Multimedia Đọc Báo in

Xử lý dứt điểm những sai phạm trong quản lý bảo vệ rừng vùng dự án

14:28, 15/09/2015

Những năm gần đây, rừng và đất rừng ở vùng dự án (DA) nông - lâm nghiệp liên tục bị xâm chiếm trái phép nhưng không được xử lý dứt điểm. Để chấn chỉnh, xử lý các sai phạm trên, tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt các địa phương và các ngành liên quan triển khai nhiều biện pháp cứng rắn.

Ngay từ đầu năm 2015, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã phối hợp với Chi cục Lâm nghiệp, UBND các huyện và các ngành liên quan tiến hành nhiều đợt kiểm tra tình hình thực hiện các DA nông – lâm nghiệp. Tại huyện Ea Súp, Hạt Kiểm lâm đã tham mưu cho UBND huyện ban hành Kế hoạch số 24/KH-UBND ngày 27-3-2015 về kiểm tra tình hình triển khai thực hiện của các Doanh nghiệp thuê đất, thuê rừng thực hiện các Dự án cải tạo trồng rừng, trồng cao su... và quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn huyện. Qua kết quả kiểm tra, trên diện tích rừng quản lý, bảo vệ của các DA thuê đất, thuê rừng có dấu hiệu suy giảm số lượng loài cây và chất lượng rừng không được cải thiện so với trước khi giao do lâm tặc vào khai thác gỗ trái phép. Bên cạnh đó, hầu hết các doanh nghiệp thực hiện dự án còn chậm so với tiến độ đã được phê duyệt, do gặp khó khăn trong việc giải quyết các hồ sơ thủ tục, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và một số tranh chấp đất đai trong khu vực dự án. Một số dự án chưa bố trí lực lượng bảo vệ rừng theo đúng phương án đã xây dựng để thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng, chưa có sự phối hợp tốt với chính quyền địa phương và các ngành chức năng để tranh thủ sự hỗ trợ về lực lượng kịp thời phát hiện, ngăn chặn các vụ vi phạm. Tại thời điểm kiểm tra, một số DA không có người đại diện để làm việc như: Công ty CP XNK-TM Tấn Hưng không có người trông coi bảo vệ; Công ty CP cao su Phú Riềng Karatie không có người đại diện, không có người trông coi bảo vệ và không có nhà làm việc; Công ty TNHH Anh Quốc, Công ty TNHH XNK-TM Hoàng Gia Phát, Công ty TNHH TM-DV Vĩnh Tiến chỉ có 1 người bảo vệ.

 

Kiểm tra rừng bị chặt phá trái phép tại huyện Buôn Đôn.
Kiểm tra rừng bị chặt phá trái phép tại huyện Buôn Đôn.

Còn tại huyện Ea H’leo, qua kiểm tra, phần lớn DN thuê đất trồng rừng, trồng cao su không đủ năng lực, lực lượng để tự bảo vệ rừng và phát triển trồng rừng trên lâm phần được giao. Hạt Kiểm lâm huyện đã kiểm tra, lập biên bản xử lý vụ san ủi rừng của Công ty TNHH Tân Tiến với diện tích san ủi 10,56 ha tại tiểu khu 21 xã Ea Sol; làm việc với Công ty Đầu tư XNK Phước Thành về thực hiện trách nhiệm của chủ rừng trong công tác ngăn chặn, phối hợp cơ quan chức năng để xử lý các vi phạm trên lâm phần quản lý. Tại huyện Krông Ana, Hạt Kiểm lâm huyện đã tham gia cùng Đoàn kiểm tra liên ngành theo Quyết định 5277/UBND-QĐ của UBND huyện tiếp tục điều tra, xác minh và tham mưu UBND huyện giải quyết vụ việc các hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ trên địa bàn huyện thực hiện lấn chiếm, nhổ phá rừng trồng của Công ty TNHH Bảo Lâm. Tại huyện Buôn Đôn, Hạt Kiểm lâm huyện tham mưu UBND huyện bố trí lực lượng của huyện tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát, bảo vệ rừng tại Công ty Cổ phần Thương mại - Du lịch (TM&DL) Bản Đôn và phối hợp với Sở Tài nguyên - Môi trường đề nghị UBND tỉnh hướng xử lý đối với Dự án Khu du lịch Văn hóa - Sinh thái Bản Đôn. Đối với diện tích 505,5 ha đất, rừng tại các khoảnh 3,4,8,10 tiểu khu 460 và các khoảnh 6,7,11 tiểu khu 469 (giáp với rừng phòng hộ Buôn Đôn) giao cho Ban quản lý rừng Phòng hộ Buôn Đôn quản lý, bảo vệ. Còn diện tích 643,9 ha đất, rừng giao cho Công ty Cổ phần TM&DL Bản Đôn thuê đất gắn liền với thuê rừng để tổ chức quản lý, sử dụng, kinh doanh đúng quy định của pháp luật. Đồng thời yêu cầu đơn vị này tổ chức quản lý, bảo vệ rừng thực hiện theo phương án đã được Chi cục Lâm nghiệp phê duyệt tại Báo cáo thẩm định kỹ thuật số 214/TĐ-CCLN ngày 8-5-2015. Đối với diện tích 30,3 ha đất nương rẫy nằm xen ghép trong vùng dự án giao cho Công ty Cổ phần TM&DL Bản Đôn quản lý, trồng lại rừng theo quy định tại Chỉ thị 1685/CT-TTg ngày 27-9-2011 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 03/CT-UBND ngày 16-3-2012 của UBND tỉnh.

Lê Hương


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.