Multimedia Đọc Báo in

Sản phẩm bảo hiểm Bảo an tín dụng: "Bà đỡ" của nông dân

11:26, 24/02/2016

Để đầu tư phát triển sản xuất, nhiều người dân luôn có nhu cầu về vốn vay từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, trong sản xuất, nông dân luôn phải đối mặt với nhiều rủi ro như thiên tai, dịch bệnh, mất mùa… khiến nguồn vốn vay trở thành gánh nặng của nhiều gia đình. Gần đây, với việc cho ra đời sản phẩm bảo hiểm Bảo an tín dụng (BATD) của Công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng nông nghiệp (ABIC) đã phần nào giúp người nông dân giảm bớt rủi ro…

Những ngày này, không khí đau thương, mất mát vẫn còn hiện hữu trong gia đình bà Trần Thị Năm (56 tuổi) ở thôn Mê Linh, xã Buôn Triết, huyện Lắk bởi sự ra đi của ông Nguyễn Văn Nhiệm, chồng bà. Dù sự mất mát ấy đã được báo trước, bởi ông bị bệnh hiểm nghèo, nhưng sự trống vắng do mất đi người đàn ông trụ cột khiến gia đình không dễ vượt qua. Khi ông Nhiệm ngã bệnh, tài sản của gia đình đều bán để chữa chạy cho ông, dù phía sau vẫn còn nỗi lo về các khoản chi tiêu, về khoản nợ ngân hàng cả trăm triệu đồng. Khi chồng mất, bà Năm cùng các con xoay xở với bài toán trả nợ ngân hàng. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó, nỗi lo về nợ ngân hàng của gia đình bà đã dịu xuống phần nào, khi ABIC Đắk Lắk tiến hành chi trả 50 triệu đồng quyền lợi bảo hiểm BATD và 1 triệu đồng tiền mai táng phí cho gia đình ông Nhiệm. Bà Năm tâm sự: “Đầu năm 2015, gia đình tôi có vay 500 triệu đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Chi nhánh huyện Lắk để đầu tư phát triển sản xuất, đồng thời mua bảo hiểm BATD của ABIC với số tiền 100 triệu đồng. Đến cuối năm 2015, chồng tôi không may qua đời. Dẫu không có gì bù đắp nổi sự mất mát quá lớn này nhưng cuộc sống của gia đình tôi cũng bớt khó khăn khi khoản nợ ngân hàng đã trả được phần nào nhờ mua bảo hiểm BATD”. 
Đại diện ABIC Đắk Lắk chi trả quyền lợi bảo hiểm BATD  cho một gia đình khách hàng tại huyện Lắk.
Đại diện ABIC Đắk Lắk chi trả quyền lợi bảo hiểm BATD cho một gia đình khách hàng tại huyện Lắk.

Bà Trần Thị Bích Nguyệt, Trưởng Phòng Kinh doanh II, phụ trách tổng đại lý Đắk Lắk cho biết, nếu như trước đây, nông dân chỉ đơn thuần vay vốn và tập trung sản xuất, thì giờ đây nông hộ trên địa bàn tỉnh đã làm quen với việc bảo hiểm vốn vay của chính mình khi mua bảo hiểm một phần hoặc toàn phần vốn vay đầu tư. Bà Nguyệt cho hay, trong quá trình chi trả quyền lợi BATD cho khách hàng, bà đã không ít lần chứng kiến nhiều hoàn cảnh éo le khi lao động chính trong gia đình họ không may qua đời, như ông Nguyễn Tùng (xã Ea Phê, huyện Krông Pắc) bị tai nạn giao thông; ông Trịnh Ngọc Sơn (xã Yang Reh, huyện Krông Bông) bị ung thư phổi; Y Ruih Ayun (huyện Cư M’gar) bị bệnh xơ gan… và hàng trăm gia đình khác trên địa bàn tỉnh rơi vào hoàn cảnh khó khăn tương tự. Đối với những trường hợp như vậy, sau khi nhận được thông tin của khách hàng, ABIC Đắk Lắk nhanh chóng đến thăm hỏi, động viên, chia sẻ cùng với gia đình và tiến hành các thủ tục cần thiết với mong muốn hướng đến lợi ích cao nhất của khách hàng. Chính vì vậy, khách hàng và người thân của họ rất yên tâm khi tham gia BATD của ABIC Đắk Lắk. Theo thống kê của ABIC Đắk Lắk, trong năm 2015, các trường hợp bồi thường bảo hiểm BATD thực hiện chủ yếu đối với nông dân nghèo vay vốn trên địa bàn 5 tỉnh Tây Nguyên với số tiền hơn 9,6 tỷ đồng. Riêng tại Đắk Lắk, ABIC đã chi trả hơn 3,8 tỷ đồng cho 137 khách hàng…

Chia sẻ về tính hiệu quả của BATD, ông Đặng Văn Liễu, Giám đốc ABIC Đắk Lắk cho biết: Được triển khai thí điểm tại khu vực Tây Nguyên từ năm 2009, đến nay, BATD thực sự đã trở thành sản phẩm bảo hiểm cho khu vực “tam nông”. Qua thực tế triển khai, BATD đã khẳng định là “lá chắn” kinh tế vững vàng cho nông dân và cả ngân hàng. Điểm mạnh của sản phẩm này là nhờ hệ thống mạng lưới các Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên toàn quốc nên khi có phát sinh rủi ro, ABIC gần như ngay lập tức tổ chức thăm hỏi, thực hiện bồi thường trách nhiệm như đã cam kết với khách hàng, nhờ đó khách hàng bớt đi phần khó khăn về vật chất và được an ủi về tinh thần. Ngoài ra, BATD cũng thể hiện sự thân thiện, gần gũi khi chấp nhận bảo hiểm cho những rủi ro biết trước như đối với các bệnh ung thư, hiểm nghèo…

Duy Tiến


Ý kiến bạn đọc