Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả tích cực từ Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"

07:20, 11/10/2015

Cuộc vận động (CVĐ) “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” triển khai trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tâm lý tin dùng hàng Việt của người tiêu dùng (NTD) cũng được nâng lên đáng kể.

Niềm tin hàng Việt

Tại Đắk Lắk, hàng Việt tiếp tục chiếm lĩnh thị trường và được nhiều người dân ủng hộ. Nhiều NTD nhận xét, hàng do trong nước sản xuất ngày càng phong phú, giá cả phải chăng, phù hợp với nhiều đối tượng tiêu dùng.

Theo ông Nguyễn Văn Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Công Thương, tỷ lệ hàng Việt được bày bán cao là kết quả nổi bật sau 6 năm triển khai CVĐ. Tại các siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn, hàng Việt được bày bán chiếm tỷ trọng trên 90%. Cùng với đó, các đơn vị này còn ưu tiên ký kết hợp đồng với nhiều nhà cung cấp Việt, các hợp tác xã trồng rau an toàn trên địa bàn tỉnh, thực hiện kích cầu bằng nhiều hình thức phong phú, chú trọng dịch vụ hậu mãi, chăm sóc khách hàng, tích cực tham gia dự trữ hàng Việt để bình ổn giá, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán... Theo đó, thói quen trong mua sắm của nhiều người dân cũng thay đổi đáng kể theo xu hướng ưu tiên chọn hàng Việt bởi chất lượng và nguồn hàng ổn định, giá cả phải chăng. Có thể nói, đây là tín hiệu đáng mừng chứng tỏ hàng nội đã có chỗ đứng nhất định và chiếm  được cảm tình của đông đảo NTD.

Người tiêu dùng nghe tư vấn mua hàng hóa tại phiên chợ hàng Việt  tổ chức ở huyện Buôn Đôn năm 2014.
Người tiêu dùng nghe tư vấn mua hàng hóa tại phiên chợ hàng Việt tổ chức ở huyện Buôn Đôn năm 2014.

Trên thực tế, nếu như trước kia hàng Trung Quốc với lợi thế giá rẻ, nhiều mẫu mã chiếm thế “thượng phong”, nhất là tại các chợ truyền thống thì nay, hàng Việt đã từng bước “soán ngôi” và tạo được niềm tin ở nhiều NTD. Ông Bùi Viết Anh Vũ, Giám đốc Co.opmart Buôn Ma Thuột khẳng định, doanh thu bán ra của siêu thị tăng đáng kể sau mỗi đợt thực hiện chương trình “Tự hào hàng Việt”, điều này chứng tỏ hàng trong nước có vị thế nhất định trên thị trường và trong lòng NTD. Tại siêu thị, số lượng hàng Trung Quốc chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ với một số hàng gia dụng, đồ chơi trẻ em được nhập theo đường chính ngạch (do trong nước chưa có hoặc không sản xuất) nhưng gần như không bán được.

Sức lan tỏa của hàng Việt dễ thấy rõ là tại các chợ truyền thống, gần đây trong nhận thức của NTD tâm lý “sính ngoại” đã dần chuyển sang sở thích xài hàng trong nước; thậm chí, với nhiều người thì “xài hàng Việt mới thấy yên tâm hơn”. Chị  Nguyễn Thị Hoa, tiểu thương bán mỹ phẩm tại chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột cho hay, không như trước đây, rất nhiều người chỉ thích dùng mỹ phẩm ngoại, dù giá cao gấp 3 lần hàng nội, còn ngày nay họ lại có xu hướng tìm về với các dòng sản phẩm do trong nước sản xuất bởi an toàn, chất lượng và giá cả lại phải chăng, chẳng hạn như sản phẩm của Việt Hương, Lana, Thorakao… bán khá chạy hàng.

Tăng cường đưa hàng Việt về nông thôn

Để đạt được kết quả trên, thời gian qua Sở Công Thương - đơn vị đầu mối chịu trách nhiệm thực hiện CVĐ đã và đang có nhiều nỗ lực thực tế hóa thông điệp “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” bằng các việc làm thiết thực. Cũng theo ông Nguyễn Văn Nghiêm, ngay từ những ngày đầu triển khai CVĐ, Sở đã tích cực như phối hợp với các cơ quan truyền thông trong tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền; vận động các doanh nghiệp (DN) một mặt chú trọng nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm, mặt khác mang hàng hoá và dịch vụ tham gia các đợt hội chợ, triển lãm, chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn” … để góp phần làm tăng độ phủ sóng của hàng Việt. Theo thống kê, từ năm 2010 đến 2014, Sở đã tổ chức cho các DN 25 đợt đưa hàng Việt về nông thôn, thu hút trên 35. 000 lượt người tham gia với doanh thu thơn 3,7 tỷ đồng và 75  đợt hội chợ với hàng chục nghìn người đến tham quan, mua sắm...

Xác định được tầm quan trọng của việc xây dựng hình ảnh DN bằng việc bày bán các sản phẩm uy tín, chất lượng nên thời gian qua, trên kênh phân phối, nhiều siêu thị, nhà phân phân phối bán lẻ trong tỉnh cũng ngày càng quan tâm và ủng hộ CVĐ thông qua các chuyến bán hàng lưu động, “đưa hàng Việt về nông thôn” , dành vị trí đẹp mắt và  thuận lợi nhất trong siêu thị, gian hàng để trưng bày hàng Việt cũng như thường xuyên thực hiện các chương trình khuyến mãi, giảm giá cho các sản phẩm trong nước; tổ chức tặng quà hàng Việt cho xã nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số... Dẫn đầu trong hoạt động này có thể kể đến Co.opmart Buôn Ma Thuột.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả của CVĐ, ông Nghiêm cho biết thêm, thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục vận động các đơn vị, DN nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh  cho sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tham gia các hội chợ, triển lãm, tăng cường đưa hàng hoá về các vùng nông thôn trong tỉnh. Trong đó, điểm nhấn là các hoạt động bán hàng lưu động, phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi. Dự kiến trong tháng 10, đơn vị sẽ tổ chức 2 phiên chợ hàng Việt về nông thôn tại huyện Krông Bông (từ 16 đến 21-10) và Lắk (từ 24 đến 29-10) với quy mô 40 gian hàng/phiên nhằm giúp NTD tiếp cận nhiều hơn với hàng Việt uy tín, chất lượng. Đồng thời, đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm hành vi vi phạm chất lượng sản phẩm, tạo cho NTD an tâm về chất lượng hàng hoá mang thương hiệu Việt. 

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc