Ưu tiên tăng cường hợp tác lớn về sản xuất, kinh doanh nông nghiệp
Ngày 30-9, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1684/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược hội nhập kinh tế quốc tế ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2030 nhằm phát triển nền nông nghiệp Việt Nam bền vững và hiệu quả; tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, thúc đẩy đổi mới tư duy, khoa học công nghệ, đổi mới thể chế chính sách nhằm xây dựng nội lực nền nông nghiệp mạnh, nâng cao sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới.
Tại định hướng Chiến lược, Thủ tướng đề nghị các đơn vị liên quan chủ động tham gia các cam kết thị trường quan trọng, mang tính chiến lược của khu vực và thế giới, tăng cường tiếp cận các thị trường nông sản quan trọng; ưu tiên tăng cường hợp tác với các đối tác lớn về sản xuất, kinh doanh nông nghiệp. Các hiệp định thương mại tự do đang đàm phán theo định hướng tăng thị phần, thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản vào các đối tác trong FTAs thông qua xóa bỏ thuế quan, hạn chế các hàng rào kỹ thuật đối với hàng nông lâm thủy sản, đàm phán công nhận lẫn nhau về các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động thực vật; giảm nhẹ các biện pháp phòng vệ thương mại, xâm nhập sâu hơn vào thị trường thông qua cơ hội liên kết với các tập đoàn bán lẻ.
Ảnh minh họa |
Với ngành hàng lúa gạo, sẽ tăng cường liên kết đầu tư sản xuất tại các vùng chuyên canh ở Việt Nam để đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của từng thị trường và bảo đảm lợi ích của các bên; tạo điều kiện để tiếp cận các nhà bán lẻ lớn. Với thị trường rau quả, Thủ tướng khẳng định sẽ xây dựng quan hệ đối tác hoặc liên kết đầu tư dài hạn, tin cậy với người tiêu dùng cuối cùng (như cơ sở chế biến, siêu thị, chuỗi bán lẻ…) thay vì qua nhiều khâu trung gian; liên kết đầu tư giữa doanh nghiệp hai bên để sản xuất theo vùng chuyên canh, có tiêu chuẩn chất lượng, có hợp đồng dài hạn…
G.N
Ý kiến bạn đọc