Multimedia Đọc Báo in

Chợ ế, sức mua thấp

07:02, 03/10/2015

Thời điểm này, không khí mua sắm tại các chợ trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột khá trầm lắng, kinh doanh ế ẩm khiến nhiều tiểu thương gặp khó…

Sức mua thấp

Với ưu điểm là giá rẻ, lại tự do mặc cả, lựa chọn, các chợ truyền thống từ lâu đã trở thành điểm mua sắm chính với không ít người, tuy nhiên gần đây, sức mua giảm khiến nhiều chợ rơi vào cảnh ế ẩm. Tại các chợ trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột như Trung tâm Buôn Ma Thuột, Tân Thành, Tân An… hàng hóa bày bán đủ loại, đủ kiểu mẫu nhưng người mua thì ít, đi đến đâu cũng nghe tiểu thương kêu ca “chợ ế, kinh doanh khó!”. Vốn là địa điểm tham quan, mua sắm của khá nhộn nhịp nhưng hơn 1 tháng nay, chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột lại rơi vào cảnh người bán nhiều hơn người mua, khách đi chợ không còn tấp nập như xưa. Theo nhiều tiểu thương, chợ chỉ nhộn nhịp vào những ngày cuối tuần, còn bình thường, người dân chỉ đến mua thực phẩm thiết yếu hoặc dạo chợ, tham quan nhiều hơn là mua sắm.

Nhiều quầy hàng tại chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột đã giảm giá để thu hút người mua.
Nhiều quầy hàng tại chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột đã giảm giá để thu hút người mua.

Dù nhập về lượng hàng hóa khá đa dạng, đủ kiểu, đủ màu nhưng quầy quần áo của chị Nguyễn Thị Tâm, tầng 2, chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột vẫn khá vắng khách. Theo chị, nhu cầu mua sắm của người dân không cao, hiện sức mua đã giảm khoảng 30% so với ngày bình thường dù giá hàng hóa vẫn đứng  yên. Cũng chẳng cải thiện hơn, cách đó không xa, quầy của chị Phạm Thị Hoa cũng rơi vào cảnh thưa thớt khách, chị than thở, khách đi mua sắm giảm sút nhiều, thời điểm này, việc bán lẻ không thấm vào đâu, chủ yếu vẫn là bán cho các mối hàng sỉ, nhưng gần đây, giá trị các đơn hàng cũng giảm rõ rệt. Không riêng gì quần áo, thực phẩm là mặt hàng thiết yếu khiến người tiêu dùng không thể không mua, thế nhưng, một số quầy hàng như thịt bò, cá thu, hải sản… cũng thưa dần khách. Chị Ngô Phương, tiểu thương quầy thịt tại chợ Tân Thành chia sẻ, kinh tế khó khăn nên nhiều người chi tiêu tiết kiệm hơn, do vậy, lượng hàng chị  nhập về bán mỗi ngày cũng giảm đáng kể.

Theo tìm hiểu, nguyên nhân là do vừa bước vào năm học, mọi khoản chi tiêu đều tập trung lo cho con, em đến trường; một phần do các siêu thị, trung tâm thương mại thường xuyên tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn nên đã chia nhỏ khách đến với chợ truyền thống.

Tiểu thương xoay xở bán hàng

Thời điểm hiện tại dù lượng hàng nhập về đã được tiểu thương hạn chế đi nhiều nhưng không ít người vẫn lo ế hàng vì chợ vắng khách. Những ngày cuối tuần được coi là ngày cao điểm mua sắm nhưng gần đây, người đến chợ mua hàng vẫn không đông như mọi khi. Chị Hoa, tiểu thương bán quần áo chia sẻ, dịp 2-9 vừa  qua, nhiều người kỳ vọng ở sức mua sẽ được đẩy lên cao nhưng không khí mua sắm vẫn khá trầm lắng.

Do sức mua ở chợ rất thấp nên rất nhiều biện pháp được tiểu thương thực hiện để kích cầu nhằm tránh tồn hàng, trước hết là việc giảm giá. Khuyến mại, giảm giá giờ không chỉ có tại các siêu thị, trung tâm thương mại mà ngay tại một số chợ truyền thống cũng nhan nhản các biển hiệu “xả hàng giá gốc”, “hàng giảm giá” hoặc “hàng đồng giá 40.000, 55.000 đồng”… Chị Phan Thị Hồng, tiểu thương bán quần áo tại chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột cho hay, hàng thời trang mà bán không “chạy” là qua đợt, coi như lỗ cho nên chị đành xả hàng giá gốc để thu hồi lại vốn.

Chợ vốn đã thưa thớt khách nên cùng với việc giảm giá thì tình trạng nói thách cũng không nhiều như trước; thay vào đó, nhiều tiểu thương đã nỗ lực phục vụ khách hàng như sắp xếp quầy hàng của mình đẹp mắt, tiện lợi, mời chào, hướng dẫn tận tình… Bên cạnh đó, họ cũng chú trọng cất công tìm kiếm nguồn hàng bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, thu mua tận gốc để hạ giá thành, làm hài lòng khách. Một số tiểu thương tại chợ Tân Thành, Trung tâm Buôn Ma Thuột còn sẵn sàng nhặt rau giúp khách hay nhiệt tình tư vấn, hướng dẫn người mua cách chế biến các món ăn từ những thực phẩm mà họ đang bày bán.  Tuy nhiên, nhiều tiểu thương cho biết, việc giảm giá, xả hàng chỉ là biện pháp trước mắt để tránh tồn hàng, xoay vòng vốn chứ về lâu dài, điều cần hơn là biết cập nhật xu hướng tiêu dùng, thay đổi cách phục vụ và kỳ vọng qua mùa thấp điểm này, sức mua dần được cải thiện…

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.