Đổi thay trên đất Ea Ô
Nhờ chú trọng phát triển các mô hình kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, diện mạo xã Ea Ô (huyện Ea Kar) đã có những đổi thay tích cực.
Là con út trong gia đình có 5 anh em, hoàn cảnh kinh tế khó khăn lại ít đất canh tác nên ước mơ thoát khỏi cái nghèo là niềm mong mỏi bấy lâu của anh Dương Văn Tía (thôn 7A, xã Ea Ô). Tham gia công tác Đoàn tại địa phương, được các cấp bộ Đoàn quan tâm giúp đỡ cho vay vốn khởi nghiệp 20 triệu đồng, anh Tía mạnh dạn đầu tư chăn nuôi bò sinh sản và cải tạo đất đầu tư mô hình trồng gấc, bởi đây là loại cây trồng tương đối dễ chăm sóc lại tốn ít chi phí. Nhờ dày công chăm sóc và chủ động phòng ngừa sâu bệnh cho cây, hơn 200 m2 gấc của anh Tía đã phát triển tốt và bắt đầu cho thu hoạch với giá bán trên thị trường từ 6.000 – 7.000 đồng/kg. Đến nay, thu nhập hằng năm từ chăn nuôi, trồng trọt cho gia đình anh trên 200 triệu đồng.
Nhiều tuyến đường giao thông trên địa bàn xã Ea Ô được bê tông hóa nhờ sự đóng góp của nhân dân |
Không chỉ riêng anh Tía, những năm qua, nhờ mạnh dạn chuyển đổi cây trồng vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhiều hộ dân địa bàn xã đã vươn lên làm giàu. Tiêu biểu như mô hình ươm các loại cây giống cà phê, điều, cao su, cây ăn quả cho thu nhập bình quân 500 triệu đồng/năm của gia đình bà Lê Thị Ký ở thôn 8; hay mô hình trồng tiêu thâm canh của ông Vũ Thanh Bình ở thôn 2, cho thu nhập trên hàng trăm triệu đồng/năm,…
Đồng chí Vũ Quang Đôn, Bí thư Đảng ủy xã cho biết, Ea Ô là xã có địa hình thấp, thường xảy ra hiện tượng ngập lụt vào mùa mưa, gây khó khăn trong việc định hướng sản xuất, bố trí dân cư và xây dựng kết cấu hạ tầng. Trong khi đó, phần lớn lực lượng lao động có trình độ chuyên môn thấp, tập quán canh tác còn lạc hậu chưa theo kịp tốc độ phát triển khoa học, kỹ thuật trong tình hình mới. Xác định nâng cao chất lượng sản xuất là yếu tố quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội, Đảng ủy xã đã ban hành các nghị quyết phát triển kinh tế, xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả và nhân rộng, giúp người dân thay đổi tư duy trong sản xuất. Từ năm 2010-2015, xã đã tổ chức tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, xây dựng được 57 mô hình sản xuất như chăn nuôi bò vỗ béo, chăn nuôi bò sinh sản, chăn nuôi heo, mô hình cơ giới hóa sản xuất giảm tổn thất sau thu hoạch, sản xuất rau an toàn và thử nghiệm 4 cây trồng mới là cà tím, gấc, đinh lăng, chanh leo. Tới nay, Ea Ô đã chuyển đổi thành công 296 ha cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao như ca cao, cao su, tiêu… Bên cạnh đó, xã đã củng cố sắp xếp lại hoạt động của 3 hợp tác xã, thành lập mới 7 tổ hợp tác, 4 câu lạc bộ chăn nuôi và 6 tổ liên kết sản xuất, thu hút được gần 200 hộ tham gia với tổng quỹ hoạt động trên 7 tỷ đồng. Các tổ chức kinh tế tập thể đã chủ động tìm kiếm thị trường, ký hợp đồng liên kết với các doanh nghiệp như: Công ty Bảo vệ thực vật An Giang, Công ty Giống cây trồng Miền Nam, Công ty gấc Tây Nguyên…, tạo đầu ra ổn định cho nông sản. Để giảm thời gian và tiết kiệm chi phí lao động các tổ hợp tác và các nhóm liên kết sản xuất đã huy động người dân mua máy gặt đập liên hợp, máy cày, tổ chức thực hiện các dịch vụ như làm đất, thu hoạch lúa. Thông qua các mô hình hợp tác phát triển sản xuất, tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn xã năm 2015 đạt 371,4 tỷ đồng, tăng 283,56 tỷ so với năm 2011. Cùng với phát triển nông nghiệp, vấn đề phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ được Đảng ủy xã Ea Ô tập trung chỉ đạo. Đến nay, trên địa bàn xã có 127 cơ sở sản xuất kinh doanh công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, tăng 65 cơ sở so với năm 2011. Công tác đào tạo nghề, tăng thu nhập cho người lao động cũng được chú trọng. Năm 2015, tỷ lệ lao động được đào tạo của xã là 32%, lao động có việc làm thường xuyên đạt 98,9%, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,9%, thu nhập bình quân 23,2 triệu đồng/ người/ năm.
Song song với nhiệm vụ phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, công tác quốc phòng, an ninh trên địa bàn xã được giữ vững. Thực hiện phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ), xã đã triển khai xây dựng nhiều mô hình bảo đảm an ninh trật tự (ANTT) như “Tiếng kẻng an ninh”, “Quỹ doanh nhân”, nhân rộng phong trào “Xây dựng ánh sáng điện đường khu dân cư”,… Nhờ vậy, tình hình ANTT tại địa bàn được giữ vững, ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân được nâng cao, tình trạng tội phạm trộm cắp giảm hẳn, nhất là trong vụ mùa thu hoạch người dân không còn lo lắng vấn nạn mất cắp nông sản. Với những kết quả đạt được trong công tác bảo đảm ANTT, từ năm 2012 đến nay, xã liên tục được Bộ Công an tặng Cờ thi đua vì có thành tích xuất sắc trong phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ.
Những đổi thay tích cực trên đất Ea Ô còn phải kể đến chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Trong 5 năm qua, tổng vốn huy động từ nhân dân trên địa bàn để thực hiện xây dựng NMT là trên 111 tỷ đồng, chiếm 33,6% tổng số vốn huy động từ các nguồn. Người dân đã tự nguyện đóng góp công sức, đất đai, hoa màu, tiền bạc để mở rộng và bê tông hóa hơn 90 km đường giao thông nông thôn. Trong số gần 3.000 hộ dân trên địa bàn đã có gần 2.000 hộ xây nhà ở kiên cố, khang trang.
Đồng chí Vũ Quang Đôn phấn khởi cho hay: “Kinh tế phát triển, kết cấu hạ tầng được nâng cấp, giao thương thuận lợi, đời sống nhân dân được nâng cao là những đổi thay đáng mừng trên mảnh đất thuần nông này. “Trái ngọt” của ngày hôm nay chính là nhờ chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước, cùng sự đồng thuận của toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân địa phương”.
Hồng Chuyên
Ý kiến bạn đọc