo thịt. Khi được hỏi về kinh nghiệm làm kinh tế tổng hợp, ông Tiến không ngần ngại chia sẻ: “Cũng nhờ tham gia Hội Nông dân xã, nhận được sự hỗ trợ về vốn cũng như các kiến thức, kinh nghiệm và cách áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất mà gia đình tôi mới có điều kiện để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Hiện nay, trừ chi phí, hằng năm thu lợi gần 300 triệu đồng. Trong thời gian tới, tôi sẽ mở rộng quy mô chuồng trại, tăng dần số lượng, đồng thời bảo đảm chặt chẽ hơn quy trình sản xuất để đảm bảo chất lượng đàn vật nuôi”.
Ông Nguyễn Văn Tiến chăm sóc đàn heo của gia đình. |
Cũng là một trong những gia đình thuộc diện hộ nghèo của xã, năm 2004 anh Y Nol Niê (buôn Krông Pắc) được hỗ trợ 1 cặp bò làm vốn khởi nghiệp theo Chương trình 134 của Chính phủ. Tuy nhiên, do chưa có kỹ thuật cũng như kinh nghiệm trong chăn nuôi nên bò của gia đình anh chậm phát triển. Tham gia Hội Nông dân xã, anh Y Nol được dự các lớp tập huấn về kỹ thật chăn nuôi bò sinh sản do Hội phối hợp với Phòng Nông nghiệp huyện tổ chức. Nhờ đó, anh biết tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp như rơm rạ, lá cây bắp, cây đậu phụng… làm thức ăn cho bò, giúp tiết kiệm được chi phí đầu tư trong chăn nuôi. Từ cặp bò ban đầu, đến nay gia đình anh đã xuất được 9 con bò thịt. Anh Y Nol cho biết: “Nuôi bò đòi hỏi người nuôi phải biết cách chăm sóc đúng kỹ thuật, đặc biệt cần chú ý đến nguồn thức ăn dự trữ trong mùa khô. Riêng chuồng trại phải vệ sinh thường xuyên để phòng dịch bệnh. Cũng nhờ lợi nhuận từ chăn nuôi mà gia đình tôi có thêm vốn để cải tạo lại hơn 3 sào cà phê của gia đình. Với nguồn thu ổn định, mỗi năm thu trên 60 triệu đồng sau khi trừ chi phí, gia đình tôi đã vươn lên thoát khỏi diện hộ nghèo của xã”.
Nhằm vận động và khuyến khích hội viên tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao thu nhập, những năm qua, Hội Nông dân xã Ea Kly đã chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho hàng ngàn lượt nông dân, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ hỗ trợ nông dân, phát triển nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả cao. Bên cạnh đó, để tạo điều kiện cho hội viên có vốn phát triển kinh tế, các tổ tiết kiệm và vay vốn của Hội đã phát huy vai trò cầu nối giữa ngân hàng với nông dân, duy trì nguồn vốn vay để nông dân yên tâm đầu tư sản xuất, phát triển nghề.
Rõ ràng, hoạt động hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế giúp cho đời sống của nông dân ở Ea Kly được nâng lên rõ rệt. Ông Đặng Văn Mậm, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: “Ngoài hỗ trợ về vốn cũng như giúp hội viên tiếp cận, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, Hội đang triển khai thành lập các tổ chăn nuôi, trồng trọt để tạo sự liên kết, giúp giảm chi phí đầu tư, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, mang lại thu nhập ổn định cho nông dân”.
Vân Anh
Ý kiến bạn đọc