Multimedia Đọc Báo in

Người trồng cà phê ở Ea Lai đối mặt với nhiều khó khăn

09:37, 14/12/2015
Hiện nay, nông dân xã Ea Lai (huyện M’Đrắk) đang bước vào mùa thu hoạch cà phê niên vụ 2014 – 2015. Năm nay, do tình hình hạn hán gay gắt kéo dài vào đầu vụ ra hoa đã ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển của cây cà phê nên năng suất, sản lượng giảm và không đồng đều giữa các vườn cà phê.

Gia đình chị Lê Thị Sương ở thôn 10 có 0,5 ha cà phê trồng từ năm 1996. Mặc dù được chăm bón thường xuyên, các kỹ thuật chăm sóc cà phê vẫn được bảo đảm nhưng do vườn cây đã già cỗi, cùng với bất lợi của thời tiết trong giai đoạn cây ra hoa, đậu quả nên năng suất giảm đáng kể. Đến thời điểm này, sau hơn 1 tháng thu rải rác, gia đình chị Sương cũng chỉ mới thu được khoảng 1 tấn quả tươi, quả cà phê lại nhỏ hơn so với các năm trước nên giá trị hạt nhân không cao. Chị Sương nhận định sản lượng vụ này dự đoán sẽ thấp hơn năm ngoái khoảng 2 tấn tươi, sau khi trừ các chi phí đầu tư, thu nhập của gia đình ước chỉ khoảng 15 triệu đồng. Chị Sương buồn rầu: “Nếu những ngày mưa tiếp tục kéo dài, tiền thuê nhân công hái tăng lên thì nguồn thu còn lại cũng chẳng là bao”.

Vườn cà phê tái canh của  gia đình ông Nguyễn Lâm Sơn  (thôn 1, xã Ea Lai)  cho năng suất cao.
Vườn cà phê tái canh của gia đình ông Nguyễn Lâm Sơn (thôn 1, xã Ea Lai) cho năng suất cao.

Thôn 1 là khu vực có diện tích cà phê khá lớn của xã Ea Lai với tổng diện tích 37 ha. Những ngày này, không khí thu hoạch vụ mùa bắt đầu nhộn nhịp. Sau những ngày mưa kéo dài, tranh thủ nắng ráo, bà con đem cơm ra tận rẫy, ăn vội bữa trưa để tận dụng triệt để thời gian thu hoạch. Theo khảo sát, năm nay năng suất cà phê có sự chênh lệch khá lớn giữa các vườn, tùy thuộc vào kỹ thuật chăm sóc, nguồn nước tưới trong vụ ở từng hộ gia đình: diện tích cà phê già cỗi cho năng suất chỉ đạt từ 1,7 - 2,2 tấn (nhân)/ha (giảm trung bình từ 0,5 - 2 tấn/ha so với năm trước), trong khi đó các vườn cà phê tái canh lại cho năng suất khá cao, gần 5 tấn/ha. Tuy nhiên, diện tích cà phê tái canh hiện chỉ chiếm 20% diện tích cà phê của thôn 1. Ông Nguyễn Lâm Sơn, Bí thư Chi bộ thôn 1 cho biết: “Những vườn cà phê già cỗi tốn công chăm sóc, chi phí đầu tư phân bón cao hơn song năng suất lại giảm so với các năm khiến người trồng cà phê thu nhập bấp bênh. Trong khi đó, việc chăm sóc các vườn tái canh đỡ công hơn mà năng suất năm nay cao hơn 1 – 2 tấn/ha so với năm trước. Dù vậy, không phải hộ gia đình nào cũng có điều kiện đầu tư tái canh nên đến nay diện tích này ở thôn vẫn còn rất hạn chế”.

Xã Ea Lai hiện có hơn 378 ha cà phê đang trong thời kỳ kinh doanh với năng suất bình quân đạt khoảng 13,9 tạ (nhân)/ha, sản lượng 525,4 tấn, giảm 119 ha so với năm 2011. Mặc dù chưa bước vào vụ thu hoạch đại trà nhưng theo kinh nghiệm của người trồng cà phê thì năng suất vườn cà phê năm nay giảm khoảng 10-20%, nguyên nhân chính là do sau khi kết thúc niên vụ cà phê trước, ở Tây Nguyên thời tiết lạnh về đêm khiến cà phê bị rụng lá, hoa không nở hết, cộng với trong mùa khô vừa qua, thời tiết ít mưa, hạn hán kéo dài, lượng nước tưới không bảo đảm đủ 3 đợt, nhiều diện tích cà phê thiếu nước tưới nghiêm trọng nên đã ảnh hưởng lớn đến tỷ lệ đậu quả, khiến năng suất, sản lượng trong vụ thu hoạch năm nay giảm. Trong những ngày đầu bước vào vụ thu hoạch, giá cà phê trên thị trường lại liên tục giảm và hiện nay chỉ dao động ở mức 34.000 đồng/kg cà phê nhân, 6.000 đồng/kg cà phê tươi. Năng suất giảm, giá cà phê giảm đầu vụ thu hoạch trong khi giá thuê nhân công tăng… khiến người trồng cà phê đang đối mặt với nhiều khó khăn. Theo tính toán của các hộ nông dân, với tình hình như năm nay, nếu mỗi ha đất trồng cà phê cho thu hoạch trung bình khoảng 2 tấn mang lại thu nhập khoảng 65 triệu đồng, sau khi trừ các khoản chi phí như phân bón, công chăm sóc, thuốc trị bệnh, nhân công thu hoạch... (thường chiếm trên 50% nguồn thu) thì người trồng cà phê sẽ chẳng còn lại là bao. Đặc biệt, đối với những gia đình nghèo, phải vay mượn vốn đầu tư, thu hoạch xong phải bán cà phê để trả nợ thường dẫn đến tình trạng nhiều hộ sau khi trả nợ xong là trắng tay, lại tiếp tục vay mượn để tái đầu tư sản xuất cho vụ sau.

Tuy nhiên, một tín hiệu đáng mừng là trong vụ thu hoạch cà phê năm nay, một số hộ đã chủ động nguồn nước tưới, cùng với việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, triển khai tái canh cà phê, trồng giống mới thì năng suất cao hơn hẳn. UBND xã Ea Lai phối hợp với các ngành chức năng đã khuyến cáo bà con nông dân trồng cà phê cần áp dụng khoa học kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất; tích cực chuyển đổi diện tích cà phê ngoài vùng quy hoạch, không chủ động được nước tưới sang trồng các loại cây phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời, vận động bà con sớm tái canh những vườn cây già cỗi sang trồng các giống cà phê mới có năng suất cao như TR4, TR5,… để nâng cao sản lượng cà phê trong các niên vụ tới.

Thu Nguyệt


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.