Multimedia Đọc Báo in

Cho vay tái canh cà phê: "Gỡ" mãi chưa hết "rối"…

11:04, 07/10/2015
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương triển khai chính sách cho vay tái canh cà phê, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có nhiều thay đổi trong chính sách mà đặc biệt là điều kiện được vay vốn của người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, những thay đổi đó vẫn chưa thể tháo gỡ hết khó khăn đối với chính sách này.

Mới đây nhất, trong nỗ lực "giải cứu" vốn vay tái canh cà phê, NHNN đã có công văn gửi UBND các tỉnh Tây Nguyên (Đắk Lắk, Lâm Đồng, Kon Tum, Đắk Nông, Gia Lai) về sửa đổi điều kiện vay vốn. Theo quy định mới, điều kiện được vay vốn tái canh cà phê là tổ chức, cá nhân được UBND cấp xã xác nhận diện tích tái canh nằm trong kế hoạch tái canh của tỉnh, phù hợp với Đề án tái canh cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên giai đoạn 2014-2020 của Bộ NN-PTNT. Các nội dung khác về chính sách cho vay tái canh cà phê vẫn được giữ nguyên theo quy định tại Công văn số 3227/NHNN-TD ngày 11-5-2015 của NHNN. Ngoài ra, NHNN cũng đề nghị UBND các tỉnh Tây Nguyên tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, chính quyền các cấp phối hợp chặt chẽ với ngành Ngân hàng triển khai tích cực, hiệu quả chính sách này tại địa phương; đặc biệt chỉ đạo, hướng dẫn UBND cấp xã thực hiện việc xác nhận diện tích tái canh cà phê của các tổ chức, cá nhân nằm trong kế hoạch tái canh của tỉnh làm cơ sở để Ngân hàng NN-PTNT (Agribank) xem xét, thẩm định quyết định cho vay. Giải pháp nới lỏng đối với điều kiện vay vốn này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy chương trình cho vay tái canh cà phê, bởi trước đó NHNN yêu cầu các địa phương phải xác định được địa chỉ những hộ dân, DN đủ điều kiện vay, nhưng vì nhiều lý do khác nhau việc xác định danh sách này đã không thực hiện được, gây khó khăn trong việc cho vay của các ngân hàng.

Người dân huyện  Cư M’gar đang  chăm sóc  cà phê già cỗi chờ được  vay vốn  tái canh.
Người dân huyện Cư M’gar đang chăm sóc cà phê già cỗi chờ được vay vốn tái canh.

Những thay đổi trên được xem là hướng mở rất lớn trong việc cho vay tái canh cà phê, và sau hơn 1 tháng quy định mới có hiệu lực, được thông báo công khai đến người dân và DN trên địa bàn, nhưng hầu hết các địa phương vẫn chưa xác nhận hồ sơ vay vốn nào theo quy định mới. Bởi như đại diện xã Ea Hiao (Ea H’leo) cho biết, sau khi nhận được hướng dẫn của Phòng NN-PTNT huyện Ea H’leo và Ngân hàng NN-PTNT, xã đã niêm yết công khai quy định mới về điều kiện vay vốn tái canh cà phê, nhưng sau gần 1 tháng vẫn chưa có hộ dân nào đến xin xác nhận. Trong khi đó, tình hình thực tế giải ngân tại Agribank Chi nhánh Đắk Lắk và Chi nhánh Buôn Hồ cho thấy, việc “nới” điều kiện vay vốn vẫn chưa phát huy tác dụng và gần như vẫn “dẫm chân tại chỗ”. Trưởng phòng tín dụng Agribank Chi nhánh Đắk Lắk Phan Thông Thái cho biết, sau khi có quy định mới, tại đơn vị không phát sinh thêm dư nợ theo chương trình này. Trong khi đó theo Giám đốc Agribank thị xã Buôn Hồ Nguyễn Thị Lan Chi thì địa bàn đơn vị kinh doanh có diện tích cà phê tái canh lớn, nhưng đến nay đơn vị mới chỉ giải ngân được trên 6 tỷ đồng cho chương trình này, nhưng đây là kết quả có được từ trước khi quy định mới có hiệu lực.

Rõ ràng, nỗ lực “cởi trói” cho nguồn vốn vay tái canh cà phê dường như vẫn chưa phát huy hiệu quả. Ông Phan Thông Thái cho rằng, ngành ngân hàng đã rất nỗ lực để nguồn vốn đến tay người dân và phát huy tác dụng, nhưng với những quy định tái canh ngặt nghèo từ Bộ NN-PTNT (cà phê già cỗi phải được nhổ bỏ sau 2 năm mới được trồng tái canh, phải qua kiểm tra chất lượng đất…), cả người dân và ngân hàng đang thực sự bị... “kìm kẹp”. Bằng chứng là hiện nay người dân vẫn đang thực hiện tái canh cà phê, nhưng họ sẵn sàng vay theo “kênh” thương mại để tránh những quy định của chương trình vay tái canh cà phê, ông Thái nói. Có thể thấy, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, nhưng nguyên nhân cốt lõi là do người dân không “mặn mà” hoặc không thể đáp ứng điều kiện do quy trình tái canh đặt ra đối với chương trình tín dụng này, nên dù có “gỡ” vẫn khó hết “rối”…

 Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.