Multimedia Đọc Báo in

Giao dịch cà phê trên sàn quốc tế: "Giấc mơ" bao giờ thành hiện thực? (Kỳ cuối)

09:01, 23/03/2016

Kỳ cuối: Vì đâu nên nỗi!

Trong bối cảnh thị trường như hiện nay, việc áp dụng và vận hành thành công mô hình giao dịch cà phê trên sàn giao dịch quốc tế là đòi hỏi cấp thiết, nhưng bài toán đặt ra là có mô hình tốt rồi sao vẫn không vận hành được.

Nhà đầu tư hời hợt

Theo đề án thành lập, BCCE có vốn điều lệ 75,5 tỷ đồng với 4 cổ đông gồm phần vốn Nhà nước đăng ký 32 tỷ đồng, Công ty CP Đầu tư kinh doanh vàng VN đăng ký góp vốn 33 tỷ đồng, Công ty TNHH Xây dựng thương mại và dịch vụ Long Yến đăng ký góp 10 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu 2-9 đăng ký 500 triệu đồng. Tuy nhiên, theo thông tin chúng tôi có được, đến nay ngoài phần vốn góp của cổ đông Nhà nước đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3056/QĐ-UBND, ngày 18-11-2015 (được xác định là trên 33,1 tỷ đồng), các cổ đông khác đều chưa thanh toán hoặc chỉ thanh toán một phần số cổ phần đã đăng ký. Cụ thể, Công ty TNHH Xây dựng, thương mại và dịch vụ Long Yến thanh toán được 1,5 tỷ đồng/10 tỷ đồng đăng ký; Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk thanh toán được 100 triệu đồng/500 triệu đồng đã đăng ký; đặc biệt, cổ đông lớn nhất là Công ty Cổ phần đầu tư kinh doanh vàng Việt Nam vẫn chưa góp đồng nào trong số tiền 33 tỷ đồng đã đăng ký. Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Huỳnh Văn Tiến cho biết, theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014, sau 90 ngày kể từ khi thành lập (giấy phép kinh doanh của BCCE đề ngày 25-2-2015), các cổ đông phải hoàn thành việc góp vốn. Để tạo điều kiện, UBND tỉnh đã nhiều lần gia hạn việc góp vốn của các cổ đông để công ty đi vào hoạt động ổn định, nhưng các cổ đông vẫn chưa hoàn thành nghĩa vụ góp vốn. Về vấn đề này, ông Tiến cho biết, sau ngày 31-3, nếu các cổ đông vẫn không góp vốn, Sở Kế hoạch - Đầu tư sẽ tham mưu UBND tỉnh xử lý theo quy định. Theo đó, cổ đông chưa thanh toán cổ phần đã đăng ký mua đương nhiên không còn là cổ đông của công ty và không được chuyển nhượng quyền mua cổ phần cho người khác. Những cổ đông chỉ mới thanh toán một phần số cổ phần đã đăng ký mua chỉ được hưởng quyền lợi trên số cổ phần này, không được chuyển nhượng quyền mua cổ phần đối với số cổ phần chưa thanh toán cho người khác.

Trụ sở BCCE vẫn đìu hiu sau 1 năm đi vào hoạt động.
Trụ sở BCCE vẫn đìu hiu sau 1 năm đi vào hoạt động.

Cần có cơ chế phù hợp

Bên cạnh việc xử lý vốn, việc giao dịch qua sàn của BCCE đến nay vẫn chưa thể thực hiện vì còn khá nhiều vướng mắc về pháp lý. Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị, người đại diện phần vốn Nhà nước tại BCCE Võ Thanh Châu, hiện nay hành lang pháp lý để cà phê Việt Nam được bán qua sàn giao dịch cũng chưa có. Đến Nghị định 158 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về việc thành lập sở giao dịch hàng hóa và hoạt động mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa, được ban hành vào tháng 12-2006 nhưng đến nay vẫn chưa có các hướng dẫn cụ thể. Cùng với đó, muốn giao dịch qua sàn thì hành lang pháp lý về thuế, hóa đơn chứng từ, trung tâm thanh toán bù trừ... cần hoàn thiện và phù hợp với thông lệ quốc tế nhưng đến nay vẫn chưa có. Quan trọng hơn là phải có cơ chế phù hợp để bảo đảm lợi ích, thậm chí là lợi ích vượt trội thì mới thu hút được thành viên tham gia. Bởi thực tế kinh doanh hiện nay các đại lý và DN chỉ cần nhấc điện thoại là có thể mua bán những lô hàng cà phê và có lãi rất dễ dàng mà không rắc rối. Nay tất cả các lô hàng được đưa lên sàn, công khai để người mua biết, cơ quan chức năng kiểm soát... thì cần phải có chính sách cụ thể thu hút nông dân, đại lý vào sàn.

Có thể nói, với 90% sản lượng cà phê Việt Nam dùng cho xuất khẩu, việc thành lập một sàn giao dịch để nông dân bán cà phê trực tiếp, sát giá thế giới, xóa bỏ hiện tượng ép giá đối với người sản xuất cà phê, cũng như giảm bớt tình trạng bị giới đầu cơ làm giá... là rất hữu ích. Thế nhưng, với những vướng mắc chưa được tháo gỡ, chưa biết đến bao giờ cà phê Việt Nam mới có thể giao dịch qua sàn quốc tế…

Liên quan đến hoạt động của sàn giao dịch cà phê, mới đây UBND tỉnh đã tổ chức cuộc họp với BCCE, trong đó tập trung tháo gỡ khó khăn trong việc góp vốn chậm trễ của các cổ đông. Cuộc họp có lãnh đạo các Sở Công thương, Kế hoạch - Đầu tư và 4 cổ đông của BCCE. Theo đó, lãnh đạo UBND yêu cầu các cổ đông phải tổ chức cuộc họp vào ngày 25-3 để chốt việc họ sẽ tiếp tục góp vốn bao nhiêu vào BCCE. Các cổ đông cũng có thể xem xét lại số vốn góp Nhà nước là hơn 33,1 tỷ đồng (gồm cơ sở hạ tầng Trung tâm giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột và phần mềm) đã hợp lý hay chưa…

Giang Nam

[links()]


Ý kiến bạn đọc