Multimedia Đọc Báo in

Tiêu được mùa,... trượt giá!

10:38, 22/03/2016
Trái với niên vụ trước, hồ tiêu năm nay tuy có được mùa hơn một chút nhưng lại đang trên đà rớt giá mạnh ngay từ đầu vụ thu hoạch khiến người dân thấp thỏm lo âu.

Lo lắng bao trùm!

Những ngày này, người dân trồng tiêu trên địa bàn tỉnh đang vào vụ thu hoạch rộ. Dọc đường về các xã Ea Bhốk, Ea Ning (huyện Cư Kuin) đâu đâu cũng bắt gặp hình ảnh người dân tất bật thu hoạch tiêu. Ông Lê Văn Ngọc, thôn 24, xã Ea Ning cho biết, gia đình ông có 1 ha tiêu nhưng mới có 400 trụ (hơn 3 sào) cho thu hoạch, sản lượng ước đạt hơn 3 tấn nhân, tăng hơn 1 tấn so với niên vụ trước. Vụ tiêu này thời tiết nắng hạn nên ít dịch bệnh, theo đó công chăm sóc cũng ít, chất lượng tiêu được nâng cao hơn, nhưng do giá giảm mạnh nên thu nhập chỉ ngang với mọi năm. Tương tự, gia đình bà Hồ Thị Minh, cùng thôn 24 có hơn 1 ha tiêu cho hay, năm nay vườn tiêu của bà có 6 sào cho thu hoạch, so với năm trước, sản lượng tiêu thu được nhiều hơn, nhưng giá tiêu lại giảm từng ngày, cách đây 1 tuần thương lái đến thu mua tận nhà giá trên dưới 150.000 đồng/kg (tùy vào độ zem) thì nay chỉ còn 135.000-140.000 đồng/kg, giảm 60.000-70.000 đồng/kg so với năm trước nên bà đang có kế hoạch găm hàng với mong muốn giá tiêu sẽ tăng trở lại vào cuối vụ. Trên thực tế, năm nay không phải vườn tiêu nào cũng được mùa, như hộ bà Triệu Thị Châu, thôn 3, xã Cư Suê (Cư M’gar) có 1 ha tiêu xen canh trong cà phê, sản lượng năm nay thu về chỉ đạt gần 2 tấn, giảm hơn 1 tấn so với niên vụ 2014-2015. Do giá nhân công cao, giá tiêu giảm… nên khoản lợi nhuận của gia đình theo đó cũng bị sụt giảm.

Cán bộ Phòng NN-PTNT huyện Cư Kuin hướng dẫn ông Lê Văn Ngọc,  thôn 24, xã Ea Ning chăm sóc tiêu theo hướng bền vững.
Cán bộ Phòng NN-PTNT huyện Cư Kuin hướng dẫn ông Lê Văn Ngọc, thôn 24, xã Ea Ning chăm sóc tiêu theo hướng bền vững.

Ông Phạm Quang Mười, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Cư M’gar cho biết, hồ tiêu cũng giống như cà phê, năm trước được mùa thì năm sau mất mùa nhưng điều lo lắng nhất với cây tiêu hiện nay chưa phải là giá cả mà là nguy cơ dịch bệnh. Ước tính trên địa bàn huyện có khoảng 2.800 ha tiêu, trong đó diện tích trồng thuần là 1.500 ha, đến nay cơ bản bà con đã thu hoạch xong tiêu (giống Vĩnh Linh) còn các loại tiêu khác đang bước vào thu hoạch rộ.

Lợi thế phát triển theo hướng bền vững

Với mức giá dao động trên dưới 135.000 đồng/kg tiêu hạt như hiện nay, sau khi trừ chi phí, nhà vườn vẫn có lãi, nhưng ai cũng lo ngại là hồ tiêu đang có chiều hướng tiếp tục trượt giá trong thời gian tới, liệu hộ trồng tiêu còn có lãi nữa không (?). Trên thực tế, diện tích hồ tiêu thời gian gần đây tăng mạnh khiến nguồn cung tăng cao, trong khi đó nhu cầu tiêu thụ trên thị trường quốc tế tăng chậm. Đặc biệt, tình trạng suy thoái, bạc màu đất do lối canh tác xô bồ, triệt hạ cả vành đai cây che bóng cho tiêu khiến hiện tượng đất bị trôi rữa, lại thêm hạn hán ngày càng diễn biến phức tạp đang đe dọa sự phát triển ổn định của loại cây này. Do đó, phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững đang được các địa phương chú trọng thực hiện. Ông Hồ Sỹ Nguyên, Quyền Trưởng phòng NN-PTNT huyện Cư Kuin cho hay, trong tổng số 3.426 ha tiêu trên địa bàn thì có 2.294 ha trồng thuần còn 1.132 ha trồng xen đông đặc trong vườn cây lâu năm. Trong đó, diện tích kinh doanh vào khoảng 2.045 ha, năng suất bình quân đạt 3,5 tấn/ha. Để nâng cao năng suất, chất lượng cũng như giá trị hồ tiêu, hằng năm huyện đều triển khai các chương trình phát triển cây tiêu theo hướng bền vững cho bà con nông dân. Trong đó, chú trọng việc cân đối các trụ sống và trụ xi măng trong các vườn cây để tạo môi trường sinh thái bền vững cho cây trồng. Hiện tại, huyện đã hoàn thiện hồ sơ xây dựng thương hiệu hồ tiêu Cư Kuin gửi Cục Sở hữu trí tuệ chờ công nhận.

Nông dân xã Ea Ning thu hoạch hồ tiêu
Nông dân xã Ea Ning thu hoạch hồ tiêu.

Ông Nguyễn Huy Phát, Chi Cục trưởng Chi Cục  Trồng trọt và BVTV tỉnh cho biết, Đắk Lắk hiện có khoảng 16.100 ha tiêu, chiếm 36,7% diện tích hồ tiêu vùng Tây Nguyên và 18,8% của cả nước, nhưng năng suất bình quân chỉ đạt trên 3 tấn/ha, thấp hơn bình quân vùng (3,14 tấn/ha), sản lượng chỉ đứng thứ 2 cả nước (sau Gia Lai). Tuy nhiên, giá thành sản xuất hồ tiêu tại Đắk Lắk lại thấp hơn so với các tỉnh khác là một trong những lợi thế lớn để thúc đẩy cây tiêu địa phương phát triển theo hướng bền vững. Hằng năm, Chi cục đều triển khai phát động chiến dịch phòng chống bệnh chết nhanh chết chậm, thành lập các tổ chỉ đạo phòng chống dịch bệnh, xây dựng mô hình phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững tại các vùng trọng điểm của tỉnh. Dự kiến, năm nay đơn vị sẽ phát động chiến dịch phòng chống bệnh chết nhanh chết chậm vào tháng 4 trên toàn tỉnh, trong đó chú trọng các vùng trọng điểm như Cư Kuin, Cư M’gar, Ea H’leo, thị xã Buôn Hồ...

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.