Multimedia Đọc Báo in

HTX nông nghiệp góp phần thay đổi diện mạo tam nông

10:15, 25/12/2015

Những năm qua, các HTX nông nghiệp (NN) không ngừng phát triển, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương, từng bước thay đổi diện mạo nông thôn nhiều vùng quê Đắk Lắk.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 177 HTX hoạt động trong lĩnh vực NN, tăng 50 HTX so với năm 2010, thu hút 30.285 thành viên tham gia, giải quyết việc làm cho khoảng 7.425 lao động. Theo rà soát đánh giá của Liên minh HTX tỉnh, có 22,5% số HTX xếp loại tốt, khá, 19,1% trung bình, số thành viên bình quân đạt 110 thành viên/HTX, doanh thu 2,3 tỷ đồng/HTX. Ông Vũ Văn Đông, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, nhiều HTXNN đã kết hợp giữa dịch vụ với sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản, phát triển các ngành nghề, giúp hộ thành viên tiếp cận với nguồn vốn, tiến bộ khoa học, kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa có hiệu quả kinh tế cao. Có thể kể đến một số điển hình như HTXNN 714, HTXNN Thành Lợi (huyện Ea Kar), HTX công bằng Ea Kiết, HTX công bằng Cư Đliê Mnông (huyện Cư M’gar), HTX Ea Kmat Hòa Đông (huyện Krông Pắc)… Nhìn chung, HTXNN tuy vẫn còn có nhiều khó khăn và hạn chế nhưng là mô hình thích hợp để hỗ trợ các hộ nông dân phát triển kinh tế, hình thành vùng sản xuất hàng hóa lớn, đồng thời, thay đổi tập quán canh tác của người dân, nhất là đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số, đóng góp tích cực cho phát triển ngành NN.

Ông Nguyễn Thiên Văn, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh (người đứng giữa)  làm việc với Hợp tác xã Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Tân Định  (xã Dliê Ya, huyện Krông Năng).
Ông Nguyễn Thiên Văn, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh (người đứng giữa) làm việc với Hợp tác xã Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Tân Định (xã Dliê Ya, huyện Krông Năng).

Cùng với việc gia tăng số lượng HTX, công tác quản lý Nhà nước nhằm củng cố và phát triển HTXNN cũng được Sở NN-PTNT quan tâm. Kết quả đăng ký lại HTX theo Luật HTX 2012, đã có 61 HTX thành lập mới và đăng ký lại theo mô hình mới. Các HTX còn lại đang chuẩn bị các thủ tục chuyển đổi mô hình hoạt động theo quy định. Bên cạnh đó, nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ, tiếp sức cho HTXNN cũng được triển khai một cách hiệu quả. Cụ thể, đã triển khai xây dựng 5 mô hình HTX điểm với tổng kinh phí là 205,6 triệu đồng, với các nội dung: mô hình cơ giới hóa sản xuất trong NN, chế biến, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch..., tổ chức 6 lớp tập huấn cán bộ quản lý HTX, thu hút 215 học viên tham gia. Cùng với đó, hằng năm, UBND tỉnh bố trí kinh phí sự nghiệp cho các huyện, thị xã và thành phố để thực hiện chính sách hỗ trợ thành lập mới cho các HTXNN với mức 4 - 7 triệu đồng...  Nhằm tiếp tục phát huy vai trò của kinh tế tập thể nói chung, HTXNN nói riêng, UBND tỉnh đã có Kế hoạch Đổi mới, phát triển các hình thức kinh tế hợp tác trong NN tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2015-2020. Theo đó, giai đoạn 2015 – 2016, sẽ điều tra đánh giá hiện trạng hoạt động của các tổ hợp tác, hợp tác xã và các mô hình liên kết, mỗi năm thành lập mới 12 - 15 HTX và 40 – 50 tổ hợp tác NN, phấn đấu nâng tỷ lệ HTX đạt tiêu chuẩn khá, tốt hơn 35%, giảm tỷ lệ HTX yếu, kém xuống dưới 20%; thu nhập bình quân của thành viên tăng 12 – 15 %/năm, mỗi năm xây dựng ít nhất 2 mô hình kinh tế hợp tác điểm và 2 mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản phù hợp. Giai đoạn 2017 – 2020, phấn đấu tỷ lệ HTX hoạt động đạt tiêu chuẩn khá, tốt trên 50%, giảm tỷ lệ HTX yếu kém xuống dưới 15%; thu nhập bình quân của thành viên tăng 14 – 17 %/năm, 100% cán bộ quản lý HTX, tổ hợp tác trong lĩnh vực NN được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức quản lý điều hành và nghiệp vụ chuyên môn và tất các xã đạt chuẩn nông thôn mới có các mô hình kinh tế hợp tác đạt 100% loại khá trở lên.

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.