Theo dõi diễn biến rừng, đất lâm nghiệp bằng phần mềm: Bước tiến mới của ngành lâm nghiệp
Đắk Lắk là tỉnh đầu tiên của cả nước sử dụng phần mềm để theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp của cả nước. Qua đó đã góp phần cập nhật kịp thời mọi diễn biến thay đổi về hiện trạng rừng, đất lâm nghiệp của địa phương; tiết kiệm nguồn lực, công sức và thời gian của các cán bộ kiểm lâm…
Cán bộ Chi cục Kiểm lâm tỉnh đang sử dụng phần mềm theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp. |
Ông Y Sy H’Dơk Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cho biết, năm 2014, sau khi có kết quả kiểm kê rừng, địa phương được Bộ NN-PTNT lựa chọn triển khai thí điểm ứng dụng phần mềm theo dõi diễn biến diên tích rừng và đất lâm nghiệp. Xác định đây là một cơ hội để ứng dụng công nghệ thông tin cho công tác quản lý của ngành nên Sở NN-PTNT đã thành lập tổ công tác lâm nghiệp đưa đi đào tạo để tiếp nhận, quản lý, sử dụng phần mềm này. Các thành viên được giao nhiệm vụ liên quan đến công tác báo cáo, thống kê của đơn vị, có kiến thức và kỹ năng cơ bản về tin học, có khả năng sử dụng các phần mềm chuyên dụng cho công tác báo cáo, thống kê lâm nghiệp. Tổ thông tin lâm nghiệp tỉnh thực hiện vai trò đầu mối tiếp nhận và vận hành hệ thống phần mềm báo cáo, thống kê lĩnh vực lâm nghiệp do Tổng cục Lâm nghiệp cấp; thành viên của Tổ được tham gia các khóa đào tạo, tập huấn; các cuộc họp, hội thảo kỹ thuật, các chuyến khảo sát mô hình có liên quan nhằm nâng cao năng lực vận hành hệ thống báo cáo, thống kê lĩnh vực lâm nghiệp cấp tỉnh và có nhiệm vụ đào tạo, hướng dẫn cán bộ báo cáo, thống kê lĩnh vực lâm nghiệp cấp huyện, xã và các tổ chức quản lý rừng tại địa phương. Đến nay, Chi cục kiểm lâm đã có 6 cán bộ kỹ thuật của đơn vị và 20 cán bộ của Hạt Kiểm lâm cấp huyện sử dụng thành thạo phần mềm này.
Ngoài ra, Sở NN-PTNT còn giao nhiệm vụ cho các đơn vị trực thuộc, Chi cục Kiểm lâm chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ cho các Hạt Kiểm lâm, công chức kiểm lâm phụ trách địa bàn xã, các đơn vị chủ rừng, UBND cấp xã để tổ chức thu thập thông tin thay đổi hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp ngoài thực địa; cập nhật thông tin diễn biến vào cơ sở dữ liệu; tổng hợp số liệu, bản đồ hiện trạng rừng từ cơ sở để xây dựng cơ sở dữ liệu cấp tỉnh. Lực lượng kiểm lâm cấp tỉnh, huyện chủ trì phối hợp với các ngành liên quan hướng dẫn, kiểm tra và tổng hợp kết quả theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp cấp huyện, tỉnh; tổ chức kiểm tra, hiệu chỉnh, xác nhận tính hợp lý, hợp pháp của số liệu do các đơn vị chủ rừng, UBND cấp xã thực hiện. Đến nay, việc sử dụng phần mềm này đã giúp Chi cục Kiểm lâm cập nhật được 25.879 lô rừng, đất lâm nghiệp với diện tích 18.115,5 ha có diễn biến.
Cũng theo anh Nguyễn Thanh Trà, ứng dụng phần mềm theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp này giúp UBND các cấp phát huy và thực hiện vai trò quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp theo Nghị định 23/2006/NĐ-CP có hiệu quả hơn. Còn đối với ngành lâm nghiệp thì có đủ cơ sở dữ liệu để lập kế hoạch xây dựng, bảo vệ và phát triển rừng theo từng năm cũng như chiến lược trung, dài hạn; nâng cao được năng lực, trình độ của lực lượng kiểm lâm trong việc quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng, giám sát các hoạt động lâm nghiệp một cách khoa học; có cơ sở thực hiện các dự án, phương án bảo vệ tài nguyên rừng phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương… Tuy nhiên, do mới đưa vào sử dụng phần mềm nên địa phương còn gặp phải một số khó khăn về nhân lực cũng như phương tiện; một số quy trình triển khai phần mềm còn thiếu… Do đó, Sở NN-PTNT đang đề nghị Bộ NN-PTNT tiếp tục tổ chức đào tạo, tập huấn cho cán bộ kiểm lâm; trang bị thêm máy móc; ban hành quy trình kỹ thuật theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp mới (thay thế quy trình kỹ thuật ban hành theo Quyết định số 78/QĐ-BNN trước đây) và có văn bản chỉ đạo sử dụng phần mềm theo dõi diễn biến rừng này để địa phương làm cơ sở pháp lý triển khai thực hiện và sử dụng; ban hành các quy định về chế tài xử lý các đơn vị chủ rừng thiếu trách nhiệm trong công tác theo dõi, báo cáo số liệu theo dõi diễn biến rừng, tránh tình trạng giấu số liệu không báo cáo, báo cáo không đúng thời gian, tiến độ…
Vạn Tiếp
Ý kiến bạn đọc