Multimedia Đọc Báo in

Kinh doanh sản phẩm handmade - hướng phát triển đầy tiềm năng

16:13, 19/12/2015
Đồ handmade (còn gọi là DIY: Do it yourself) là những sản phẩm do chính bàn tay khéo léo của con người tạo ra mà không cần đến những máy móc phức tạp. Hầu hết các sản phẩm handmade được người tiêu dùng rất ưa chuộng vì ngoài yếu tố đẹp, chúng còn rất độc đáo, “không đụng hàng”. Việc kinh doanh sản phẩm handmade vì thế nhanh chóng trở thành xu hướng kinh doanh đầy tiềm năng của nhiều bạn trẻ năng động.
 
Gian hàng bán đồ trang sức handmade của cô gái trẻ Phạm Nam Phương (phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột – chủ shop online Handmade Corner) là một địa điểm thu hút khá đông khách ở chợ đêm Buôn Ma Thuột. Gian hàng đơn giản chỉ có một chiếc bàn, 2 chiếc kềm đơn giản và nguyên liệu là dây đồng, bằng đôi bàn tay khéo léo, cô chủ trẻ đã tạo ra những món đồ trang sức xinh xắn bằng đồng, từ những chiếc nhẫn đơn giản đến những vòng tay hay vòng cổ phức tạp, các mặt dây chuyền nhiều kiểu dáng hoặc đan xen là đôi móc chìa khóa đáng yêu… Trước đây, Nam Phương làm nghề thông dịch viên. Dù đó là một công việc khá ổn, nhưng cô gái trẻ này sẵn sàng bỏ nghề để sống với niềm đam mê sáng tạo của mình. Việc kinh doanh sản phẩm handmade vừa giúp cô thỏa niềm đam mê vừa tự do về thời gian lại mang đến thu nhập ổn định. Mỗi ngày Phương có thể làm và bán ra thị trường 1 triệu đồng tiền sản phẩm, tương đương với thu nhập 20 – 30 triệu đồng/tháng. Các sản phẩm đã làm, ngoài việc bán ở chợ đêm thành phố, Phương còn giao hàng cho những cửa hàng thời trang, các quán cà phê có định hướng du lịch như Arul hay các điểm tham quan để du khách có thể mua làm quà, vừa rẻ lại vừa độc đáo!
Gian hàng bán sản phẩm handmade của chị Nam Phương  ở chợ đêm Buôn Ma Thuột.
Gian hàng bán sản phẩm handmade của chị Nam Phương ở chợ đêm Buôn Ma Thuột.

Kinh doanh sản phẩm handmade xuất hiện đã khá lâu và rất phát triển ở những thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh hay Hà Nội. Chúng bắt đầu từ những sinh viên Mỹ thuật. Nhờ có con mắt thẩm mỹ tinh tế, họ thường tự sáng tạo ra những vật dụng phụ kiện dùng cho bản thân như váy, túi, hay đồ trang sức… Sự hấp dẫn từ những món đồ này lớn đến mức đã lan truyền trong cộng đồng mạng và trở thành một xu hướng. Rất nhiều bạn trẻ đam mê, sau khi tìm hiểu đã quyết định gắn bó và xem việc làm ra những sản phẩm handmande này là một hướng kinh doanh mới mẻ. Kinh doanh sản phẩm handmade mới xuất hiện tại Đắk Lắk khoảng một năm nhưng đã phát triển khá nhanh. Hiện nay, tại TP. Buôn Ma Thuột có  khá nhiều cửa hàng chuyên bán sản phẩm handmade như Góc Nhà Decor & Gifts hay Cat's Handmade Shop... Một số bạn trẻ không có nhiều vốn thì mở shop online cũng thu hút khá đông khách. Đa số khách hàng là những bạn trẻ yêu thích sự độc đáo và thẩm mỹ của những sản phẩm này. Không chỉ đồ trang sức, những sản phẩm handmade dành để trang trí cũng rất được ưa chuộng. Những ngôi nhà hay các quán cà phê có ý tưởng độc đáo, không gian nhỏ cũng thường “nhờ vả” đến các mặt hàng này để trở nên hấp dẫn hơn. Ngoài ra, dòng sản phẩm này cũng có nhiều khung giá cả để khách hàng lựa chọn, có sản phẩm chỉ 10 nghìn đồng nhưng cũng có sản phẩm lên đến tiền triệu tùy thuộc vào độ tỉ mỉ cũng như chất liệu. Chị Xuân Giao (chủ cửa hàng Góc Nhà Decor & Gifts) tiết lộ mỗi tháng tổng thu nhập của cửa hàng lên đến 70 – 80 triệu đồng, khoản lãi sau khi trừ chi phí cũng là một con số rất hấp dẫn. Nhiều người đã có công việc ổn định, khéo tay cũng coi kinh doanh sản phẩm handmade như một nghề tay trái. Như chị Nguyễn Thị Huế chuyên làm phụ kiện cài tóc handmade ban đầu chỉ làm cài tóc cho con gái diện, nhiều người thấy đẹp nên đặt hàng.

Mặc dù đây là một hướng đi mới hấp dẫn, nhất là khi nhu cầu của khách hàng càng ngày càng tăng nhưng kinh doanh là một chuyện không dễ dàng, nhất là khi các shop bán đồ handmade đua nhau mọc ra như nấm sẽ khiến việc cạnh tranh trở nên khốc liệt, thị hiếu của giới trẻ cũng thay đổi mỗi ngày. Vì vậy, những người chọn kinh doanh sản phẩm handmade luôn không ngừng nỗ lực, học hỏi và sáng tạo. Chị Xuân Giao (chủ cửa hàng Góc Nhà Decor & Gifts) cho biết trong thời gian tới sẽ mở một câu lạc bộ dạy và chia sẻ cách làm sản phẩm handmande cho nhiều lứa tuổi với mục đích giúp mọi người tiếp cận gần hơn với sản phẩm này. Còn cô gái trẻ Nam Phương dự định sẽ tạo dựng một chuỗi quán cà phê có sẵn đồ nghề và đầy đủ nguyên liệu để khách hàng vừa được thư giãn với thức uống ngon, vừa có thể tạo ra một sản phẩm handmade do chính mình làm ra.

Hồng Phấn


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.