Multimedia Đọc Báo in

Ổn định lãi suất trước "cơn bão" tỷ giá

09:24, 16/09/2015
Vừa qua, diễn biến thị trường tiền tệ thế giới có những thay đổi đột biến khiến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã phải có những thay đổi về biên độ tỷ giá VNĐ/USD để phù hợp với thực tế. Tuy nhiên, sau quyết định điều chỉnh kép, vừa tăng tỷ giá thêm 1% và nới tiếp biên độ lên +/-3% của NHNN vào ngày 19-8, đã nảy sinh những lo ngại trong việc tăng lãi suất trong những tháng cuối năm.
Khách hàng giao dịch tại Chi nhánh Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam tại Đắk Lắk
Khách hàng giao dịch tại Chi nhánh Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam tại Đắk Lắk

Theo NHNN, việc vừa điều chỉnh tỷ giá, vừa nới biên độ là biện pháp đi trước một bước, nhằm tạo ra vị thế cạnh tranh của VNĐ và cũng đủ mức độ linh hoạt, đáp ứng với những diễn biến của thị trường. Thế nhưng thông thường, sau khi điều chỉnh tỷ giá tiền đồng, mặt bằng lãi suất tại các ngân hàng sẽ nhích lên do nhu cầu nắm giữ tiền đồng sẽ bị giảm xuống. Theo đại diện một chi nhánh ngân hàng thương mại tại Đắk Lắk, rõ ràng việc điều chỉnh biên độ, tỷ giá tạo áp lực rất lớn đối với lãi suất. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, việc tăng lãi suất cho vay là rất khó xảy ra. Trước hết lạm phát đang ở mức thấp, không cần phải tăng lãi suất để chống lạm phát. Hơn nữa, chủ trương của Chính phủ là tiếp tục giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp và NHNN cũng nhấn mạnh xu hướng tiếp tục giảm lãi suất trong những tháng cuối năm, do vậy nếu tăng lãi suất sẽ đi ngược lại chủ trương này. Thực tế là sau 2 lần giảm giá VNĐ liên tiếp, những dấu hiệu tăng lãi suất đầu tiên trên thị trường cũng đã xuất hiện, nhưng tại những ngân hàng lớn, lãi suất vẫn được giữ như trước thời điểm ngày 11-8. Riêng trên địa bàn tỉnh, mặt bằng lãi suất vẫn được các tổ chức tín dụng duy trì ổn định. Theo báo cáo của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh, hiện nay lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên phổ biến ở mức 7%/năm, lãi suất cho vay các lĩnh vực còn lại phổ biến ở mức 8%/năm đối với cho vay ngắn hạn, 9% - 11%/năm đối với cho vay trung dài hạn; lãi suất cho vay ngoại tệ phổ biến từ 3,5% - 4,2%/năm. Đáng chú ý là  trong cơ cấu dư nợ tín dụng, dư nợ cho vay lãi suất trên 13%/năm chỉ còn chiếm 6,6% tổng dư nợ cho vay. Đây là nỗ lực rất lớn của ngành Ngân hàng trong việc tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, hộ gia đình trên địa bàn.

Có thể nói, việc NHNN liên tục điều chỉnh tăng tỷ giá, biên độ đã gây rất nhiều áp lực đối với các ngân hàng trong việc điều chỉnh lãi suất. Tuy nhiên, bằng nhiều biện pháp khác nhau, các tổ chức tín dụng vẫn duy trì được lãi suất cho vay của ở mức tương đối phù hợp, tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh. Điều này thể hiện rõ ở tổng dư nợ cho vay của toàn tỉnh đến hết tháng 8 đạt 50.859 tỷ đồng, tăng 11,7% so với đầu năm. Đặc biệt, dư nợ cho vay trung, dài hạn đạt 23.390 tỷ đồng, chiếm 46% tổng dư nợ cho vay, tăng đến 25,5% so với đầu năm. Đây là tín hiệu cho thấy mặt bằng lãi suất ổn định và đã tạo được niềm tin đối với các nhà đầu tư. Cùng với việc kìm giữ lãi suất ổn định, theo định hướng của Chính phủ và NHNN, trong thời gian tới nếu điều kiện cho phép các ngân hàng có thể tính đến giảm lãi suất cho vay, nhằm bảo đảm sự hài hòa quyền lợi giữa các bên.

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.