Multimedia Đọc Báo in

Chuyển biến tích cực sau 3 năm thực hiện Chỉ thị 12

11:27, 24/02/2016
Sau 3 năm thực hiện Chỉ thị số 12/CT-UBND ngày 27-11-2013 của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp (VTNN) và sản phẩm nông, lâm, thủy sản (NLTS), Đắk Lắk đã có bước chuyển mình tích cực trong công tác quản lý cũng như sản xuất sản phẩm NLTS an toàn.

Các cấp, ngành cùng vào cuộc

Hằng năm, các sở, ngành liên quan đều tập trung xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật cho các đơn vị do mình quản lý; từng bước hoàn thiện cơ chế chính sách để nâng cao hiệu quả công tác thanh, kiểm tra chất lượng VTNN và sản phẩm NLTS… Cụ thể, Sở NN-PTNT đã tích cực tham mưu UBND tỉnh về công tác xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách, văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý chất lượng VTNN và an toàn thực phẩm (ATTP) sản phẩm NLTS áp dụng trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Sở đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai công tác quản lý VTNN và chất lượng NLTS tại các cấp; tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định phân công, phân cấp cơ quan thực hiện kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh VTNN và kiểm tra chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh NLTS đủ điều kiện ATTP; góp ý dự thảo ban hành mức hỗ trợ áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP). Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về chất lượng VTNN và ATTP sản phẩm NLTS, riêng trong năm 2015 đã triển khai được 290 lớp, thu hút 14.594 học viên tham dự; phân loại 326 cơ sở kinh doanh VTNN và sản phẩm NLTS theo Thông tư 45/2014/TT-BNNPTNT; thanh tra đột xuất 523 cơ sở sản xuất, kinh doanh VTNN và sản phẩm NLTS, xử phạt hành chính hơn 603 triệu đồng.

Nông dân phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột thu hoạch rau  sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
Nông dân phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột thu hoạch rau sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

Tương tự, từ năm 2013 đến nay, các lực lượng nghiệp vụ thuộc Công an tỉnh đã kiểm tra 106 cơ sở kinh doanh phân bón và phát hiện 35 vụ vi phạm (11 vụ vi phạm nhãn mác, 15 vụ vi phạm về hợp chuẩn, hợp quy, 3 vụ kinh doanh phân bón ngoài danh mục, 8 vụ vi phạm về hợp đồng đại lý), xử phạt hành chính hơn 1 tỷ đồng. Đồng thời, tịch thu tang vật gồm 80 tấn phân bón hữu cơ sinh học K-HUMIC, 57,8 tấn phân bón hữu cơ HUCO, 450 tấn phân hữu cơ vi sinh HUDALVIL kém chất lượng; gần 11 tấn phân bón NPK Việt Nhật giả, 2.600 lít phân bón cao cấp IAC888 không có trong danh mục được phép sản xuất… Còn tại Sở Công Thương, trong năm 2015 đã tiến hành kiểm tra 6 cơ sở sản xuất, kinh doanh về lĩnh vực vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, phát hiện cả 6 cơ sở đều vi phạm, chủ yếu là lĩnh vực phân bón vi phạm nhãn mác, kém chất lượng, quá hạn sử dụng…, xử phạt hành chính 475 triệu đồng. Kiểm tra lĩnh vực ATTP sản phẩm NLTS 46 cơ sở, trong đó có 25 cơ sở vi phạm, xử phạt hơn 114 triệu đồng.

Song song với đó, công tác tuyên truyền, phổ biến Chỉ thị 12 cũng được các sở, ngành phối hợp với Báo Đắk Lắk, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh thực hiện thường xuyên. Điển hình như loạt bài về những bất cập trong công tác quản lý chất lượng sản phẩm thực phẩm NLTS, phát hiện 17 vụ vi phạm gian lận thương mại dịp Tết; bắt quả tang xe khách vận chuyển thịt đông lạnh không rõ nguồn gốc…

Cần được quan tâm nhiều hơn

Các sở, ngành tiến hành thanh, kiểm tra định kỳ, đột xuất là nhằm kịp thời nhắc nhở, xử phạt các cơ sở vi phạm quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh VTNN cũng như kịp thời hỗ trợ các mô hình sản xuất, kinh doanh sản phẩm NLTS an toàn, bảo đảm các tiêu chuẩn chất lượng là hướng đi tích cực. Tuy nhiên, trên thực tế việc thực hiện Chỉ thị 12 đến nay vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập. Ông Trần Ngọc Thanh, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản cho biết, VTNN và chất lượng NLTS là lĩnh vực đặc thù, rộng, phạm vi kiểm tra khác nhau, đòi hỏi sự liên kết giữa các ngành y tế, công thương, công an, nông nghiệp. Tuy nhiên, phần lớn các đơn vị đều thiếu nguồn nhân lực có chuyên môn hoặc kiêm nhiệm nhiều lĩnh vực khiến công tác điều động, thành lập các đoàn thanh tra liên ngành gặp rất nhiều khó khăn. Công tác tuyên truyền đến người tiêu dùng, cơ sở sản xuất, kinh doanh ở vùng sâu, vùng xa còn hạn chế nên vẫn còn tình trạng chống đối, bất hợp tác với đoàn kiểm tra. Mặt khác, nguồn kinh phí thực hiện thanh tra rất hạn hẹp, trong khi đó việc kiểm tra đòi hỏi nhiều thời gian khiến số lượng cơ sở kiểm tra chỉ mang tính điểm xuyết, chưa quyết liệt như yêu cầu thực tiễn. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài chính cấp tăng kinh phí hằng năm để đẩy mạnh tuyên truyền, mở rộng hoạt động thanh, kiểm tra. Đồng thời, các sở, ban ngành, UBND các cấp cần phối hợp chặt chẽ hơn trong công tác truy xuất nguồn gốc hàng hóa, thành lập đoàn liên ngành để kiểm tra toàn diện các cơ sở sản xuất, kinh doanh đa mặt hàng, tránh tình trạng chồng chéo trong việc thanh tra (một cơ sở bị kiểm tra nhiều lần), ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị cũng như bỏ sót cơ sở không kiểm tra.

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc