Multimedia Đọc Báo in

Đưa lãi suất huy động bằng USD từ 0% đến 0,25%: Chưa tác động lớn đến thị trường trong tỉnh

09:19, 06/10/2015
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa bất ngờ đưa lãi suất huy động USD của tổ chức về 0% và của cá nhân xuống 0,25% đã thu hút sự quan tâm người dân, doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh.

Theo Quyết định 1938/QĐ-NHNN của NHNN, từ ngày 28-9, mức lãi suất tiền gửi bằng USD áp dụng đối với tổ chức là 0%/năm và đối với tiền gửi của cá nhân tối đa là 0,25%/năm. Đối với lãi suất tiền gửi bằng USD có kỳ hạn của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phát sinh trước ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành, được thực hiện cho đến hết thời hạn; trường hợp hết thời hạn đã thỏa thuận, tổ chức, cá nhân không đến lĩnh tiền gửi, thì tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài áp dụng lãi suất đối với tiền gửi theo quy định tại Quyết định này. Đây được xem là động thái nhằm ngăn chặn tình trạng găm giữ ngoại tệ nhằm góp phần thực hiện có hiệu quả các giải pháp về chính sách tiền tệ, hoạt động ngân hàng trong những tháng cuối năm 2015 và trên cơ sở đánh giá diễn biến kinh tế vĩ mô, tình hình thị trường tiền tệ, ngoại hối. Trước đó, lãi suất tiền gửi bằng USD áp dụng cho các cá nhân là 0,75% và các tổ chức là 0,25%/năm.

Khách hàng đến giao dịch tại Ngân hàng TMCP Đông Á Chi nhánh Đắk Lắk.
Khách hàng đến giao dịch tại Ngân hàng TMCP Đông Á Chi nhánh Đắk Lắk.

Sau một ngày Quyết định của NHNN có hiệu lực, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã điều chỉnh thông báo lãi suất đến khách hàng. Khảo sát một số ngân hàng tại TP. Buôn Ma Thuột, các ngân hàng đã kịp thời điều chỉnh, niêm yết biểu lãi suất mới. Tại Ngân hàng NN-PTNT Chi nhánh Đắk Lắk, bảng biểu lãi suất mới đã được điều chỉnh sau khi nhận thông tin điều chỉnh lãi suất của NHNN. Khối ngân hàng TMCP việc điều chỉnh biểu lãi suất cũng được thực hiện kịp thời để khách hàng nắm rõ thông tin giao dịch. Giám đốc Ngân hàng TMCP Đông Á Chi nhánh Đắk Lắk Nguyễn Văn Mạnh cho biết, việc điều chỉnh biểu lãi suất đã được thực hiện ngay trong chiều 28-9. Theo đại diện NHNN Chi nhánh Đắk Lắk, về góc độ Nhà nước thì đây là một quyết định hoàn toàn phù hợp với các diễn biến thị trường ngoại tệ quốc tế, đồng thời cũng được kỳ vọng sẽ làm giảm tình trạng găm giữ ngoại tệ và kiểm soát tốt hơn tỷ giá ngoại tệ theo mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ của NHNN, phù hợp lộ trình chống đô la hóa của Chính phủ.

Việc NHNN điều chỉnh lãi suất huy động đối với đồng USD được xem là khá bất ngờ, nhưng đã không gây xáo trộn giao dịch của các ngân hàng trên địa bàn tỉnh, bởi tỷ suất giao dịch bằng USD tại thị trường Đắk Lắk là không lớn. Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Mạnh, về lâu dài chắc chắn việc giao dịch bằng USD tại Đắk Lắk cũng sẽ không biến động nhiều. Ông Mạnh phân tích, tâm lý của người dân lâu nay khi nắm giữ đồng USD vẫn xem đây như một dạng tài sản để cất giữ nên đa số đều mang tâm lý gửi chỉ để bảo đảm an toàn và giữ giá đồng vốn hơn là trông chờ lợi nhuận từ lãi suất được hưởng. Đối với DN, việc giữ USD chủ yếu phục vụ giao dịch, nên trong thời gian nắm giữ cùng lắm là tìm lợi nhuận từ biến động tỷ giá, còn lãi suất không thật sự lớn. Hơn nữa, hầu hết các DN trên địa bàn tỉnh hiện có lượng tiền gửi bằng USD tại các ngân hàng không lớn, do vậy việc hạ lãi suất huy động bằng USD đến 0% không tác động đến lợi nhuận của DN.

Có thể thấy, quy định áp 0% lãi suất đối với tiền gửi USD của các tổ chức đã cho thấy quyết tâm của NHNN trong việc bảo đảm tỷ giá nằm trong biên độ cho phép từ nay đến cuối năm. Tuy nhiên, thời điểm cuối năm thường có tốc độ giao dịch bằng đồng USD cao hơn các thời điểm khác trong năm. Do vậy, có nhiều ý kiến cho rằng, ngoài động thái giảm lãi suất huy động, NHNN cần đáp ứng đủ nhu cầu thanh toán bằng ngoại tệ của DN để DN không phải tìm kiếm ở thị trường chợ đen, gây rủi ro và áp lực lên tỷ giá.

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.